Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 21-26/5/2018
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Tăng trưởng |
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) đã đưa ra hai kịch bản dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018: (i) Ở kịch bản trung bình (kịch bản cơ sở), tăng trưởng kinh tế đạt 6,83%, lạm phát ở mức 4,5%; (ii) Ở kịch bản cao, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,02% và lạm phát trung bình ở mức 4,8%. Năm 2018, kinh tế thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi đối với hoạt động kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. (Theo vov.vn ngày 19/5) |
Trong năm 2017, chỉ có 1/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, sau thẩm tra đánh giá bổ sung, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, môi trường kinh doanh… cần có biện pháp khắc phục như: (i) Quy mô GDP thấp hơn so với dự kiến; (ii) Xuất khẩu còn phụ thuộc vào FDI; (iii) Chỉ tiêu giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP thực tế thấp hơn nhiều so với số đã báo cáo; (iv) Số vượt thu ngân sách phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước; (v) Giải ngân vốn thấp hơn dự toán; (vi) Giấy phép con và danh mục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều. (Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 21/5) |
|
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6,8%; tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 21% GDP; dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12 - 14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018; dự toán thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018. (Theo Báo Đầu tư ngày 25/5) |
|
Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu |
Số dư Quỹ bình ổn (BOG) ước tính đến trước 15h ngày 23/5 còn 2.550 tỷ đồng, giảm 142 tỷ đồng so với lần công bố ngày 23/4 (2.692 tỷ đồng). Bên cạnh đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15h ngày 23/5. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 500 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 600 đồng/lít; dầu diesel 0,05S tăng 587 đồng/lít; dầu hỏa tăng 523 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 678 đồng/kg. Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON 92 là 19.940 đồng/lít; xăng RON95-III là 21.511 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 17.694 đồng/lít; dầu hỏa là 16.440 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 14.437 đồng/kg. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 23/5) |
Doanh nghiệp |
Ảnh hưởng của fintech (tài chính công nghệ) ngày càng tăng trên thế giới. Trong đó, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Fintech Việt Nam phát triển nhờ những yếu tố như tỷ lệ phổ biến của Internet, điện thoại thông minh, ví điện tử trong các trung tâm đô thị, thu nhập tăng, tiêu dùng tăng và lĩnh vực thương mại điện tử phát triển. (Theo Công ty tham vấn Solidiance ngày 21/5) |
Ngày 22/5, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (IDR dài hạn) của 3 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và Agribank từ B+ lên BB-, triển vọng tăng từ tích cực lên ổn định, phản ánh sự cải thiện mức độ tín nhiệm quốc gia, nhờ các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam được cải thiện, nợ giảm và đệm an toàn tăng đã giúp cải thiện khả năng hỗ trợ cho các ngân hàng trong trường hợp cần thiết. Sàn xếp hạng hỗ trợ (SRF) của 3 ngân hàng trên cũng tăng từ B+ lên BB-, xếp hạng hỗ trợ (SR) tăng từ 4 lên 3. Ngoài ra, Fitch cũng nâng SRF của MBBank và ACB từ NF lên B-, tuy nhiên SR vẫn không thay đổi, ở mức 5. |
|
Ước tính các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện nay chiếm hơn 97% trong tổng số gần 600 nghìn doanh nghiệp, 66% trong số đó là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa có xu hướng giảm đi; ngược lại tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ lại đang tăng lên, cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng thu hẹp về quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, việc tham gia của các SME vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay còn rất hạn chế. Sau 3 lần tham dự kết nối với khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, các công ty nước ngoài chỉ tìm được 2 doanh nghiệp trong nước đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. (Theo Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22/5) |
|
Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 21/5 đã ra quyết định áp thuế nhập khẩu mạnh đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, Cơ quan hải quan Hoa Kỳ sẽ áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thép chống gỉ từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%. (Theo Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam ngày 22/5) |
|
Tổng cầu |
|
Đầu tư |
Số liệu báo cáo của 30 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, trong năm 2017, cả nước có 77.187 dự án hoàn thành, trong đó đã phê duyệt quyết toán đối với 56.434 dự án với tổng giá trị được phê duyệt là 488.415 tỷ đồng; loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán 2.847,4 tỷ đồng, bằng 0,58% giá trị đề nghị quyết toán. Số chưa quyết toán là 20.753 dự án, trong đó có 13.052 dự án với tổng mức đầu tư 504.300 tỷ đồng chưa nộp hồ sơ quyết toán, số đã nộp song chậm phê duyệt quyết toán là 1.814 dự án. (Theo Bộ Tài chính ngày 18/5) |
Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” được khởi động tại Hà Nội vào ngày 24/5, chính thức được thực hiện trong năm 2018 - 2019, được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ 1,9 triệu USD. Mục đích của Dự án là góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các Công ty dịch vụ năng lượng, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Số tiền 1,9 triệu USD trên cùng 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. (Theo Bộ Công Thương ngày 25/5) |
|
Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng |
Trong giai đoạn 2011 - 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, riêng năm 2017 đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối còn khiêm tốn với 83 chợ, chiếm 0,97%. Cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh; 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. (Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương ngày 21/5) |
Tài chính công |
Tổng giá trị tài sản nhà nước tại Cơ sở dữ liệu quốc gia đến ngày 31/12/2017 là 1.158.118,99 tỷ đồng (đối với 4 loại tài sản gồm: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên đối với 1 đơn vị tài sản). Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị hơn 742.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị. Tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng đến cuối năm 2017 là 142,5 triệu m2, với nguyên giá khoảng 298 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản nhà nước (nguyên giá) trong năm 2017 tăng hơn 52,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất tăng mạnh nhất với 28 nghìn tỷ đồng, tài sản nhà tăng 13,5 nghìn tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 21/5) |
Số xe ô tô công tính đến hết năm 2017 là 39.425 chiếc, với tổng nguyên giá 25.554,21 tỷ đồng, chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước. Số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận trong năm 2017 là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỷ đồng. Trong đó, số xe ô tô thuộc khối Trung ương tăng 1.118 chiếc với tổng nguyên giá 1.175,53 tỷ đồng; thuộc khối địa phương tăng 1.486 chiếc với tổng nguyên giá 1.089,64 tỷ đồng. Trong tổng số 2.604 xe ô tô công mua mới năm 2017 thì có 1.523 xe do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 1.234,32 tỷ đồng; còn lại, số xe công mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là 1.030,85 tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 20/5) |
|
Xuất nhập khẩu |
Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2018 (01 -15/5/2018) đạt 18,93 tỷ USD, tăng 3,7% so với nửa cuối tháng 4/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,78 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 10,15 tỷ USD, nên cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,37 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 162,74 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu đạt 82,63 tỷ USD, tăng 18,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 80,11 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,52 tỷ USD. (Theo thống kê của Tổng cục Hải quan ngày 21/5) |
Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 145 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả trên, Trung Quốc đã vượt xa Hoa Kỳ, chiếm vị trí thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc, sau Nga và Na Uy. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo trong quý II/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng sẽ giảm dần, do những rủi ro về giá cả, chất lượng và thanh toán. (Theo VASEP ngày 23/5) |
|
Từ năm 2013 đến hết quý I/2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 362 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 250 tỷ USD, bằng gần 70% tổng kim ngạch, gấp 200% kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 100 tỷ USD, chiếm 29% kim ngạch song phương giữa hai nước. Như vậy, qua gần 6 năm, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm. Cơ cấu hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị linh kiện, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi... Trong khi đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc các sản phẩm giá trị thấp như cao su, nông sản, sắn lát, gạo, trái cây và gỗ... (Theo Bộ Tài chính ngày 23/5) |
|
Giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5 đạt 663 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản trong 5 tháng đạt 3,43 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu lâm sản vượt qua ngành thuỷ sản, dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là 4 thị trường nhập khẩu lâm sản từ Việt Nam lớn nhất, đặc biệt là gỗ. (Theo Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/5) |
|
Cân đối vĩ mô |
|
Lao động |
Báo cáo việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương trong năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương cho thấy, có tổng cộng hơn 63 nghìn công chức, viên chức, hợp đồng lao động vượt quy định tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cơ quan hành chính của 37 địa phương và 1 bộ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) có số lao động vượt quy định là 15.156 người; các đơn vị sự nghiệp công lập của 23 địa phương có số người vượt lượng lao động được hội đồng nhân dân giao 29.511 người; 16 địa phương có số biên chế viên chức vượt định mức quy định 18.612 người. Qua đó, tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động vượt chỉ tiêu được giao đã làm tăng chi ngân sách 859 tỷ đồng. (Theo Kiểm toán Nhà nước ngày 21/5) |
Lãi suất |
Lãi suất trung bình trên thị trường liên ngân hàng tuần từ 14 - 18 có xu hướng giảm đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm 0,18 - 0,19%. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,18% về mức 1,26%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,19% về mức 1,31%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,19% về mức 1,47%/năm. (Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 21/5) |
Giá vàng |
Trong tuần qua, giá vàng có 5 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 25/5 so với ngày 24/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng: - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,58 - 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng mỗi chiều. - Doji: 36,61 - 36,69 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng mỗi chiều. - Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu: 36,62 - 36,69 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng mỗi chiều. |
