Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 8-13/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Pháp: Dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,3% trong quý 3/2016, sau khi không tăng trưởng trong quý 2/2016, trong đó đa số các khu vực kinh tế sẽ hồi phục, trừ ngành công nghiệp ô tô đang trong đà suy giảm. (Theo Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 08/8)

- Anh: Trong tháng 7/2016, tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm 0,2%, do ảnh hưởng của Brexit, đưa tốc độ tăng trưởng GDP trong 3 tháng (tháng 5 - 7) giảm xuống còn 0,3%, so với mức tăng 0,6% trong 3 tháng (tính đến tháng 6).Dự báo kinh tế Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật vào cuối năm 2017.(Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Quốc gia Anh - NIESR ngày 09/8)

- Singapore: Trong quý 2/2016, kinh tế nước này tăng trưởng 0,3% so với quý trước, thấp hơn dự báo 0,8% đưa ra vào tháng 7/2016, sau khi tăng trưởng 0,1% trong quý 1. Kinh tế Singapore đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008), do ảnh hưởng từ dự báo kinh tế thế giới suy yếu, sự kiện Brexit và những bất ổn từ kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Singapore. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 11/8)

- Nga: Nền kinh tế đã qua thời kỳ suy thoái và đang lấy lại đà tăng trưởng chậm, tốc độ tăng trưởng GDP (số ước tính) trong quý 2/2016 đạt 0,2 - 0,3% và dự báo tăng lên 0,4% và 0,5% trong quý 3 và quý 4. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 08/8)

Tín dụng

Trong năm 2015, 6 ngân hàng phát triển đa phương (MDB) lớn nhất thế giới đã huy động được 81 tỷ USD, trong đó có 56 tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế khác để đối phó với biến đổi khí hậu. MDB đã phân bổ hơn 20 tỷ USD cho các hoạt động giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và 5 tỷ USD nhằm hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2011, MDB đã cam kết tài trợ và vận động hơn 131 tỷ USD để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở khu vực Trung và Nam Á, châu Phi. (Theo Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB ngày 09/8)

Thương mại

Trong năm 2015, tổng giá trị thương mại toàn cầu đạt 16.446,7 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2014 - lần giảm đầu tiên trong vòng 6 năm. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản như than đá, dầu mỏ giảm mạnh tới 40,3%, do giá nguyên liệu toàn cầu giảm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ chủ chốt trong quý 1/2016 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO ngày 09/8)

Trong tháng 7/2016, chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm 0,8% so với tháng trước xuống 161,9 điểm, chấm dứt đà tăng giá từ tháng 01/2016, do năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp gia tăng và diện tích trồng trọt tăng nhẹ, trong đó giá ngũ cốc giảm 5,6%, dầu thực vật giảm 2,8%. (Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc - FAO)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua, do giá dầu tăng và báo cáo lợi nhuận khả quan của chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s và Kohl’s thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Tính chung cả tuần (08 - 13/8/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,2%; 0,1% và 2,3% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (05/8/2016).Trong ngày giao dịch cuối tuần (12/8/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.576,47 điểm, giảm 0,2%.

+ S&P 500 đạt 2.184,05 điểm, giảm 0,1%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.232,89 điểm, tăng 0,1%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua, sau khi Hoa Kỳ công bố số liệu khả quan về thị trường việc làm của nước này và các mã cổ phiếu ngành năng lượng hưởng lợi từ việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 10/8 đưa ra dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng trong năm 2016 và 2017. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,06% lên 139,96 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 4,01% lên 16.919,92 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,45% lên 3.050,67 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,81% lên 22.766,91 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,51% lên 2.048,8 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,03% lên 5.530,911 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 7/2016, sản lượng dầu thô của OPEC đạt 33,1 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ năm 2008, tăng 46.400 thùng so với tháng 6 và cao hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức bình quân của năm 2015. Trong đó sản lượng dầu thô của Saudi Arabia đạt 10,67 triệu thùng/ngày, tăng so với 10,55 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và vượt mức kỷ lục 10,56 triệu thùng/ngày ( tháng 6/2015). Dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của khối trong năm 2017 bình quân đạt 33,01 triệu thùng/ngày, cho thấy cung vượt cầu khoảng 100.000 thùng/ngày nếu OPEC vẫn giữ nguyên sản lượng. (Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 10/8)

