Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 15-20/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Eurozone: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý II/2016 đạt 0,3% - mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua; o cùng kỳ năm 2015, kinh tế Eurozone quý 2 tăng trưởng 1,6%, thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1 là 1,7%. Xu hướng giảm tốc tăng trưởng sẽ kéo dài đến hết năm 2016 do ảnh hưởng của sự kiện Brexit.(Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 12/8)

- G20: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của G20 sẽ đạt lần lượt là 4,4% và 5% trong năm 2016 và 2017, tăng so với các mức tương ứng là 4,2% và 4,8% (dự báo tháng 5/2016 của Moody’s), do những biến động trên các thị trường tài chính giảm và các thị trường mới nổi đang có tín hiệu phục hồi. (Theo Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 17/8)

- Nhật Bản: GDP của Nhật Bản trong quý 2/2016 chỉ tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức dự báo 0,7% của Reuters và 0,5% trong quý 1/2016. Trong đó chỉ số tiêu dùng tư nhân (chiếm 60% GDP Nhật Bản) chỉ tăng 0,2%, còn khi kim ngạch xuất khẩu giảm 1,5% sau khi tăng 0,1% trong quý 1, do tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đang giảm tốc, đồng yên tăng giá và chi tiêu tư nhân yếu đã dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 15/8)

- Đức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức trong quý 2/2016 đạt 0,4%, cao hơn mức dự báo 0,2% của Reuters, sau khi đạt 0,7% trong quý 1/2016, trong đó xuất khẩu và chi tiêu hộ gia đình đều tăng trong khi đầu tư vào xây dựng và máy móc thiết bị giảm. (Theo Cục Thống kê Đức ngày 12/8)

- Nga: GDP của Nga trong quý 2/2016 đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng thấp hơn mức giảm 1,2% trong quý 1/2016 và là mức giảm thấp nhất kể từ khi Nga rơi vào suy thoái kinh tế (quý 1/2015). Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế là nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất công nghiệp và giao thông đều dần phục hồi, góp phần làm kinh tế suy giảm chậm hơn. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP sẽ tăng trưởng dương trong quý 3 và quý 4/2016. Dự báo GDP năm 2016 giảm khoảng 0,3 - 0,7%, giảm ít hơn so với dự báo trước đó là 1,3 - 1,5%; năm 2017 đạt khoảng 1,1 - 1,4% (nếu giá dầu đạt 40 USD/thùng). (Theo Cục Thống kê Nga ngày 11/8)

- Philippines: GDP của Philippines trong quý 2/2016 tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2015 - cao nhất trong khu vực - sau khi tăng trưởng 6,9% trong quý 1. Trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 8,4%, công nghiệp tăng trưởng 6,9%, riêng nông nghiệp giảm 2,1%. (Theo Bộ Kế hoạch kinh tế - xã hội Philippines ngày 18/8)

- Singapore: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Singapore trong năm 2016 đạt 1,8% - mức thấp nhất kể từ năm 2009, khi nền kinh tế suy giảm 0,6% do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. (Theo Bộ Thương mại Singapore ngày 11/8)

- Thái Lan: GDP của Thái Lan trong quý 2/2016 tăng 0,8% so với quý trước, cao hơn dự báo 0,5%. So với cùng kỳ năm 2015, GDP trong quý 2 tăng trưởng 3,5%, cao hơn mức dự báo 3,3%. Đây là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Thái Lan vẫn đang ổn định sau một thời gian dài bất ổn chính trị. (Theo Ban Kinh tế Quốc dân và phát triển xã hội Thái Lan (NESDB) ngày 15/8)

Trái phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngân hàng trung ương nước ngoài đã bán ròng 192 tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, nhiều hơn 2 lần mức bán ròng 83 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2015 và là đợt bán tháo mạnh nhất kể từ năm 1978. Trong đó, ngân hàng trung ương của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Brazil và Columbia có doanh số bán mạnh nhất. Trong khi đó, nhu cầu trái phiếu kho bạc của các nhà đầu tư tư nhân Hoa Kỳ tăng vọt, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,34% trước khi tăng lên 1,58% vào ngày 17/8. Việc nhiều nước bán ra trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ được xem là xuất phát từ nhu cầu tiền mặt để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ trong trường hợp đồng nội tệ mất giá. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 18/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua, do có thông tin các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục nới lỏng tiền tệ; giá dầu tăng cao nhất 5 tuần và biên bản cuộc họp tháng 7/2016 của FED cho thấy khả năng nâng lãi suất trong các tháng cuối năm 2016 chưa rõ ràng. Tính chung cả tuần (15 - 20/8/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,22%; 0,14% và 0,15% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (12/8/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (19/8/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.597,7 điểm, tăng 0,13%.

