Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 21-26/5/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Nhật Bản: Trong tháng 4/2018, tăng trưởng CPI lõi đã chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản sẽ khó đạt được lạm phát mục tiêu 2% trong năm 2018.

Cụ thể, CPI lõi (bao gồm giá các sản phẩm dầu nhưng không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống) chỉ tăng 0,7% trong tháng 4/2018, thấp hơn so với mức tăng 0,9% trong tháng 3/2018, mặc dù giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy tăng giá điện và xăng.

Giá cả tăng chủ yếu trên diện rộng trong tháng 4/2018 làm cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không thể thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay và dự báo tăng trưởng GDP sẽ chậm lại trong năm 2018. (Theo Marcel Thieliant - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics ngày 20/5)

Thương mại
thế giới

Ngày 17/5, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI), theo đó thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng.

WTOI hiện ở mức 101,8, cao hơn giá trị tham chiếu (100), nhưng thấp hơn con số 102,3 của kỳ công bố trước đó, cho thấy tăng trưởng thương mại sẽ được duy trì trong quý II/2018, nhưng giảm tốc so với quý I/2018. Sự suy giảm của chỉ số WTOI thể hiện tình hình thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng. (Theo WTO ngày 17/5)

Vàng

Nhu cầu vàng toàn cầu chỉ đạt 973,5 tấn trong quý I/2018, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm nhu cầu đầu tư đối với vàng miếng và vàng tài khoản.

Nhu cầu trang sức trong quý I/2018 giảm 3,9 tấn so với cùng kỳ năm 2017 xuống còn 487,7 do nhu cầu ở thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khi Ấn Độ nhu cầu vàng trang sức sụt giảm mạnh. Nhu cầu đầu tư vàng sụt giảm rất mạnh (27%), xuống 287,3 tấn trong quý I/2018. Nhu cầu vàng công nghệ tăng 4% lên 82,1 tấn so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Hội đồng Vàng thế giới - WGC ngày 22/5)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm do Hoa Kỳ - Trung Quốc đạt được thỏa thuận ngăn chặn cuộc chiến thương mại, cùng với những thông tin khả quan đưa ra tại biên bản cuộc họp gần nhất của FED.

Tính chung cả tuần (21/5 - 25/5/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,16%; 0,31%; 1,08% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (18/5/2018). Trong ngày giao dịch cuối tuần 25/5/2018:

+ Dow Jones giảm 58,67 điểm (0,24%) xuống 24.753,09 điểm.

+ S&P 500 giảm 6,43 điểm (-0,24%) xuống 2.721,33 điểm.

+ Nasdaq tăng 9,43 điểm (0,13%) lên 7.433,85 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,51% xuống 173,49 điểm. Trong ngày giao dịch cuối tuần (15/5/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 20,15 điểm (0,82%) lên 2.480,95 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 158,02 điểm (0,52%) lên 30.746,06 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 6 điểm (0,19%) lên 3.147,31 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 5,52 điểm (-0,4%) xuống 22.445,27 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 32,62 điểm (-0,54%) xuống 6.000,2 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ (21/5 - 25/5/2018), giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 4,92%; 2,65%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (25/5/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 2,83 USD (4%) xuống 67,88 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 2,35 USD (3%) xuống 76,44 USD/thùng.

Châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC)

EC đã đề nghị Chính phủ Italy tập trung cắt giảm nợ công đang ở mức “khổng lồ” hiện nay và 0,6 điểm phần trăm thâm hụt ngân sách trong năm 2019, đồng thời cảnh báo tình trạng bất ổn tài chính ở nước này có thể lan sang Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Hiện Italy là nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, song đang bị kéo lùi bởi khoản nợ công lên tới 2.300 tỷ EUR (2.700 tỷ USD), tương đương 132% GDP của nước này, mức cao nhất tại châu Âu và vượt xa mức trần 60% GDP do EU đặt ra. (Theo EC ngày 23/5)

Châu Á

ASEAN

Lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường ASEAN trong quý I/2018 đạt 829.307, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017 do doanh số bán xe tại các thị trường lớn như Thái Lan, Indonesia đang khởi sắc trở lại. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ô tô giảm nhẹ tại các thị trường như Malaysia, Philippines.

Riêng thị trường ô tô Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ sau những điều chỉnh về chính sách đối với xe nhập khẩu. Lượng tiêu thụ ô tô tại Indonesia - thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt 267.828 xe, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường ô tô Thái Lan tiếp tục bứt phá với mức tăng trưởng 12,6% trong quý I/2018, đạt khoảng 237.000 xe. (Theo Công ty nghiên cứu thị trường LMC Automotive ngày 22/5)

Malaysia

Trong những tháng đầu năm 2018, gần 1 tỷ USD vốn “ngoại” đổ vào thị trường chứng khoán Malaysia có nguy cơ bị xóa sổ. Riêng tuần từ 14 - 20/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 625 triệu USD cổ phiếu, ghi nhận đợt rút vốn lớn nhất kể từ tháng 8/2013.

Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu tích cực giúp chứng khoán Malaysia không trượt dốc: Giá dầu tăng giúp doanh thu của Chính phủ và các nhà khai thác dầu khí ở Malaysia tăng theo; sự tin tưởng của các quỹ nội địa giúp thị trường chứng khoán ổn định. (Theo Danny Wong Teck Meng, Giám đốc điều hành tại Areca Capital Sdn ngày 20/5)

Hàn Quốc

- Các ngân hàng Hàn Quốc đang nỗ lực đón đầu các cơ hội kinh doanh lớn ở Triều Tiên sau khi có sự “tan băng” trong quan hệ liên Triều. Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) đã có kế hoạch thành lập một bộ phận đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các hoạt động tài chính.

Shinhan, một trong những tập đoàn tài chính mạnh của Hàn Quốc, cũng đang thành lập một bộ phận tư vấn nhằm đưa ra các chiến lược hỗ trợ tài chính cho hợp tác kinh tế liên Triều, đồng thời tham gia các dự án liên doanh và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho Triều Tiên.

Ngân hàng xuất - nhập khẩu Hàn Quốc và các ngân hàng khác cũng đang hướng tới việc mở rộng hoặc thành lập các bộ phận nghiên cứu mới. (Theo phóng viên TTXVN tại Seoul ngày 20/5)

- Hàn Quốc sẽ sử dụng khoản ngân sách bổ sung trị giá 3.830 tỷ KRW (tương đương 3,54 tỷ USD) để tạo thêm việc làm cho thanh niên, hỗ trợ các khu vực công nghiệp phải cắt giảm việc làm trên quy mô lớn trong bối cảnh ngành đóng tàu và sản xuất ô tô đang tái cơ cấu.

Phần lớn khoản ngân sách này sẽ dùng để hỗ trợ những người mất việc làm và các doanh nghiệp nhỏ thuê thêm lao động thường xuyên. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 21/5)

Thổ Nhĩ Kỳ

Tỷ giá đồng TRY (Thổ Nhĩ Kỳ) so với đồng USD đã giảm 20% kể từ đầu năm 2018 do các nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi để chuyển về Hoa Kỳ. Để cứu tỷ giá, ngày 24/5, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng lãi suất lên 16,5% từ mức 13,5% trước đó.

Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất này chỉ giúp tỷ giá đồng TRY/USD tăng nhẹ. Các chuyên gia cho rằng, tình hình sẽ còn xấu đi trong thời gian tới và dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào đầu tháng 6, lên mức 19,5%. (Theo hãng tin CNN ngày 25/5)

Châu Mỹ

Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản hỗ trợ tín dụng 300 triệu USD cho Argentina để triển khai dự án cải thiện chính sách bảo hiểm y tế tại nước này.

Số tiền này sẽ dùng để hỗ trợ gần 15 triệu người dân Argentina đang sử dụng hệ thống y tế công và mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế trong những lĩnh vực dễ bị tác động nhất; nâng cao năng lực thể chế của các cơ quan thuộc Bộ Y tế; cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua thiết bị kỹ thuật với công nghệ hiện đại. (Theo Ban điều hành Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển - IBRD ngày 21/5)

Châu Úc

Khoản nợ ngày càng lớn cùng với những khoản cho vay khó đòi của Trung Quốc là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Australia.

Do mối quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng sâu rộng hơn nên mọi diễn biến ở Trung Quốc đều có tác động cụ thể lên các ngành công nghiệp của Australia. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu chính các mặt hàng than và quặng sắt của Australia, mà còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với ngành dịch vụ và thực phẩm của Australia.

Khách du lịch Trung Quốc chiếm 25% tổng số tiền mà du khách quốc tế chi tiêu ở Australia. Xuất khẩu dịch vụ của Australia sang thị trường Trung Quốc đã vượt qua các thị trường Hoa Kỳ và Anh kết hợp lại.(Theo Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Philip Lowe ngày 23/5)

UEA

Sau cuộc họp ngày 20/5, Nội các Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố chính sách “mở cửa” đầu tư, cho phép người nước ngoài sở hữu 100% doanh nghiệp thành lập tại quốc gia này, ưu đãi về thị thực cho các nhà đầu tư nước ngoài và thân nhân. Dự kiến các chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2018.

Ngoài ra, UAE còn chủ trương cấp thị thực lưu trú dài hạn tới 10 năm cho các đối tượng là chuyên gia làm việc trong các ngành y dược, khoa học, nghiên cứu và công nghệ. UAE vẫn dẫn đầu các nước Arab về thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 11 tỷ USD trong năm 2017, tăng 22% so với năm 2016. (Theo Viện Tài chính quốc tế ngày 20/5)

Hoa Kỳ

Ngày 22/5, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật nới lỏng thể chế tài chính lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008, giúp hàng nghìn thể chế tài chính thoát khỏi các quy định ngặt nghèo của Đạo luật Dodd-Frank, đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính.

Đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống Barack Obama ký năm 2010 nhằm thắt chặt giám sát đối với ngân hàng, công ty tài chính và bảo vệ người tiêu dùng, giảm rủi ro trong hệ thống tài chính. (Theo Hạ viện Hoa Kỳ ngày 22/5)

Hoa Kỳ là nền kinh tế có sức hấp dẫn và cạnh tranh hàng đầu thế giới. Trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2018, Hoa Kỳ đã tăng lên 3 bậc và chiếm vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng; tiếp theo là Hồng Kông, Singapore, Hà Lan và Thụy Sỹ.

Theo Viện Quản lý phát triển (IMD) Lausanne, sự trở lại của Hoa Kỳ ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh là do hiệu quả về kinh tế và cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Sự thụt lùi của Thụy Sỹ là do sự sụt giảm trong xuất khẩu và nguy cơ di rời các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Năm 2018, có 63 quốc gia đã được xếp hạng về khả năng cạnh tranh dựa trên 258 chỉ số, cho phép phân tích, đánh giá hiệu suất nền kinh tế, hiệu quả quản lý - điều hành của Chính phủ, hiệu quả các hoạt động kinh tế cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng. (Theo các chuyên gia IMD Lausanne, Thụy Sỹ ngày 23/5)

Lợi nhuận các ngân hàng của Hoa Kỳ đã tăng 28% trong quý I/2018 lên 56 tỷ USD, do kế hoạch cải tổ thuế của Tổng thống Donald Trump (chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Hoa Kỳ đã làm cho lợi nhuận của các ngân hàng tăng thêm 6,7 tỷ USD) và nền kinh tế nước này tăng trưởng vững chắc.

FDIC cho biết, 70% trong tổng số 5.606 ngân hàng của Hoa Kỳ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2018. Tỷ lệ các ngân hàng thua lỗ giảm xuống chỉ còn 3,9%. Danh sách các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ giảm xuống chỉ còn 92 ngân hàng, mức thấp nhất kể từ quý I/2008. (Theo số liệu được Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ - FDIC công bố vào ngày 22/5)

Trung Quốc

Các chính quyền địa phương sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm ổn định giá mua bán và cho thuê nhà ở nhằm phát triển ổn định và vững chắc thị trường bất động sản. Từ nay đến cuối năm 2018, các đô thị loại 1 và 2 phải hoàn thành kế hoạch 5 năm phát triển nhà ở, đồng thời triển khai các biện pháp đối phó với tình trạng phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Giá nhà ở mới tại các đô thị loại 1 của Trung Quốc trong tháng 4/2018 tiếp tục giảm so với tháng 3/2018, trong khi giá bất động sản tăng chậm tại các đô thị loại 2 và 3. (Theo Bộ Nhà ở và phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc ngày 20/5)

Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô kể từ ngày 1/7/2018 nhằm mở cửa thị trường và thúc đẩy tăng trưởng trong ngành sản xuất ô tô. Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với phần lớn ô tô nhập khẩu từ hai mức 25% và 20% xuống còn 15%; giảm, thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô khoảng 10% xuống còn 6%.