Tuần từ 08 - 12/8/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 6,4% và 6,1%, chủ yếu do tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia về việc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ổn định giá dầu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo thị trường sẽ thắt chặt nguồn cung trong nửa cuối năm 2016. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (12/8/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1 USD (2,3%) lên 44,49 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 93 cent (2%) lên 46,97 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

- Trong tháng 7/2016, giá trị trái phiếu chính phủ Hàn Quốc do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng 1.700 tỷ KRW lên 72.500 tỷ KRW (65,5 tỷ USD), chiếm 74,9% tổng lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành, trong bối cảnh báo cáo thu nhập của khối doanh nghiệp tại Hàn Quốc quý 2/2016 được kỳ vọng khả quan. (Theo Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc - FSS ngày 07/8)

- Trong tháng 7/2016, CPI của Hàn Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp nhất trong 10 tháng qua trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp.Giá các sản phẩm dầu mỏ giảm 8,9% làm tỷ lệ lạm phát giảm 0,38 điểm phần trăm, giá nông sản giảm 4% làm tỷ lệ lạm phát giảm 0,15 điểm phần trăm.Mặc dù Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,25% vào tháng 6/2016, nhưng tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 7 vẫn thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. (Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc)

- Ngày 08/8, Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s(S&P) đã nâng xếp hạng tín nhiệm nợ công dài hạn của Hàn Quốc từ AA- lên AA, mức xếp hạng cao thứ ba của cơ quan này, do triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định, tình hình tài chính vững mạnh và chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. S&P dự kiến mức xếp hạng trên của Hàn Quốc sẽ được duy trì trong 2 năm tới.(Theo Standard and Poor’s ngày 08/8)

Thái Lan

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015 và sẽ duy trì vị trí này đến cuối năm 2016 với mục tiêu xuất khẩu 9,5 tấn. Các nước xuất khẩu gạo lớn khác là Ấn Độ với lượng xuất khẩu 4,76 triệu tấn (tăng 12%), Việt Nam 2,66 triệu tấn (giảm 2,1%) và Pakistan 2,44 triệu tấn (tăng 7,5%). (Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 04/8)

Châu Âu

- Đức: Trong tháng 6/2016, sản lượng công nghiệp của Đức đã tăng 0,8% so với tháng 5, cao hơn mức dự báo 0,7% của Reuters, sau khi sụt giảm 0,9% trong tháng 5/2016. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Đức trong quý 2/2016 vẫn sụt giảm 1%, chủ yếu do lĩnh vực năng lượng và xây dựng giảm mạnh (lần lượt là -2,7% và

-0,5%). (Theo Cơ quan Thống kê Đức - Destatis ngày 08/8)

- Nga: Trong 6 tháng đầu năm 2016, dòng vốn rút khỏi Nga đã giảm xuống còn 10,9 tỷ USD so với 53,3 tỷ USD cùng kỳ năm 2015; thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống còn 16,4 tỷ USD, thấp hơn so với mức 50,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2015 do giá nguyên liệu thô ở mức thấp khiến tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Nga giảm. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 10/8)

Hoa Kỳ

Các số liệu mới công bố về kinh tế Hoa Kỳ cho thấy:

- Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo tháng 7/2016 vẫn tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp ở mức 52,6 điểm, song đà tăng trưởng chậm lại so với mức 53,2 điểm trong tháng 6/2016. (Viện Quản lý Nguồn cung - ISM, ngày 09/8)

- Đầu tư vào xây dựng trong tháng 6/2016 giảm 0,6% xuống mức thấp trong vòng 1 năm, sau khi giảm 0,1% trong tháng 5/2016 và là tháng giảm thứ ba liên tiếp. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 01/8)

Trong tháng 7/2016, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ là 112,8 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 2/2016. Tính chung 10 tháng đầu năm tài khóa 2016 (01/10/2015 - 30/9/2016), thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ là 513,7 tỷ USD, cao hơn so với 465,5 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa năm 2015, do nguồn thu chính phủ không biến động nhiều trong khi chi tiêu ngân sách tăng 2%, chủ yếu tập trung vào các khoản trả lãi và chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 11/8)

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2016 của nước này là 590 tỷ USD.

