Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 30/10-4/11/2017
KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI |
Nội dung |
Tăng trưởng - Lạm phát |
- Tăng trưởng: Eurozone: Trong quý III/2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,6%, thấp hơn so với mức tăng 0,7% của quý II/2017, nhưng phù hợp với kỳ vọng của thị trường. So với cùng kỳ năm 2016, kinh tế Eurozone tăng trưởng 2,5% - mức tăng cao nhất kể từ quý I/2011. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 31/10) Hoa Kỳ: Trong quý III/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,1% của quý II/2017, tuy nhiên cao hơn mức tăng 2,5% theo dự báo của Reuters, do đầu tư vào chứng khoán tăng và thâm hụt thương mại giảm đã bù đắp cho sự suy thoái về chi tiêu của người tiêu dùng và sự sụt giảm trong xây dựng (do ảnh hưởng của thiên tai). (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 27/10) Nhật Bản: Kinh tế của Nhật Bản trong tài khóa 2017 (kết thúc vào ngày 31/3/2018) sẽ tăng trưởng 1,9%, cao hơn so với mức tăng 1,8% (dự báo tháng 7/2017), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 1,4% vào tài khóa 2018.(Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ ngày 31/10) Canada: Trong tháng 8/2017, GDP của Canada giảm 0,1% so với tháng 7 (GDP tháng 7 không đổi so với tháng 6) và là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2016, một phần do ngành công nghiệp hóa chất và khai khoáng sụt giảm, cho thấy kinh tế Canada đang tăng trưởng chậm lại và ít có khả năng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 31/10) - Lạm phát: Nhật Bản: CPI của Nhật Bản trong tài khóa 2017 là 0,8%, 2018 là 1,4%, thấp hơn các mức tương ứng là 1,1% và 1,5% (dự báo tháng 7/2017), do tiền lương tăng chậm trong khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, BoJ vẫn giữ thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% trong tài khóa 2019. (Theo dự báo của BoJ ngày 31/10) Hàn Quốc: Trong tháng 10/2017, CPI của Hàn Quốc tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 2,1% của tháng 9/2017 và 1,9% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong năm 2017, do chi phí nhà ở, hàng tiêu dùng và thực phẩm giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 01/11) Indonesia: Trong tháng 10/2017, CPI của Indonesia tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 3,72% của tháng 9/2017 và 3,68% dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 01/2017, do chi phí nhà ở, đồ tiêu dùng, thực phẩm, y tế và vận tải tăng chậm hơn. (Theo Văn phòng Thống kê Indonesia ngày 01/11) Thái Lan: Trong tháng 10/2017, CPI của Thái Lan tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 9/2017, nhưng cao hơn mức tăng 0,82% dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 02/2017, do chi phí thực phẩm tăng. (Theo Văn phòng Thống kê Thái Lan ngày 01/11) |
Chứng khoán |
- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ tăng.Tính chung cả tuần (30/10 - 03/11/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,45%; 0,26%; 0,94% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (27/10/2017).Trong ngày giao dịch 03/11/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: + Chỉ số Nasdaq tăng 49,49 điểm (0,74%) lên 6.764,44 điểm. + Chỉ số S&P 500 tăng 7,99 điểm (0,31%) lên 2.587,84 điểm. + Chỉ số Dow Jones tăng 22,93 điểm (0,1%) lên 23.539,19 điểm. - Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,48 điểm (1,48%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (03/11/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: + Hang Seng (Hong Kong) tăng 84,97 điểm (0,3%) lên 28.603,61 điểm. + Kospi (Hàn Quốc) tăng 11,61 điểm (0,46%) lên 2.557,97 điểm. + S&P/ASX 200 (Australia) tăng 28,2 điểm (0,48%) lên 5.959,9 điểm. + Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 11,57 điểm (-0,34%) xuống 3.371,74 điểm. + Nikkei 225 (Nhật Bản): Đóng cửa nghỉ lễ. |
Dầu mỏ |
Tuần từ 30/10 - 03/11/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 3,23%; 2,7%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (03/11/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017: - WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,1 USD (1,98%) lên 55,64 USD/thùng. - Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,45 USD (2,34%) lên 62,07 USD/thùng. |
Năm 2018 giá dầu mỏ sẽ tăng từ 53 USD/thùng lên 56 USD/thùng do nhu cầu dầu mỏ đang có xu hướng tăng cao và các nước xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm sản lượng. Giá năng lượng thế giới, gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ tăng 4% vào năm 2018, sau khi tăng 28% trong năm 2017. (Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 30/10) |
|
Châu Âu |