+ S&P 500 đạt 2.187,02 điểm, tăng 0,22%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.240,15 điểm, tăng 0,22%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán giảm điểm trong tuần qua, do thị trường đang chịu tác động từ các chính sách nới lỏng tiền tệ và giá cổ phiếu của các công ty kinh doanh sòng bạc Sands China và Galaxy Entertainment giảm mạnh. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,699% xuống 139,12 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 2,21% xuống 16.545,82 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,45% xuống 5.526,683 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,85% lên 3.108,1 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,97% lên 22.984,14 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,01% lên 2.055,47 điểm.

Dầu mỏ

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm từ 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2016 xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày năm 2017, giảm so với 1,3 triệu thùng/ngày (dự báo trong tháng 7/2016), do tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm sau sự kiện Brexit (giảm từ 3,2% và 3,5% tương ứng trong 2 năm (2016 - 2017) xuống còn 3,1% và 3,4%). (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 11/8)

Tuần từ 15 - 19/8/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 9,1% và 8,3%, do đồng USD suy yếu; lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ giảm; có thông tin các nước sản xuất chủ chốt OPEC và ngoài OPEC sẽ nhóm họp để ổn định giá dầu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (19/8/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 30 cent (0,6%) lên 48,52 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 01/7.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1 cent (0,02) xuống 50,88 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc trong tháng 7/2016 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Trong đó chi phí điện, nước và khí đốt giảm 2%; sản phẩm công nghiệp giảm 0,1%; trong khi giá dịch vụ tăng 0,1% và sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,6%. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 19/8)

Singapore

- Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore trong tháng 7/2016 giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt12,6 tỷ SGD (tương đương 9,7 tỷ USD), giảm mạnh hơn mức dự báo 2,5% và 2,4% trong tháng 6. Trong đó xuất khẩu các mặt hàng điện tử giảm 12,9%, xuất khẩu các mặt hàng phi điện tử giảm 9,5%. (Theo Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế của Singapore​ ngày 17/8)

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Singapore sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng chậm tại Hoa Kỳ và những bất ổn tại khu vực Eurozone. Nguy cơ nền kinh tế Singapore chịu ảnh hưởng nặng nề từ bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát tại nước này. (Theo Chuyên gia kinh tế Weiwen Ng tại ngân hàng ANZ chi nhánh Singapore)

- Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Singapore trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm xuống còn 33,6 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009, so với 44,3 điểm của 6 tháng trước đó. (Theo Công ty phát hành thẻ Mastercard)

Indonesia

- Thặng dư thương mại của Indonesia trong tháng 7/2016 giảm còn 0,59 tỷ USD, từ 0,9 tỷ USD trong tháng 6/2016. Trong đó xuất khẩu giảm 17,02% xuống còn 9,51 tỷ USD, nhập khẩu giảm 11,56% còn 8,92 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Indonesia đạt 4,2 tỷ USD. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ thô, than lớn nhất thế giới và xuất khẩu cao su và ca cao lớn thứ ba thế giới. Indonesia nhập khẩu hầu hết nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, Indonesia còn là mỏ đồng lớn thứ hai trên thế giới. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Indonesia ngày 15/8)

- Tính đến cuối tháng 7/2016, dự trữ ngoại hối của Indonesia đã tăng lên 111,4 tỷ USD so với 109,8 tỷ USD của tháng 6. Mức dự trữ trên đủ để Indonesia trang trải cho 8,5 tháng nhập khẩu và giúp duy trì tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế trong tương lai.(Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia - BI)

- Dự báo tỷ giá đồng rupiah (Indonesia) do với USD sẽ ở mức 13.300 IDR/USD vào cuối năm; tính chung cả năm, đồng rupiah tăng 3,7% - lần tăng giá đầu tiên sau 5 năm liền sụt giảm mạnh, nhờ những thành công trong cải cách kinh tế của Indonesia. (Theo Công ty Ebury Partners Ltd.)