Trong tháng 7/2016, số lượng việc làm mới tại Hoa Kỳ đạt 255.000 việc làm, cao hơn nhiều so với số dự báo 180.000 việc làm của Reuters, sau khi đạt 292.000 việc làm mới trong tháng 6/2016; tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,9%, cao hơn mức 4,8% dự báo trước đó, do lượng lao động mới gia nhập thị trường tăng; tiền lương trung bình theo giờ tăng 8 cents (tương đương tăng 2,6%) so với cùng kỳ năm 2016. Số liệu tích cực về việc làm trong hai tháng quacủng cố kỳ vọng nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh hơn trong các tháng cuối năm, nâng cao khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất trong năm 2016. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 05/8)

Trong tháng 6/2016, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng 8,7% lên 44,5 tỷ USD - mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 8/2015, do nhu cầu tiêu dùng nội địa và giá dầu hồi phục khiến nhập khẩu tăng mạnh trong khi đồng USD tăng giá làm cho xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng 1,9% lên 227,7 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 183,2 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 05/8)

Trong tháng 6/2016, vay tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng 12,3 tỷ USD - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 01/2015, giảm mạnh so với mức tăng 17,9 tỷ USD trong tháng 5, do các khoản vay mua ô tô và các khoản vay của sinh viên tăng ở mức thấp nhất trong gần 5 năm (tăng 4,6 tỷ USD). (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED)

Trung Quốc

CPI của nước này trong tháng 7/2016 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015(tháng 6 tăng 1,9%), do giá thực phẩm giảm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI Trung Quốc giảm tốc khiến lạm phát của nước này vẫn cách xa mục tiêu tăng 3% trong năm 2016. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 09/8)

Trong tháng 7/2016, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm xuống còn 3.201 tỷ USD, từ 3.205 tỷ USD vào cuối tháng 6/2016. Xu hướng giảm dự trữ ngoại tệ tại Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ tháng 11/2015 do những lo ngại về đồng NDT yếu và dòng vốn chảy ra thị trường nước ngoài.(Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/8)

Trong tháng 7/2016, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm sâu hơn dự kiến, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục suy giảm sau Brexit.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 132,4 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2015 (dự báo giảm 7%) - tháng giảm thứ 21 liên tiếp.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 184,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2015 (dự báo giảm 3%).

- Thặng dư thương mại đạt 52,31 tỷ USD - cao nhất kể từ tháng 01/2016, sau khi thặng dư 48,11 tỷ USD trong tháng 6/2016.

(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/8)

Trong tháng 7/2016, nhập khẩu dầu thô và than đá của Trung Quốc đều sụt giảm:

- Nhập khẩu dầu thô đạt 31,07 triệu tấn, tương đương 7,35 triệu thùng dầu/ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 01/2016, do tình trạng thiếu cơ sơ vất chất và kế hoạch bảo trì khiến một số nhà máy lọc dầu độc lập tạm ngừng mua thêm dầu trong ngắn hạn. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc)

- Nhập khẩu than đá giảm 2,5% so với tháng 6/2016 xuống còn 21,21 triệu tấn. Giá than đá chạm mức cao nhất trong 16 tháng do nguồn cung bị thu hẹp vì cắt giảm sản lượng. (Theo Hiệp hội phân phối và vận chuyển than đá Trung Quốc).