Đức: - Trong tháng 10/2017, chỉ số điều kiện kinh doanh của Ifo đạt mức cao kỷ lục 116,7 điểm. Theo Chủ tịch Ifo Clemens Fuest, nền kinh tế Đức vẫn tăng trưởng tích cực, do đó các doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng hoạt động trong những tháng tới về các lĩnh vực như chế tạo, bán lẻ, xây dựng. Các nhân tố chính tạo thuận lợi cho hoạt động của khối doanh nghiệp Đức là đà tăng trưởng của các nền kinh tế và các đối tác thương mại trong Eurozone, cũng như lòng tin tiêu dùng trong nước có xu hướng cải thiện.(Theo Viện Kinh tế Ifo của Đức ngày 27/10) - Trong năm 2018, thị trường lao động Đức sẽ tiếp tục tăng mạnh, tạo thêm ít nhất 600 nghìn việc làm mới, duy trì năm thứ 13 liên tiếp giữ được đà tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức hiện dưới mức 5,7%, thấp nhất trong hơn 25 năm qua (thời điểm nước Đức thống nhất).Số việc làm mới chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp. (Theo dự báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - DIHK ngày 31/10) Australia: Trong tháng 9/2017, Australia đạt thặng dư thương mại 1,75 tỷ AUD, cao gấp 2 lần so với mức thặng dư 0,87 tỷ AUD và cao hơn mức thặng dư 1,2 tỷ AUD theo dự báo của thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với tháng 8/2017 lên 32,96 tỷ AUD; kim ngạch nhập khẩu giữ nguyên ở mức 31,21 tỷ AUD. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 02/11) |
Châu Á |
Singapore: Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore - MAS ngày 30/10 công bố lộ trình chuyển đổi ngành (ITM) cho lĩnh vực tài chính, trong đó phác thảo những chiến lược phát triển theo lĩnh vực kinh doanh, các chương trình nâng cao kỹ năng và chương trình thúc đẩy đổi mới công nghệ liên tục trong ngành. ITM dự kiến mỗi năm sẽ tạo ra 3.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính và thêm 1.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ tài chính; lĩnh vực tài chính của Singapore sẽ đạt mức tăng trưởng giá trị gia tăng thực tế 4,3% và mức tăng hiệu suất 2,4% mỗi năm.(Theo MAS ngày 30/10) |
Hoa Kỳ |
Ngày 27/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp mức thuế sơ bộ từ 16,6 - 81% đối với mặt hàng nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi có kết quả điều tra sơ bộ cho thấy những sản phẩm này được trợ giá từ Chính phủ Trung Quốc, làm cho mặt hàng nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ có mức giá thấp hơn thị trường từ 96,8 - 162,2%. (Theo TTXVN ngày 28/10) |
Trong tháng 9/2017, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng tương ứng là 0,2% và 1,4% của tháng 8/2017, phù hợp với dự báo của thị trường, do giá xăng, điện, khí đốt và các hàng hóa, dịch vụ năng lượng khác tăng 6,8%, mức tăng cao nhất trong hơn 8 năm qua. Tuy nhiên, PCE lõi (không bao gồm giá các mặt hàng biến động, thực phẩm và năng lượng) tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 8/2017 và thấp hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED. (Theo báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 30/10) |
|
Trong tháng 10/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Hoa Kỳ đạt 125,9 điểm, cao hơn 120,6 điểm của tháng 9/2017 và 121,5 điểm theo dự báo của các nhà kinh tế. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2000 cho thấy người dân Hoa Kỳ lạc quan hơn về nền kinh tế và việc làm khi thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc và giá cổ phiếu tăng cao giúp cải thiện thu nhập của hộ gia đình. Theo các chuyên gia kinh tế, sự cải thiện mạnh mẽ trong niềm tin của hộ gia đình sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng - chiếm 2/3 hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ, đồng thời tăng khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12/2017. (Theo Tổ chức nghiên cứu Conference Board, Hoa Kỳ ngày 31/10) |
|
Trong tháng 10/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tại Hoa Kỳ đạt 58,7 điểm, thấp hơn so với 60,8 điểm của tháng 9/2017 (mức cao nhất 13 năm qua) và thấp hơn mức tăng 59,5 điểm dự báo của thị trường, do lượng hàng tồn kho giảm. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 01/11) |
|
Trong quý III/2017, năng suất lao động tại Hoa Kỳ - đo lường sản lượng của mỗi lao động/giờ, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 1,5% của quý II/2017 và 2,4% dự báo của Reuters. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ quý III/2014. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/11) |
|
Trung Quốc |
Trong phiên giao dịch ngày 27/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC đã bơm 50 tỷ CNY (7,5 tỷ USD) vào thị trường thông qua hợp đồng repo, mua và bán lại chứng khoán có kỳ hạn, với lãi suất 2,9%, đáo hạn vào ngày 29/12 (ngày giao dịch cuối cùng trong năm 2017). Đây là lần đầu tiên PBoC sử dụng hợp đồng repo kỳ hạn 63 ngày nhằm thúc đẩy thanh khoản thị trường trước thời điểm cuối năm (kỳ hạn dài nhất của hợp đồng repo mà PBoC áp dụng từ trước tới nay là 28 ngày). Cũng trong ngày 27/10, PBoC đã bơm thêm 60 tỷ CNY thông qua các hợp đồng repo kỳ hạn 7 ngày và 30 tỷ CNY kỳ hạn 14 ngày, ngoài ra có 50 tỷ CNY hợp đồng repo đáo hạn trong ngày. Do đó, thanh khoản ròng của Trung Quốc trong ngày 27/10 là 90 tỷ CNY. (Theo PBoC ngày 27/10) |
4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc (gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc - ICBC, Ngân hàng Trung Quốc - BOC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - CCB và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc) đã công bố báo cáo lợi nhuận tích cực trong quý III/2017, trong đó ICBC đạt lợi nhuận ròng 75 tỷ CNY (11,3 tỷ USD), tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016; CCB đạt 62,9 tỷ CNY (9,46 tỷ USD), tăng 4,1%; Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đạt 51,42 tỷ CNY (7,74 tỷ USD), tăng 4,89%; BOC đạt 41,82 tỷ CNY (6,29 tỷ USD), tăng 0,1%. (Theo TTXVN ngày 31/10) |
|
Trong tháng 10/2017, chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc đạt 51 điểm, thấp hơn so với 51,4 điểm của tháng 9/2017 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016 do khu vực dịch vụ tăng trưởng thấp hơn. Theo ông Zhengsheng Zhong, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô của CEBM Group cho biết, áp lực chi phí có thể tác động tiêu cực đến sản lượng sản xuất của Trung Quốc trong những tháng tới. (Theo Công ty Caixin ngày 03/11) |
|
Nhật Bản |
Trong tháng 9/2017, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 1,1% so với tháng trước, trái ngược với mức tăng 2% của tháng 8/2017, do sản lượng linh kiện và thiết bị điện tử giảm 5,6%.(Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 31/10) |
Trong tháng 9/2017, chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2016, sau khi tăng 0,6% trong tháng 8/2017 và trái ngược với mức tăng 0,7% theo dự báo của thị trường. (Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 31/10) |
|
Trong tháng 9/2017, doanh thu bán lẻ của Nhật Bản tăng 2,2%, cao hơn mức tăng 1,8% của tháng 8/2017 và là mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua, do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho quần áo và hàng hóa hằng ngày. Chi tiêu tiêu dùng mạnh sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng lên trong thời gian tới, củng cố lập luận của BoJ về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khi áp lực lạm phát tăng dần lên. (Theo Bộ Thương mại Nhật Bản ngày 30/10) |
|
Tín dụng |
Tổng số nợ của thế giới có thể tăng lên mức cao kỷ lục 226.000 tỷ USD (tương đương 324% GDP toàn cầu) trong năm 2017. Trong đó, số nợ cần phải trả hoặc đáo hạn từ nay tới cuối năm 2018 của các nước đang phát triển lên tới 1.700 tỷ USD. Những khoản nợ bằng ngoại tệ mạnh của những nước mới nổi đã vượt quá 8.200 tỷ USD, tương đương gần 15% tổng dư nợ của các nước đang phát triển. (Theo Viện Tài chính quốc tế - IIF ngày 28/10) |
Chính sách |
Hoa Kỳ: Ngày 01/11, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1 - 1,25%, phù hợp với dự báo của thị trường, đồng thời cho biết thị trường lao động tiếp tục được củng cố, kinh tế tăng trưởng vững chắc, các cơn bão vừa qua sẽ không tác động lâu dài đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Các chuyên gia kinh tế nhận định, FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12/2017. (Theo FED ngày 01/11) Anh: Ngân hàng Trung ương Anh - BoE ngày 02/11 quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua từ 0,25% lên 0,5%, phù hợp với dự báo của thị trường, trong bối cảnh đồng GBP suy yếu do những bất ổn từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) làm chi phí nhập khẩu hàng hóa vào Anh tăng cao và làm tỷ lệ lạm phát tại nước này tăng nhanh; xu hướng đi vay tiêu dùng tăng tại Anh cũng làm gia tăng sức ép lên BoE. Theo số liệu của BoE, hiện tín dụng tiêu dùng tại Anh tăng 9,9%/năm, trong đó vay mượn để chi tiêu bằng thẻ tín dụng, chi tiêu quá số tiền có trong tài khoản hay thông qua các khoản cho vay không bảo đảm tăng mạnh. (Theo BoE ngày 02/11) |
Nhận định chuyên gia |
Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (30/10): Nếu các ngân hàng thuộc Eurozone duy trì tỷ lệ lãi suất thấp trong khoảng 10 năm thì lợi nhuận của ngành ngân hàng mới chỉ giảm 25%. Trong khi đó, ảnh hưởng này có xu hướng được cân bằng nhờ việc cải thiện trong các điều kiện kinh tế vĩ mô đạt được nhờ lãi suất thấp, như sự cải thiện của GDP hay giá trị cổ phần của các ngân hàng đều tăng sau mỗi lần ECB thông báo giữ nguyên lãi suất. Nhận định trên được đưa ra sau khi ECB (26/10) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và đảm bảo sẽ duy trì mức lãi suất này cho đến khi kết thúc việc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc ECB có thể sẽ tăng lãi suất sớm nhất vào cuối năm 2019. |