Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 10-15/7/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Trung Quốc: Trong quý II/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,8%, trong bối cảnh nước này tăng cường phòng chống những rủi ro tài chính do đầu cơ bất động sản, “bong bóng tài sản”; đồng thời giảm bớt mức nợ cao của nền kinh tế.

Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong những quý tới, tuy nhiên sẽ không giảm mạnh do hoạt động xuất khẩu được cải thiện. (Theo kết quả thăm dò ý kiến 60 chuyên gia kinh tế do Hãng tin Reuters thực hiện và công bố ngày 12/7)

- Singapore: Trong quý II/2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,5% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của quý I/2017. Trong đó, lĩnh vực sản xuất tăng 8%, lĩnh vực dịch vụ tăng 1,7%, trong khi lĩnh vực xây dựng giảm 5,6%. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 14/7)

- Anh: Hãng Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s - S&P (11/7) dự báo kinh tế Anh đang trên đà tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng trưởng đạt 1,4% trong năm 2017 và 0,9% vào năm 2018, thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,8% của năm 2016, trong bối cảnh tăng lương chậm cùng với việc xuất hiện nhiều bất ổn liên quan đến sự kiện Brexit.

Bên cạnh đó, S&P dự báo từ nay đến giữa năm 2019, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ chưa tăng lãi suất

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm do FED sẽ không thắt chặt thêm chính sách tiền tệ.

Tính chung cả tuần (10 - 14/7/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 1,04%; 1,41% và 2,59% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (07/7/2017). Trong ngày giao dịch 30/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 38,03 điểm (0,61%) lên 6.312,46 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 11,44 điểm (0,47%) lên 2.459,27 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 84,65 điểm (0,39%) lên 21.637,74 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,7 điểm (3,04%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (14/7/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,25 điểm (0,13%) lên 3.222,42 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,64 điểm (0,52%) lên 2.411,13 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 43,06 điểm (0,16%) lên 26.389,23 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,78 điểm (0,01%) lên 5.708,61 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 19,05 điểm (0,09%) lên 20.118,86 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 6/2017, sản lượng dầu của 13 nước thành viên OPEC đạt 32,47 triệu thùng/ngày, cao hơn 330 nghìn thùng/ngày so với tháng 5/2017, do Nigeria và Libya - hai quốc gia được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

Sản lượng của 11 thành viên (không bao gồm Nigeria và Lybia) là 29,84 triệu thùng/ngày, tương đương mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng đạt 97%, thấp hơn mức trên 100% đạt được trong tháng 5/2017. (Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 12/7)

Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng cao từ năm 2017 - 2018, đạt 98 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2018, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc, Đức và Hoa Kỳ tăng cao. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế ngày 13/7)

Tuần từ 10/7 - 14/7/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 5,22% và 4,71%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (07/7/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 8/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,46 USD (0,99%) lên 46,54 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,49 USD (1%) lên 48,91 USD/thùng.

Châu Âu

EU

Ngày 11/7, các bộ trưởng tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thông qua kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng.

Kế hoạch này bao gồm việc cho phép những nhà giám sát ngân hàng nhiều quyền hạn hơn để “tích cực thúc đẩy các ngân hàng giải quyết vấn đề nợ”; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể buộc các ngân hàng tăng “vùng đệm” đối với các khoản nợ xấu hiện tại; các ngân hàng cũng có thể buộc phải tự động dành thêm vốn cho các khoản vay mới khi thấy mức nợ xấu vượt quá mức chấp nhận được.

Tuy nhiên, các ngân hàng cảnh báo, các biện pháp trên có thể trở nên “thái quá” và làm tăng chi phí quá mức. (Theo TTXVN)

 Anh

- Trong quý I/2017, GDP của Anh tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, thu nhập sau thuế của người dân Anh giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016, làm giảm sức mua của người tiêu dùng nước này, do mức tăng lương chậm trong khi tốc độ lạm phát tăng nhanh.

Tuy nhiên, thu nhập quốc gia tính theo đầu người tại Anh tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do doanh thu của các nhà đầu tư Anh ở nước ngoài tăng, trong bối cảnh đồng GBP giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 06/7)

- ONS ngày 12/7 đã công bố một số chỉ tiêu kinh tế của Anh:

+ Tính đến cuối tháng 5/2017, số người thất nghiệp ở Anh là 1,49 triệu người, giảm 152 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp là 4,5% - mức thấp nhất trong vòng 42 năm qua.

+ Thu nhập trung bình hằng tuần được điều chỉnh theo mức lạm phát (chưa kể tiền thưởng) trong 3 tháng (3 - 5/2017) giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2016.

+ Tỷ lệ lạm phát trong tháng 5/2017 tăng lên gần 2,9% - mức cao nhất trong 4 năm qua, do đồng GBP giảm giá bởi chịu tác động của sự kiện Brexit.

- Trong quý II/2017, chi tiêu hộ gia đình tại Anh giảm 0,3% - mức giảm nhanh nhất trong gần 4 năm qua.