Hoa Kỳ

- CPI của Hoa Kỳ trong tháng 7/2016 không thay đổi so với tháng trước, sau 2 tháng liên tiếp tăng 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm 2015, CPI tháng 7 tăng 0,8%, sau khi tăng 1% trong tháng 6. CPI lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng 0,1% trong tháng 7, sau 3 tháng liên tiếp tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm 2015, CPI lõi tháng 7 tăng 2,2%, sau khi tăng 2,3% trong tháng 6. Lạm phát Hoa Kỳ hiện nay ở mức 1,6%, thấp hơn mức mục tiêu 2%. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 16/8)

- Sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ trong tháng 7/2016 tăng 0,7%, sau khi chỉ tăng 0,4% trong tháng 6/2016. Trong đó ngành sản xuất hàng tiêu dùng tăng 2,1%,sản lượng khai thác tăng 0,7% nhờ khoan dầu và khí đốt tăng 4,9% cho thấy, những trở ngại của giá dầu thấp đối với ngành khai thác đã giảm bớt. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - Fed ngày 16/8)

- Lượng nhà ở mới tại Hoa Kỳ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015 lên 1,2 triệu đơn vị trong tháng 7/2016, mức cao nhất kể từ tháng 2 cho thấy, đầu tư xây dựng sẽ tăng trở lại sau khi sụt giảm trong quý 2/2016 - quý sụt giảm đầu tiên trong hơn hai năm. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 16/8)

- Doanh số bán lẻ và doanh số bán lẻ lõi (không bao gồm ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và ăn uống) tại Hoa Kỳ không thay đổi trong tháng 7/2016, sau khi tăng tương ứng 0,85% và 0,5% trong tháng 6 và thấp hơn các mức dự báo là 0,4% và 0,3%. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 7/2016 giảm 0,4% so với tháng trước - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2015, sau khi tăng 0,5% trong tháng 6/2016. So với cùng kỳ năm 2015, PPI tháng 7 giảm 0,2% - mức giảm theo năm lớn nhất kể từ tháng 12/2015, sau khi đã tăng 0,3% trong tháng 6. Theo các nhà kinh tế, số liệu trên làm giảm triển vọng kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý 3/2016 và thu hẹp khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/8)

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) ngày 17/8 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% và nhận định những rủi ro ngắn hạn đối với nền kinh tế nước này đã giảm bớt. Các thị trường tài chính đã dần ổn định sau những xáo trộn do Brexit gây ra. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều về lạm phát, khi chỉ số này trong 4 năm qua luôn ở dưới mức mục tiêu 2%, cho thấy khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 9 là thấp. Sau thông báo của FED, trên thị trường London, chỉ số đồng USD ngày 18/8 so với giỏ tiền tệ chủ chốt đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/6 (diễn ra sự kiện Brexit). (Theo FED ngày 17/8)

Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đầu tư 9.285 dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ công với tổng giá trị 10.600 tỷ CNY (1.600 tỷ USD) thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) để tận dụng nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Từ cuối năm 2013, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai kế hoạch gọi vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thông qua mô hình hợp tác PPP. Mô hình PPP ngày càng mở rộng để tạo vốn đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, dịch vụ môi trường... (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 15/8)

Lượng ngoại tệ bán ròng của các ngân hàng Trung Quốc trong tháng 7/2016 tăng gần 150% lên 31,7 tỷ USD, so với mức bán ròng 12,8 tỷ USD trong tháng 6. Trong đó các ngân hàng Trung Quốc đã bán 143 tỷ USD ngoại tệ và mua 111,3 tỷ USD ngoại tệ cho thấy, nhu cầu đối với các ngoại tệ mạnh tại nước này đang gia tăng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá. (Theo Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc - SAFE ngày 16/8)

Nhật Bản

Thặng dư thương mại của Nhật Bản trong tháng 7/2016 đạt 513,5 tỷ JPY (5,15 tỷ USD) - tháng thứ 3 liên tiếp đạt thặng dư thương mại. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5,73 nghìn tỷ JPY - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009 do ảnh hưởng từ việc đồng yên tăng giá mạnh (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015); kim ngạch nhập khẩu giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5,21 nghìn tỷ JPY - tháng giảm thứ 19 liên tiếp, do giá trị nhập khẩu dầu thô giảm 42,6%. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 18/8)

Anh

CPI của Anh trong tháng 7/2016 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2014, sau khi tăng 0,5% trong tháng 6, do giá nhiên liệu, đồ uống có cồn và giá phòng khách sạn tăng cao. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 16/8)

Nhận định
chuyên gia

Chiến lược gia thị trường toàn cầu David Stubbs thuộc JP Morgan Asset Management nhận định:

Việc chính sách tiền tệ tại Anh tiếp tục được nới lỏng và các khoản đầu tư vào nước này chậm lại cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế sau sự kiện Brexit. Nếu những bất ổn trong các chính sách chưa được giải quyết, đồng bảng Anh sẽ tiếp tục mất giá cho đến cuối năm 2016, xuống mức thấp kỷ lục 1,25USD/GBP, gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư. (Theo CNBC ngày…)