Tỷ giá |
Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 8 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 25/5, tỷ giá trung tâm là 22.596 VND/USD, tăng 7 đồng so với ngày 24/5; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 24/5 như sau: - Vietcombank: 22.755 - 22.825 đồng, không thay đổi. - BIDV: 22.760 - 22.830 đồng, tăng 15 đồng mỗi chiều. - Viettinbank: 22.765 - 22.835, giảm 7 đồng mỗi chiều. |
Tín dụng |
Trong quý I/2018, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. - Tín dụng bất động sản trong quý I/2018 chỉ tăng 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 7,34%. Tín dụng tiêu dùng đến tháng 3/2018 tăng 3,8% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 17,42% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,73%, chiếm tỷ trọng 14,92%).. - Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. - Dư nợ tín dụng ngành công nghiệp tăng 3,75%, tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 4,35%, tín dụng ngành dịch vụ tăng 3,59%. - Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017: (i) Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 9,72% (cùng kỳ năm 2017 giảm 0,39%); (ii) Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,57% (cùng kỳ năm 2017 tăng 16,24%); (iii) Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,61% (cùng kỳ năm 2017 giảm 14,15%). (Theo NHNN ngày 25/5) |
Thị trường tài sản |
|
Chứng khoán |
Trong tuần 14 - 18/5/2018, qua kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 8.400 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày trong khi lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 200 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 8.200 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần dư thừa so với các tuần trước đó. (Theo BVSC ngày 21/5) |
Trái phiếu |
Ngày 23/5, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng, gồm 4 kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng). - Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 215 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5/2018). - Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,26%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5). - Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,6%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/5). - Kỳ hạn 20 năm: Không trúng thầu Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 57.641 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX. |
Cổ phiếu |
Trong tuần từ 21 - 25/5/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên tất cả các sàn.Tính chung cả tuần: - VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 76,64 điểm (-7,4%) xuống 963,9 điểm, giá trị giao dịch giảm 54,2% xuống 23.576 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 22,6% xuống 757 triệu cổ phiếu. - HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 6,78 điểm (-5,6%) xuống 114,49 điểm, giá trị giao dịch giảm 12% xuống 3.190 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 13,9% xuống 224 triệu cổ phiếu. |
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 37,6 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 2.343,79 tỷ đồng (trong khi tuần trước, khối ngoại mua ròng tổng cộng 256,48 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 27.950,3 tỷ đồng). - HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 40,48 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng hơn 2.396 tỷ đồng (trong khi tuần trước, khối ngoại mua ròng 254,5 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 27.928,21 tỷ đồng). - HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng hơn 840.000 đơn vị, nhưng tổng giá trị tương ứng lại là bán ròng 3 tỷ đồng (trong khi tuần trước, khối ngoại mua ròng 2,65 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 12,3 tỷ đồng). - UPCoM: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng khoảng 2 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng tương ứng hơn 55 tỷ đồng (trong khi tuần trước, khối ngoại bán ròng khoảng 670.000 đơn vị, nhưng tổng giá trị tương ứng lại là mua ròng 9,79 tỷ đồng). |
|
Bất động sản |
Năm 2017, người nước ngoài có khoảng 2 nghìn giao dịch mua nhà tại Việt Nam, trong đó có khoảng 10% đã được nhận nhà và làm thủ tục. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2018, số giao dịch mua nhà của người nước ngoài đã bằng cả năm 2017, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nhân tố là rào cản đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản là tính minh bạch chưa cao, nhà đầu tư ngoài vẫn khó tiếp cận quỹ đất để phát triển, quy trình đấu giá bất động sản cũng như quy trình chính sách còn rườm rà cản trở việc thực hiện dự án. (Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ CEN Group ngày 22/5) |
Chính sách |
Nghị quyết số 27-NQ/TW Ngày 21/5/2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong 5 bảng lương mới sau đây:- Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã. - Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. - Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm). - Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an. - Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an. |
Nhận định chuyên gia |
PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) (23/5): Kết quả xuất khẩu và xuất siêu trong những năm qua, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2018, được xem như kỳ tích. Cơ cấu thị trường xuất khẩu đang chuyển biến theo hướng tích cực, với những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, cán cân thương mại đã có sự đảo chiều ngoạn mục. Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập siêu và mục tiêu đặt ra đến năm 2020 mới cân bằng được cán cân thương mại thì năm 2017, cả nước đã xuất siêu 3,9 tỷ USD; còn năm 2018, chỉ 4 tháng đầu năm xuất siêu đã đạt gần bằng cả năm 2017. Dự báo cả năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 20%. |