Đặc biệt, chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh, cụ thể: Trong tháng 6/2017, chi tiêu cho hàng gia dụng giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2016; chi tiêu cho hoạt động văn hóa và giải trí giảm 1,2%, lần giảm đầu tiên trong vòng 4 năm; chi tiêu cho quần áo và giầy dép giảm 0,5%, cho thấy người tiêu dùng Anh đang hạn chế chi tiêu do lạm phát gia tăng, trong khi tiền lương tăng trưởng chậm lại. (Theo Hãng phát hành thẻ tín dụng Visa, Anh ngày 10/7)

- Các doanh nghiệp lớn tại Anh đã cắt giảm các kế hoạch đầu tư trong bối cảnh tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp này giảm mạnh trong quý II/2017, có 72% số giám đốc tài chính (CFO) được khảo sát cho rằng, môi trường kinh doanh sẽ xấu đi khi nước Anh rời khỏi EU, trong khi chỉ có 8% nhận định tình hình sẽ được cải thiện.

Số liệu trên có thể làm ảnh hưởng đến dự định tăng lãi suất lần đầu tiên của BoE trong 10 năm qua. (Theo Hãng kiểm toán Deloitte, Anh ngày 10/7)

 Pháp

- Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (11/7) công bố kế hoạchcắt giảm 11 tỷ EUR (12,6 tỷ USD) tiền thuế áp dụng với các cá nhân và doanh nghiệp trong năm 2018, nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động đầu tư, tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế.

Các biện pháp chủ yếu gồm xóa bỏ 80% thuế cư trú đối với các hộ gia đình tại Pháp, cắt giảm thuế tài sản và giảm dần thuế doanh nghiệp để đạt mức giảm 25% vào năm 2022. K

ế hoạch này cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước và cắt giảm 20 tỷ EUR tiền thuế trong vòng 5 năm cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. (Theo TTXVN ngày 12/7)

- Chính phủ Pháp dự kiến mức chi tiêu công trong năm 2017 đạt khoảng 322 tỷ EUR (367 tỷ USD), giảm 4,5 tỷ EUR (5,12 tỷ USD), nhằm đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% GDP lần đầu tiên trong một thập niên, theo đúng quy định của EU.

Năm 2016, thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 3,4% GDP.(Theo Bộ trưởng Tài chính công Pháp Gerald Darmanin ngày 11/7)

 Đức

Trong tháng 5/2017, thặng dư thương mại của Đức đạt 22 tỷ EUR, cao hơn mức 20,7 tỷ EUR cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016, lên 110,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 16,2%, lên 88,6 tỷ USD, cho thấy hoạt động thương mại của Đức vẫn tăng trưởng bền vững, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc tại nước này. (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 10/7)

 Hy Lạp

Ủy ban châu Âu - EC (12/7) đề xuất kết thúc các biện pháp được áp đặt trong 8 năm qua đối với Hy Lạp, do nền kinh tế nước này thu được những kết quả khả quan, mặc dù vẫn tiếp tục cần sự trợ giúp cho đến năm 2018.

Quyết định này là một tín hiệu tích cực cho thấy Hy Lạp đã dần đạt được sự ổn định tài chính và từng bước vực dậy nền kinh tế.

Với nhiều biện pháp cải cách triệt để, năm 2016, Hy Lạp đã đạt được thặng dư ngân sách với tỷ lệ 0,7% GDP, sau nhiều năm thâm hụt ngân sách cao hơn mức trần 3% GDP của EU.(Theo EC ngày 12/7)

Hoa Kỳ

Trong tháng 6/2017, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại Hoa Kỳ tăng khoảng 220 nghìn việc làm, mức tăng cao thứ 2 trong năm và cao hơn 179 nghìn việc làm (dự báo của các nhà kinh tế), do sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành y tế, dịch vụ chuyên nghiệp…, cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ đang tăng trưởng mạnh và là cơ sở để Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2017.

Các chuyên gia ước tính, nền kinh tế Hoa Kỳ cần tạo ra 75 - 100 nghìn việc làm mỗi tháng để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động tại nước này. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 07/7)

Trong tháng 6/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức dự báo của Reuters lần lượt là 0% và 1,9%, do chi phí dịch vụ gia tăng.

PPI lõi (không bao gồm lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại) tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần (03 - 08/7) giảm 3 nghìn đơn xuống 247 nghìn đơn, lần giảm đầu tiên trong 1 tháng qua và là tuần thứ 123 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Hoa Kỳ dưới ngưỡng 300 nghìn đơn, cho thấy thị trường lao động nước này vẫn tăng trưởng tốt.

Dữ liệu về PPI và thị trường lao động Hoa Kỳ cũng tăng thêm cơ sở để FED có thể tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2017. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 13/7)

Trung Quốc

Trong tháng 6/2017:

- CPI của Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016 - mức cao nhất kể từ tháng 01/2017, bằng mức tăng của tháng 5/2017.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát năm 2017 là 3%, bằng mức mục tiêu năm 2016.- Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Cơ quan Thống kê Trung Quốc ngày 10/7)

Trong tháng 6/2017, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 3 tỷ USD lên 3,057 nghìn tỷ USD - tháng tăng thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với 24 tỷ USD của tháng 5/2017 và 6 tỷ USD (dự báo của Reuters).

Trung Quốc đã thắt chặt các quy định về hoạt động chuyển vốn ra nước ngoài trong những tháng gần đây, với nỗ lực nhằm ổn định đồng NDT và chặn đà giảm sút của kho dự trữ ngoại hối. (Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/7)

Hàn Quốc

Trong tháng 6/2017, giá trị trái phiếu của Hàn Quốc do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng ròng 1,6 nghìn tỷ KRW (1,39 tỷ USD), tháng tăng thứ 6 liên tiếp, cho thấy trái phiếu Hàn Quốc đang thu hút các nhà đầu tư.

Tính đến cuối tháng 6/2017, các nhà đầu tư châu Á nắm giữ 41,7 nghìn tỷ KRW trái phiếu Hàn Quốc và trở thành những cổ đông lớn nhất; các nhà đầu tư châu Âu nắm giữ 35,6 nghìn tỷ KRW; trong khi các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ là 13,1 nghìn tỷ KRW.(Theo Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc - FSS ngày 10/7)

Nam Phi

Chính phủ Nam Phi (13/7) công bố kế hoạch tái thiết nền kinh tế, nhằm giúp Nam Phi thoát khỏi suy thoái kinh tế hiện nay.

Theo đó, Chính phủ Nam Phi sẽ bán những tài sản phụ, tư nhân hóa một phần và một số tập đoàn thuộc sở hữu của Nhà nước (SOEs). Các SOEs thuộc diện chịu tác động của kế hoạch lần này gồm tập đoàn năng lượng Eskom, Hãng hàng không Nam Phi và các công ty viễn thông.

Một số lĩnh vực khác như ngân hàng, khai khoáng và dầu mỏ, công nghiệp khai thác mỏ và sở hữu đất đai cũng thuộc diện điều chỉnh trong kế hoạch trên.(Theo Chính phủ Nam Phi ngày 13/7)

Đàm phán - Ký kết

G20

Ngày 08/7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Hamburg, Đức.

Các nước đã ra tuyên bố chung thể hiện tiếng nói đồng thuận trong các nội dung quan trọng bao gồm thương mại và biến đổi khí hậu. 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.

Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, tuy nhiên cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại. (Theo TTXVN)

 TPP

Ngày 12 - 14/7, đại diện của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhóm họp tại Nhật Bản nhằm đạt được một thỏa thuận mà không cần sự tham gia của Hoa Kỳ, được gọi là “TPP 11”.

Hoa Kỳ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10/2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn hai năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận trong khi Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn TPP.(Theo TTXVN ngày 11/7)

 Hoa Kỳ và Hàn Quốc

Hoa Kỳ đã chính thức thông báo với Hàn Quốc về việc nước này muốn bắt đầu tiến trình thay đổi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.

Theo ông Robert Lighthizer - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, việc giảm thâm hụt thương mại với các đối tác trên khắp thế giới là một trong những trọng tâm của chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Hoa Kỳ thực sự quan ngại về tình trạng thâm hụt trong thương mại với Hàn Quốc trong gần 2 thập kỷ qua. (Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ngày 12/7)

Chính sách

- Canada: Ngân hàng Trung ương Canada - BoC (12/7) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của BoC trong 7 năm qua, nhằm làm giảm sức nóng trên thị trường địa ốc và ngăn mức nợ vay đã quá cao trong dân cư.

Lãi suất cơ bản này sẽ có tác động tới các lãi suất tiết kiệm, lãi suất vay thế chấp mua nhà và các sản phẩm tín dụng khác.

Theo BoC, nền kinh tế Canada đã phục hồi mạnh nhờ tăng chi tiêu hộ gia đình. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Canada đạt 2,8% trong năm 2017, cao hơn so với 2,6% (dự báo tháng 4/2017).

- Hàn Quốc: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK (13/7) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,25% tháng thứ 13 liên tiếp, nhằm hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, BoK cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc năm 2017 từ 2,6% lên 2,8%.

Nhận định
chuyên gia

Ông Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (10/7):

Các nước đạt tăng trưởng kinh tế cao trong Eurozone cần tăng cường chi tiêu, tăng lương hoặc giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong toàn khối. Để duy trì tăng trưởng, Eurozone cần sử dụng mọi công cụ, bao gồm cả một chính sách tài khóa tích cực.

Đây được xem là một trong những nỗ lực của EU nhằm thuyết phục Đức tăng cường chi tiêu công, qua đó góp phần củng cố nền kinh tế nội khối. Trong năm 2016, Đức đạt thặng dư ngân sách 0,8%.