Doanh số thu và thanh toán qua biên giới Trung Quốc năm 2015 đạt 12,1 nghìn tỷ CNY (1,83 nghìn tỷ USD), tăng 21,7% so với năm 2014 và chiếm gần một phần ba tổng doanh số thu và thanh toán qua biên giới của nước này. Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy việc sử dụng toàn cầu đồng CNY nhằm giảm chi phí giao dịch thương mại quốc tế, do nước này có giao dịch thương mại lớn nhất thế giới, trong khi USD vẫn là đồng tiền thanh toán chủ yếu. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 10/8)

Nhật Bản

Trong 6 tháng đầu năm 2016, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2015 lên 10.630 tỷ JPY (104 tỷ USD) - mức lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008 (dẫn đến khủng hoảng tài chính thế giới). - Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2.350 tỷ JPY, so với thâm hụt 375,4 tỷ JPY cùng kỳ năm 2015.

- Thu nhập từ đầu tư đạt thặng dư 9.610 tỷ JPY, giảm 7,9%, do đồng JPY tăng giá làm giảm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.

- Lĩnh vực du lịch đạt thặng dư 775,8 tỷ JPY - mức cao nhất kể từ năm 1996, do lượng du khách nước ngoài tăng (28,2%).

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 08/8)

Canada

Trong tháng 7/2016, thị trường việc làm tại nước này đã giảm 31.200 việc làm - tháng giảm thứ 2 liên tiếp, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,1% so với tháng trước lên 6,9%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thị trường chỉ có thêm 12.400 việc làm, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, gia tăng áp lực cho nền kinh tế Canada vốn đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng năng lượng. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 05/8)

Đàm phán - Ký kết

ASEAN và Canada

Ngày 08/8, ASEAN và Canada đã chính thức khởi động đối thoại chính sách thương mại thường niên, một diễn đàn tập trung thảo luận về thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác thương mại và các biện pháp giảm bớt rào cản thương mại. Tại Hội nghị, hai bên cũng thống nhất sẽ chuẩn bị những điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu khả thi về những giá trị của hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Nghiên cứu này sẽ giúp chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức trong việc xây dựng và triển khai FTA. Hiện tại, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 6 của Canada, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 21,4 tỷ CAD trong năm 2015.

Chính sách

- Ấn Độ: Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ngày 09/8 quyết định giữ nguyên lãi suất repo (lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương đối với các ngân hàng thương mại) ở mức 6,5%, đồng thời duy trì tỷ lệ dự trữ tiền mặt của các ngân hàng ở mức 4%, do lo ngại giá lương thực có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn mục tiêu đề ra (5% vào tháng 3/2017 và 4% vào tháng 3/2018). Lạm phát của Ấn Độ trong tháng 6/2016 tăng 5,77% so với cùng kỳ năm 2015 - cao nhất trong vòng 22 tháng qua.

- Hàn Quốc: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 11/8 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục (1,25%) sau khi cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2016 nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ, trong bối cảnh nợ của hộ gia đình tăng 6.300 tỷ KRW (5,7 tỷ USD) trong tháng 7 so với tháng 6, các khoản vay có thế chấp (chiếm 2/3 nợ của hộ gia đình) tăng 5.800 tỷ KRW (5,28 tỷ USD). Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này của BoK nhằm chờ đợi hiệu quả của biện pháp giảm lãi suất trước đó cũng như gói kích thích kinh tế 20.000 tỷ KRW (17 tỷ USD) công bố cuối tháng 6/2016.

- New Zealand: Ngày 11/8, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) quyết định giảm lãi suất từ 0,25% xuống mức thấp kỷ lục 2% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và lãi suất của các nước khác tương đối thấp so với New Zealand khiến tỷ giá hối đoái của đồng đô la New Zealand (NZD) tăng cao, tạo áp lực cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước này, đồng thời khiến RBNZ gặp khó khăn trong việc đảm bảo mục tiêu lạm phát từ 1 - 3% (CPI của New Zealand trong tháng 6/2016 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2015). Đây là lần giảm lãi suất thứ hai trong năm 2016 của RBNZ. Các nhà phân tích dự báo RBNZ sẽ cắt tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm.