Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 23/4-05/5/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Liên minh châu Âu: Ủy ban các vấn đề kinh tế EU nhận định, kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng 2,3% (năm 2018) và 2% (năm 2019). Tuy nhiên, các chính sách mà Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra, trong đó có việc cắt giảm thuế mạnh, đã đe dọa đến nền kinh tế châu Âu.

Nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế châu Âu là chủ nghĩa bảo hộ. Đồng thời Ủy ban các vấn đề kinh tế cũng cảnh báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm trong bối cảnh nước này sắp rời khỏi EU, dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm 2018. (Theo Ủy ban các vấn đề kinh tế EU ngày 03/5)

Châu Á: Tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đạt 5,4% (năm 2018) và 5,2% (năm 2019) nhờ sự gia tăng nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu được cải thiện, trong khi lạm phát ổn định. Riêng năm 2018, Trung Quốc và Nhật Bản được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn cần cảnh giác với những nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và việc siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Về dài hạn, trong sản xuất khu vực và mạng lưới thương mại cũng như công nghệ cần có các chính sách hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng và phát triển. (Theo dự báo của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 ngày 03/5)

Ấn Độ: Kinh tế nước này có thể tăng trưởng 7,4% trong năm tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019), thấp hơn so với 7,1% trong tài khóa trước đó. Tăng tăng trưởng kinh tế năm 2018 được hỗ trợ bởi đà hồi phục của hoạt động đầu tư và xuất khẩu khi nhu cầu của thế giới có xu hướng tăng.

Thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống 3,3% GDP trong tài khóa 2018, thấp hơn so với mức 3,5% GDP của tài khóa 2017, nhờ nguồn thu thuế tăng và sự điều chỉnh hợp lý hóa các khoản trợ cấp. (Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Urjit Patel ngày 23/4)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần (30/4 - 04/5/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 tăng lần lượt 0,2%; 0,24% tuy nhiên chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,26% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (27/4/2018). Trong ngày giao dịch 04/5/2018:

+ Dow Jones tăng 332,36 điểm (+1,39%), lên 24.262,51 điểm.

+ S&P 500 tăng 33,69 điểm (+1,28%), lên 2.663,42 điểm.

+ Nasdaq tăng 121,47 điểm (+1,71%), lên 7.209,62 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,89 điểm (-1,08%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (04/5/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 25,87 điểm (-1,04%) xuống 2.461,38 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 73,72 điểm (-0,33%) xuống 22.399,06 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,6% xuống 6.062,9 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 9,83 điểm (-0,32%) xuống 3.091,03 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 386,87 điểm (-1,28%) xuống 29.926,5 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ (30/4 - 04/5/2018), giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 2,38%; 0,31%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (04/5/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,29 USD (1,85%) lên 69,72 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,25 USD (1,67%) lên 74,87 USD/thùng.

Các quỹ đầu cơ dầu lửa đang hút vốn với tốc độ mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Westbeck Capital Management và Commodities World Capital dự báo giá dầu sẽ sớm vượt 80 USD/thùng. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, dòng vốn chảy vào các quỹ đầu cơ dầu lửa sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. (Theo Hãng tin Bloomberg ngày 23/4)

Châu Âu

Anh:

- Thặng dư ngân sách củaAnhtrong tài khóa 2017 là 112 triệu GBP, lần thặng dư đầu tiên kể từ tài khóa 2001, nhờ các biện pháp “khắc khổ” của Chính phủ. Khoản vay mượn ròng của Chính phủ Anh ở mức 42,6 tỷ GBP (60 tỷ USD, 49 tỷ EUR), giảm đáng kể so với mức tương ứng 46,2 tỷ GBP trong tài khóa 2016 và cũng là mức thấp nhất kể từ tài khóa 2006.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo chi phí vay mượn thấp không đồng nghĩa với sự “hồi sinh” của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh nước Anh vẫn đối mặt với sự thiếu chắc chắn liên quan đến tiến trình rời khỏi EU vào năm 2019. (Theo Văn phòng thống kê Anh - ONS ngày 25/4)

- Chính phủ Anh cùng các tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ, công ty viễn thông châu Âu, quỹ đầu tư mạo hiểm Nhật Bản đầu tư 1 tỷ GBP Anh (tương đương với 1,4 tỷ USD) vào ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của Anh.

