Kinh tế Mỹ: Giảm chi tiêu, tăng thuế cản đà phục hồi

Theo Vietnam+

Nền kinh tế số một thế giới đã có sự phục hồi đáng kể so với một năm trước, nhưng việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của chính phủ Mỹ đã và đang tiếp tục làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của nước này. Đó là đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 14/6.

Kinh tế Mỹ: Giảm chi tiêu, tăng thuế cản đà phục hồi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo hàng năm của IMF, các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế Mỹ đã được cải thiện đáng kể: giá nhà tăng, trong khi tài chính của các hộ gia đình khá ổn định và thị trường lao động đang duy trì được tốc độ tăng trưởng lành mạnh.

Theo IMF, triển vọng của nền kinh tế Mỹ sáng sủa hơn so với năm 2012, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng chỉ đạt khoảng 1,9% trong năm nay, thấp hơn so với dự đoán 2% của nhiều chuyên gia kinh tế. IMF cũng hạ thấp dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2014 xuống còn 2,7%, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng việc hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới chủ yếu do việc cắt giảm ngân sách tự động của các bộ, ngành và tăng thuế của chính phủ.

Báo cáo của IMF lưu ý việc cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ đã được thực hiện quá nhanh và hơi thiếu tính kế hoạch. Theo IMF, Quốc hội Mỹ nên hủy kế hoạch cắt giảm chi tiêu trị giá tới 85 tỷ USD, thay vào đó là việc thực hiện các chương trình cắt giảm trong dài hạn, như chương trình an sinh xã hội, vì điều đó sẽ giúp giảm sức ép đối với nền kinh tế.

IMF cũng dự đoán Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục duy trì việc mua trái phiếu cho đến cuối năm nay nhằm hạ lãi suất dài hạn và khuyến khích các khoản vay, đầu tư và chi tiêu.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Mỹ là 7,6%, thấp hơn 0,6% so với một năm trước. Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm dần trong 2 năm tới, với mức trung bình 7,5% trong năm nay và 7,2% trong năm 2014.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi bền vững, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức ở cả bên trong và bên ngoài, bao gồm cả việc nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ giảm, đặc biệt là ở châu Âu./.