Thông báo này được đưa ra sau khi Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa từ Hoa Kỳ và nới lỏng kiểm soát đối với ngành sản xuất ô tô nhằm làm dịu bớt những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.(Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 22/5)

Việc Trung Quốc nhập khẩu năng lượng từ Hoa Kỳ mở ra cơ hội lớn đối với xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và ethanol của Hoa Kỳ trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Việc bán LNG có thể mang lại cho Hoa Kỳ khoảng 20 - 30 tỷ USD/năm, doanh số bán ethanol có thể đạt từ 5 - 7 tỷ USD/năm. Hiện có ít nhất 13% lượng LNG của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Con số này được dự báo còn tăng bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ ký kết các thỏa thuận dài hạn với khách hàng Trung Quốc khi hai nước này tiếp tục phát triển hạ tầng khí đốt.Việc hai nước dừng cuộc chiến thương mại có thể hướng các khách hàng Trung Quốc ký các hợp đồng LNG mới với các công ty Hoa Kỳ.

Năm 2017, Trung Quốc đã “soán ngôi” của Hàn Quốc để trở thành nước mua LNG lớn thứ hai thế giới với 5,6 tỷ foot khối/ngày (1 foot khối = 0,0283 m3), chỉ sau Nhật Bản. (Theo bà Katie Bays, chuyên gia phân tích năng lượng tại Height Securities, Washington, D.C. ngày 22/5)

Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng sáp nhập và thâu tóm sôi động chưa từng có và doanh nghiệp Trung Quốc là thế lực đứng đằng sau phần lớn các thương vụ này. Giá trị các vụ M&A trong khu vực châu Á trong năm 2017 đạt 89,1 tỷ USD, cao nhất tính từ năm 2001.

Số lượng các thương vụ có giá trị từ 5 triệu USD trở lên đạt 431 vụ, tăng 54% so với năm 2016.(Theo số liệu của Mergermarket - tổ chức trực thuộc Financial Times - Anh ngày 24/5)

 

Nhật Bản

Nhật Bản mong muốn đưa thành phố Tokyo trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 40 công ty tài chính trong 4 năm (2016 - 2020).

Các quỹ đầu cơ và tập đoàn công nghệ tài chính nước ngoài đang có những kế hoạch mở rộng hoạt động tại Nhật Bản do môi trường kinh doanh hấp dẫn; nguồn tiền ở Nhật Bản rất dồi dào, ước tính tài sản tài chính cá nhân ở Nhật Bản khoảng 16,3 nghìn tỷ USD và nước này đang duy trì chính sách lãi suất thấp. (Theo Thị trưởng thành phố Tokyo, ông Yuriko Koike ngày 23/5)

Ngày 24/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật triển khai các biện pháp trong nước liên quan đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hỗ trợ nông dân bị tác động của cạnh tranh khi hiệp định này có hiệu lực.

Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản có thể mở rộng các khoản trợ cấp cho các chủ trang trại chăn nuôi để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành này, qua đó giảm thiểu những tác động từ chính sách thuế quan đối với các sản phẩm thịt bò và thịt lợn.

Ngoài ra, dự luật này cũng bao gồm các biện pháp hoàn thiện hệ thống thương mại trong nước hướng tới thực hiện CPTPP, bao gồm tăng cường các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

Dự kiến Thượng viện Nhật Bản sẽ thông qua dự luật này trong phiên họp ngày 20/6/2018. Nhật Bản hy vọng sẽ bảo đảm CPTPP có hiệu lực sớm nhất có thể khi Chính phủ thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh quan ngại gia tăng về chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Theo Hạ viện Nhật Bản ngày 24/5)

Chính sách

Hàn Quốc: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 24/5 đã quyết định giữ nguyên lãi suất tháng thứ 6 liên tiếp do lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu và quan ngại căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế xuất khẩu châu Á, trong đó có Hàn Quốc.

Theo đó, Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOK đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,5% đúng như dự báo của 13 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters.