Kinh tế phục hồi nhanh hơn dự báo

Theo plo.vn

(Tài chính) Nền kinh tế trong nước đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với các dự báo.

Kinh tế phục hồi nhanh hơn dự báo
Nền kinh tế trong nước đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển. Nguồn: internet
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ, nhìn nhận: năm nay sẽ làm một năm then chốt khi chúng ta vừa tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đưa ra những chính sách lớn quyết liệt để phục vụ tăng trưởng. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi và dài hạn để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong tương lai.

Nhà đầu tư ngoại dè dặt

Phóng viên: Ông cho rằng đây là năm bản lề, vậy những dấu hiệu nào cho thấy kinh tế năm nay thuận lợi hơn năm ngoái?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Từ năm 2008, nhiều người dự đoán phải mất 10 năm kinh tế mới phục hồi được nhưng giờ chỉ mới 5 năm nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Nguyên nhân do kinh tế thế giới đang phục hồi nên thương mại toàn cầu tăng gần gấp đôi so với năm ngoái từ 2,6% tăng lên 5,5%-5,6%. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế nước ta nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 16%, trong đó chủ yếu doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN nội địa đạt 3,6%. Dự báo tỉ lệ này của các DN nội địa năm nay sẽ tăng cao hơn năm ngoái. Hơn nữa từ cuối năm trước đã có những dự án đầu tư nâng vốn đăng ký tăng trưởng lên 57%-60%. Nếu năm ngoái tăng trưởng vốn giải ngân thực chiếm khoảng 6% thì năm nay con số này có thể lên 7%-8%.

Ông đánh giá thế nào khi thị trường chứng khoán đã tăng rất nhanh chỉ trong hai tháng đầu năm?

Làn sóng đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán tăng mạnh hơn, nguyên nhân do chênh lệch lãi suất của nước ta cao so với thế giới. Nếu lãi suất trên thị trường liên bang vẫn duy trì ở mức thấp chỉ từ 0% đến 0,25% thì lãi suất tương tự như vậy ở Việt Nam là lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trái phiếu chính phủ… vẫn ở mức rất cao. Thị trường trái phiếu đầu năm cũng sôi động hơn hẳn năm ngoái và chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu trong nước và trái phiếu quốc tế cũng cao. Điều này được các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất quan tâm, họ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ sớm phục hồi.

Khi nợ xấu chưa được giải quyết… Liệu nhà đầu tư ngoại có quan tâm đến thị trường tài chính chúng ta?

Đến nay chúng ta đã nới lỏng “room” nắm giữ cổ phần ở ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại nhưng thực tế họ rất dè dặt. Họ muốn nhìn thấy thành quả thực sự quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Chừng nào nhìn kết quả đạt được tương đối vững vàng, chừng ấy làn sóng đầu tư vào thị trường này sôi động hơn. Ví dụ nợ xấu 10 mà chúng ta xử lý được 60% trong số đó thì nhà đầu tư sẽ vào mạnh hơn. Còn hiện nay giả sử mới xử lý được khoảng 20%-30% thôi thì các nhà đầu tư vẫn trong trạng thái chờ đợi. Họ cũng đang trông vào chương trình cổ phần hóa DN nhà nước. Nếu chúng ta đẩy mạnh nhanh chóng bài toán minh bạch quá trình này thì các DN, các quỹ… sẽ tham gia vào nhanh chóng hơn.

Áp lực tăng trưởng tín dụng

Việc xử lý nợ xấu có ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Một trong những hạn chế rất lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu và nợ xấu vẫn trở thành gánh nặng đối với tất cả DN, nên làm hạn chế tăng trưởng tín dụng. Không có tăng trưởng tín dụng thì đầu tư khu vực tư nhân nội địa hạn chế. Trong khi đầu tư khu vực này chiếm khoảng gần 60% tổng đầu tư và dựa chủ yếu vào tín dụng.

Nhìn lại năm ngoái, tăng trưởng tín dụng được khoảng 12,4% nhưng nếu trừ đi lạm phát, trừ đi việc giãn nợ cộng với lãi nhập vào gốc thì tăng trưởng tín dụng thực còn rất ít. Ví dụ một DN vay 100 tỉ đồng với lãi suất 10%. Nhưng sau một năm không trả được họ sẽ ghi vào tín dụng mới là 110 tỉ đồng. Nghĩa là khoản tín dụng này hoàn toàn mới nên người ta nói tăng trưởng ròng của tín dụng thấp là vì vậy. Như vậy điều bí ẩn của tăng trưởng kinh tế 2014 chính là tăng trưởng tín dụng. Nên nếu đẩy tăng trưởng tín dụng lên 15%, 16%, 17%, 18% được thì chúng ta sẽ kéo mức tăng trưởng ròng cao hơn hiện tại.

Đứng trước bối cảnh như vậy, theo ông vấn đề trọng điểm năm 2014 là gì?

Lớn nhất và trở thành trọng điểm năm nay là nợ xấu, đâu đó còn khoảng vài trăm ngàn tỉ đồng còn phải tiếp tục xử lý kể cả hai khâu mua qua Công ty mua bán nợ (VAMC) và các ngân hàng tự xử lý. Công bằng mà nói việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đã có bước đầu thành công. Nhưng dù sao mảng này vẫn còn tồn lại các vấn đề lớn. Riêng vấn đề đưa toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng vào chuẩn quốc tế như chuẩn kế toán, báo cáo tài chính, các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu giám sát… thì những việc này mới chỉ là khởi đầu chưa có kết quả cụ thể, đây cũng là một trong các rủi ro lớn của quá trình tái cấu trúc.

Xin cảm ơn ông.

Cần nền tảng pháp lý để giải quyết sở hữu chéo

Một phần khác đang gây nhức nhối trong dư luận dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều là sở hữu chéo và sự lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng. Đây là vấn đề phức tạp vì liên quan tới lợi ích và cũng liên quan tới việc chúng ta thiếu các nền tảng pháp lý, các chế tài để giải quyết rốt ráo và dứt khoát. Tuy nhiên, nếu làm nhanh quá thì thiếu thủ tục pháp lý chế tài một mặt sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng nên để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn cần thời gian.

TS. Lê Xuân Nghĩa