Thỏa thuận đầu tư này bao gồm 300 triệu GBP vốn đầu tư tư nhân, 300 triệu GBP vốn mới từ nguồn đầu tư công của Chính phủ cùng với 400 triệu GBP đã công bố trước đó. Thỏa thuận đầu tư này thuộc lĩnh vực thứ 4 nằm trong trong chiến lược công nghệ của Chính phủ Anh. (Theo Chính phủ Anh ngày 03/5)

Pháp:

- Kinh tế Pháp có nhiều dấu hiệu tích cực, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp trong quý I/2018 đã giảm 1% so với quý IV/2017, dẫn đến số thất nghiệp loại A (toàn phần) đã giảm 33.300 người xuống còn 3.435.900 người.

Đây là lần đầu tiên Pháp áp dụng cách tính tỷ lệ thất nghiệp theo quý thay vì theo tháng như trước;niềm tin tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng 4/2018 và đạt 101 điểm, tăng 1 điểm so với tháng 3/2018;môi trường đầu tư an toàn và nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong tháng 02/2018. (Theo Bộ Việc làm và Các vấn đề xã hội Pháp công bố ngày 25/4)

- Việc đón 89 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 đã giúp Pháp tiếp tục củng cố vị trí là điểm đến hấp dẫn du khách nhất trên thế giới trong 2 năm liên tiếp. Pháp hướng đến mục tiêu đón 100 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020 với doanh thu đạt khoảng 50 tỷ EUR so với mức doanh thu hiện tại là 40 tỷ EUR, đồng thời sẽ tạo ra hơn 300 nghìn việc làm trong nước và nước ngoài.

Chính phủ Pháp đã nhanh chóng xây dựng lộ trình, đề ra các biện pháp phát triển ngành du lịch, cụ thể: Đơn giản hóa những yếu tố nhỏ nhất để phát triển du lịch (cải cách chính sách bảo hiểm khu du lịch, đánh giá và xếp hạng các văn phòng thông tin du lịch…), tăng cường hỗ trợ đầu tư cho du lịch địa phương (chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ), tạo cơ chế mở, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thông qua chính sách thuế hợp lý, linh hoạt trong các thủ tục đầu tư. (Theo Chính phủ Pháp ngày 04/5)

Ba Lan: Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2017, Ba Lan xếp vị trí thứ ba trong EU về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ba Lan đã thu hút được tổng số 14,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 49% so với năm 2016. Các dự án đầu tư nước ngoài đã giúp tạo thêm 87 nghìn việc làm mới tại Ba Lan.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ba Lan tăng mạnh là nhờ nền kinh tế châu Âu tăng trưởng lạc quan. Việc các nhà máy ở Eurozone đạt công suất hoạt động tối đa đã thúc đẩy các công ty tìm kiếm, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới. (Theo Financial Times ngày 02/5)

Châu Á

Châu Á: Tổng giá trị các hoạt động tài chính thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB trong năm 2017 đã đạt mức kỷ lục 32,2 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2016, trong đó 20,1 tỷ USD dành cho các khoản cho vay, trợ cấp và đầu tư; 11,9 tỷ USD cho các quỹ đồng tài trợ các cơ quan song phương và đa phương cũng như các đối tác tài chính; 201 triệu USD để hỗ trợ kỹ thuật.

ADB tăng cường đáp ứng nhu cầu phát triển của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết hợp hoạt động tài chính với các giải pháp sáng tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khu vực như đô thị hóa nhanh, nước và năng lượng ngày càng gia tăng. (Theo ADB ngày 24/4)

Hàn Quốc:

- Kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi trong quý I/2018 nhờ sự gia tăng trong đầu tư và xuất khẩu. GDP tăng 1,1% trong quý I/2018 so với quý trước đó và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Đầu tư vào xây dựng và cơ sở hạ tầng đã tăng lần lượt 2,8% và 5,2% so với quý trước đó. Xuất khẩu cũng tăng 4,4%, nhập khẩu tăng 5,5%. Hoạt động tiêu dùng cá nhân tăng 0,6%, trong khi chi tiêu chính phủ tăng 2,5%. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 26/4)

- Trong tháng 4/2018, xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 50,06 tỷ USD, giảm so với 50,84 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu là 43,45 tỷ USD, tăng 14,5%.Cán cân thương mại của Hàn Quốc tháng 4 thặng dư 6,61 tỷ USD và là tháng thứ 75 liên tiếp duy trì tình trạng thặng dư.

Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt kỷ lục 195,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 01/5)

Australia: Chính phủ Australia sẽ dành 6,5 triệu AUD (4,9 triệu USD) viện trợ đầu tư thương mại cho các nước đang phát triển. Các khoản đầu tư sẽ cải thiện việc tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ ở các nước phát triển, qua đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động thành công, tăng thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo.

Các khoản đầu tư này cũng sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển theo kịp các tiêu chuẩn mới về thương mại số và thương mại điện tử, đồng thời tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới, kể cả các doanh nghiệp nhỏ. (Theo Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo ngày 03/5)

Châu Mỹ

Mexico: Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc ký kết CPTPP nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới của Mexico nhằm giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Bộ Kinh tế Mexico đánh giá CPTPP giúp xuất khẩu tăng 6,7% và đóng góp 1,5% GDP của Mexico. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi từ CPTPP như ô tô, máy móc thiết bị, thịt bò, thực phẩm chế biến, trái cây và rau quả.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết, Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp tiếp cận hạn ngạch, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, kéo dài giai đoạn giảm thuế từ 14 lên 16 năm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này. (Theo Phóng viên TTXVN tại Mexico City ngày 24/4)

Cuba: Sản lượng đường của Cuba trong niên vụ năm 2018 được dự báo đạt khoảng 1,1 - 1,3 triệu tấn dạng thô, giảm 30% so với niên vụ trước. Đây là một trong những mức sản lượng thấp nhất trong hơn 100 năm qua của Cuba.

Mỗi năm, Cuba tiêu thụ từ 600 - 700 nghìn tấn đường và xuất khẩu 400 nghìn tấn sang Trung Quốc. Số còn lại được bán trên các thị trường tự do. Đường là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Cuba, sau du lịch, thuốc lá, khai thác nickel và dược phẩm. (Theo hãng tin Reuters ngày 24/4)

Hoa Kỳ

Lòng tin tiêu dùng và giá nhà mới đang củng cố đà phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ, cho dù nền kinh tế có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong quý I/2018.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng đã tăng từ 127 trong tháng 3 lên 128,7 trong tháng 4/2018, giảm từ 130 - mức cao nhất trong 17 năm vào tháng 02/2018 trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động và quan hệ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong tháng 3/2018, doanh số bán nhà mới đã tăng 4% lên 694.000 căn so với tháng 2/2018.

Tăng trưởng GDP trong quý I/2018 ước đạt dưới 2%, sau khi tăng 2,9% trong quý IV/2017. Chỉ số nhà quản trị mua hàng trong lĩnh vực chế tạo và dịch vụ cũng tăng mạnh trong đầu tháng 4/2018, nhờ lượng đơn đặt hàng mới và giá cả hàng hóa tăng cao. (Theo nhà kinh tế Chris Rupkey thuộc MUFG ngày 25/4)

Hãng Xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's đã quyết định giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Hoa Kỳ cao nhất là Aaa và kỳ vọng nước này sẽ giải quyết tranh chấp thương mại gần đây với Trung Quốc. Tuy nhiên, Moody’s dự báo thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ mở rộng trong trung hạn.

Áp lực tài chính (do chi tiêu xã hội liên quan đến già hóa dân số, các khoản thanh toán dịch vụ nợ) sẽ được bù đắp nhờ sự đa dạng, năng động và sức cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ, cùng với việc đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ quốc tế lớn nhất. (Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's ngày 25/4)

Trong tháng 3/2018, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đạt mức mục tiêu 2%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu không tính giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số PCE cốt lõi tăng 1,9% so với tháng 3/2017.

Lạm phát chạm mức mục tiêu và tiền lương đang tăng lên đã làm gia tăng những dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2018. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 30/4)

Trong tháng 3/2018, thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ đã giảm 10,3% xuống 68 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên thâm hụt thương mại Hoa Kỳ giảm trong vòng 7 tháng.

Tồn kho hàng bán buôn tăng 0,5%, tồn kho bán lẻ giảm 0,4%. Nguyên nhân trực tiếp là do nhập khẩu giảm 2,1%, trong khi xuất khẩu tăng 2,4%. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 26/4)

Kinh tế Hoa Kỳ nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng sẽ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng do tranh chấp thương mại. Hoa Kỳ sẽ mất gần 455 nghìn việc làm, làm cho GDP giảm 49,2 tỷ USD trong 2 năm tới.

Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, người nông dân sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181 nghìn người mất việc làm.(Theo Trade Partnerships Worldwide, LLC, công ty tư vấn về kinh tế và thương mại quốc tế ngày 03/5)

Trong tháng 02/2018, doanh số bán ô tô tại Hoa Kỳ trải qua tình trạng ảm đạm, doanh số bán xe của một số hãng được phục hồi trong tháng 3 rồi nhanh chóng giảm dần vào tháng 4 do nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu và xu hướng cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

Năm 2017, doanh số bán ô tô của Hoa Kỳ giảm 2% sau khi chạm mức cao kỷ lục 17,55 triệu chiếc trong năm 2016. Con số này dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2018. (Theo Reuters, ngày 02/5)

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ sang các nước châu Á nhằm góp phần giảm bớt mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tăng cường sản xuất LNG và nhu cầu LNG tại châu Á gia tăng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất điện.

Theo dự kiến, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản sẽ cung cấp tín dụng cho hoạt động xây dựng các trung tâm xuất khẩu LNG; Công ty bảo hiểm Nippon Export and Investment Insurance cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với thiên tai và tai nạn trong vận chuyển LNG bằng đường biển.

Bản và Hoa Kỳ sẽ cung cấp hoạt động đào tạo nhân lực cho Việt Nam và Philippines để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng LNG ở Đông Nam Á, hợp tác các dự án LNG thương mại ở Bangladesh, Indonesia và Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất. (Theo Cơ quan Hợp tác Kinh tế và Thương mại của Bộ Kinh tế Nhật Bản ngày 24/4 )

Kết thúc năm tài khóa 2017 (tháng 3/2018), có khoảng 257 doanh nghiệp niêm yết của Nhật Bản có lợi nhuận cao kỷ lục.

Tổng doanh thu đạt gần 560 nghìn tỷ JPY, tương đương biên lợi nhuận đạt khoảng 5% - mức cao nhất tính từ năm 2000. Như vậy, trong tổng số các doanh nghiệp niêm yết đang hoạt động tại Nhật Bản, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp có lợi nhuận cao kỷ lục.

Việc kinh tế toàn cầu hồi phục trong những năm gần đây giúp hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được cải thiện.

Từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 43 nghìn tỷ JPY để thực hiện các vụ sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp giúp họ có chỗ đứng tốt hơn tại thị trường các nước mới nổi, tạo thêm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế.

Những doanh nghiệp mới cũng góp phần mang lại động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Nhật Bản (năm 2017 có gần 100 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nhật Bản, con số cao so với 19 doanh nghiệp vào năm 2008).

(Theo Nikkei ngày 04/5)

Trung Quốc

Vay nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng 10 năm liên tiếp, lên mức 6.700 tỷ USD, tương đương 50% GDP của nước này, làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng trong nước.

Nguyên nhân chính là do cơn sốt nhà đất, làm cho giá nhà đất ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng hơn 25% trong hơn hai năm qua. Các khoản vay thế chấp mua nhà tăng lên 22.900 tỷ CNY (3.600 tỷ USD) vào cuối năm 2017, chiếm hơn 50% tổng giá trị mức nợ hộ gia đình Trung Quốc.

Các khoản trả lãi vay thế chấp mua nhà ngày càng tăng có thể làm giảm động lực mua sắm, điều này có thể gây tổn hại đến các nỗ lực của Chính phủ nhằm tái cân bằng nền kinh tế hướng đến đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. (Theo Hãng tin Bloomberg ngày 24/4)

Australia

Việc Chính phủ Australia chuẩn bị thắt chặt hơn các quy định cho vay đã đe dọa tới sự tăng trưởng của thị trường bất động sản vốn có dấu hiệu hạ nhiệt tại quốc gia này.

 Các khoản nợ có liên quan tới thị trường bất động sản Australia đã đạt con số 1,6 nghìn tỷ AUD (1,2 nghìn tỷ USD) trong tháng 4/2018.

Do đó, giới chức tài chính đang yêu cầu ngân hàng thắt chặt hơn điều kiện cho vay, nhất là các khoản vay dành cho bất động sản hạng sang, động thái này có thể làm cho sức mua trên thị trường bất động sản giảm khoảng 35%. (Theo UBS Group AG ngày 23/4)

Chính sách

Châu Âu: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB quyết định giữ nguyên lãi suất huy động ở mức -0,4%; lãi suất tái cấp vốn là 0%; lãi suất cho vay cận biên là 0,25%. Lãi suất chủ chốt cũng được giữ nguyên ở mức hiện tại cho đến khi kết thúc quá trình mua trái phiếu ròng.

ECB duy trì lãi suất do lo ngại tăng trưởng của khu vực chậm lại. ECB sẽ tiếp tục mua 30 tỷ EUR (36 tỷ USD) tài sản mỗi tháng cho đến cuối tháng 9/2018. (Theo ECB ngày 26/4)

Hoa Kỳ: Ngày 02/5, FED đã đưa ra quyết định duy trì biên độ lãi suất trong khoảng 1,5 - 1,75% và cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà FED đề ra, mở đường cho cơ quan này tăng lãi suất trong tháng 6 tới. (Theo FED ngày 03/5)

Lao động

Hơn 61% số dân có việc làm của thế giới, tương đương 2 tỷ người, đang kiếm sống tại khu vực kinh tế phi chính thức. Đây là tỷ lệ lao động quá cao kiếm sống ở khu vực không chính thức đã và đang gây ra hậu quả không tốt cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội, đồng thời là thách thức lớn đối với nỗ lực đem lại công việc tốt nhất cho tất cả mọi người.

Tại châu Phi, 85,8% lực lượng lao động là phi chính thức; châu Á - Thái Bình Dương là 68,2%; các nước Arab là 68,6%; 40% tại châu Mỹ; hơn 25% tại châu Âu và Trung Á. Tổng cộng, 93% lao động không chính thức của thế giới tập trung ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Trong tổng số 2 tỷ lao động phi chính thức trên thế giới, tỷ lệ nam giới chiếm 63%, cao hơn so với tỷ lệ nữ giới (58,1%). (Theo Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO trực thuộc Liên Hợp quốc ngày 30/4)

Ký kết - Hiệp định

Liên minh châu Âu (EU) và Mexico:

Liên minh châu Âu và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương mới, sau 9 vòng đàm phán kỹ thuật kéo dài gần 2 năm.

So với hiệp định cũ năm 2000, FTA nâng cấp giữa hai bên đã bổ sung các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, cùng các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mexico, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mexico là bạn hàng quan trọng thứ 12 của EU. Kim ngạch trao đổi thương mại EU - Mexico tăng gấp 3 lần, lên 61,7 tỷ USD/năm trong năm 2017, với thặng dư 14 tỷ USD nghiêng về phía EU.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Mexico. (Theo Ủy viên EU phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, Ủy viên EU phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn Phil Hoganvà Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo ngày 21/4)

Nợ công

Tổng số nợ của thế giới hiên nay ở mức 225% GDP toàn cầu, lớn hơn cả son số đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 3/4 tổng sô nợ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Nhật Bản và Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa số nợ toàn cầu.

Nguyên nhân làm cho khoản nợ tăng cao là do tình hình suy thoái kinh tế và chính sách đối phó của các nước trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008; ngoài ra còn do sự lao dốc của thị trường giá cả hàng hóa trong năm 2014, cũng như sự tăng trưởng tiêu dùng nhanh chóng ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thu nhập thấp. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 03/5)