Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 23-28/07/2018

Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Với đà tăng trưởng 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2011, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,71% trong cả năm 2018.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 dự báo ở mức 12,11%; thặng dư thương mại là 1,2 tỷ USD; lạm phát bình quân đạt 3,93%. (Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM ngày 20/7)

Sản xuất công nghiệp

Đến thời điểm 15h ngày 23/7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex là 2.256 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng so với thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trước đó vào ngày 07/7.

Cùng ngày, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá xăng hiện hành, đồng thời giảm giá dầu diesel và dầu hỏa.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON92 và Xăng RON95-III giữ ổn định giá; dầu diesel 0.05S giảm 213 đồng/lít; dầu hỏa giảm 69 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giữ ổn định giá.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng cụ thể như sau: Xăng E5 RON92 là 19.611 đồng/lít; Xăng RON95-III là 21.177 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S là 17.242 đồng/lít; Dầu hỏa là 16.174 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 14.756 đồng/kg.

Thời gian thực hiện các quyết định trên áp dụng từ 15h ngày 23/7/2018.

(Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày 23/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại trong năm 2017). (Theo Bộ Công Thương ngày 26/7)

Doanh nghiệp

Trong 10 năm qua đã có gần 4.000 thương vụ M&A được thực hiện, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008.

Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017). Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.

Trong trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể đạt 6 - 6,5 tỷ USD, vượt mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong số 85 doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch.

Tổng giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là 40.672,09 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước chiếm 23.084,23 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 58,83% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược ngoài doanh nghiệp 40,66% vốn điều lệ, bán cho người lao động 0,51% vốn điều lệ.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, địa phương đã thoái vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng, gấp 3,08 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng). (Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ngày 25/7)

50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018 theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam có giá trị vốn hóa chiếm 70,8% tổng giá trị vốn hóa hai sàn HSX và HNX; có tổng lợi nhuận đạt 106.949 tỷ đồng, tăng 34%.

Để lọt vào top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn, các công ty phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như kinh doanh có lãi trong năm tài chính 2017, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng, dựa trên các tiêu chí: Tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2013 - 2017… (Theo Tạp chí Forbes Việt Nam ngày 26/7)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính chung trong 7 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD; vốn đầu tư tăng thêm 4,95 tỷ USD và cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2017. Các dự án FDI đã giải ngân được 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 7 tháng năm 2018, có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với số vốn đăng ký 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài ngày 25/7)

Trong 7 tháng năm 2018, cả nước có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 238,33 triệu USD; có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 41,3 triệu USD.

Tính chung 7 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 279,63 triệu USD.

Việt Nam đã đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 84 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư; Australia xếp thứ hai với 37,1 triệu USD, chiếm 13,3%; Slovakia xếp thứ ba với 35,93 triệu USD, chiếm 12,9%.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài ngày 25/7)

Kể từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nhiều nhất trên thế giới.

Trong đó, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại. (Theo Bộ Ngoại giao ngày 25/7)

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã ký kết được 4 hiệp định vốn vay ODA với tổng trị giá 193,2 triệu USD. Ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi bằng 21% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân là do phân khai kế hoạch chậm, các cơ quan trong nước cũng thận trọng hơn trong việc đề xuất chủ trương đầu tư do mức độ ưu đãi của nguồn vốn nước ngoài tiếp tục giảm.

Tổng trị giá chi trả nợ của Chính phủ là 102.594 tỷ đồng, bao gồm trả nợ trong nước là 81.011 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài là 21.583 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2018. (Theo Bộ Tài chính ngày 19/7)

Ngân sách
nhà nước

6 tháng đầu năm, cơ quan thuế thu được 531.520 tỷ đồng, bằng 49,7% so với dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt khoảng 29.565 tỷ đồng; thu nội địa đạt khoảng 496.782 tỷ đồng. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết đạt khoảng 402.506 tỷ đồng...

Kết quả thu ngân sách nhà nước đạt khá so với nhiều năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ là do thu từ dầu thô và đất tăng cao. Tuy nhiên, số nợ thuế không có khả năng thu hồi lại có chiều hướng tăng cao, tăng 8% so với cuối năm 2017, lên 33.992 tỷ đồng.

Còn số tiền nợ thuế có khả năng thu là 46.143 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thời điểm 31/12/2017. Như vậy, tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến ngày 30/6 là hơn 80.000 tỷ đồng, tăng 6.990 tỷ đồng (9,6%) so với cuối năm 2017. (Theo Tổng cục Thuế ngày 20/7)

Xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm:

- Việt Nam xuất khẩu sang 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hông Kông, Ấn Độ, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Áo) đạt 101,04 tỷ USD, chiếm 88% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang 10 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường Trung Quốc có mức tăng cao nhất với gần 28%, tương đương kim ngạch tuyệt đối tăng thêm 3,63 tỷ USD.

- Trị giá nhập khẩu từ 10 thị trường lớn nhất (EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Argentina) đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với hơn 30 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm tỷ trọng 28,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/7)

Tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 15 ngày đầu tháng 7 đạt 8,342 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 9,221 tỷ USD. Như vậy, mức thâp hụt thương mại của cả nước trong nửa đầu tháng 7/2018 lên đến 879 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2018, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 122,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt gần 120 triệu USD. Như vậy, đến ngày 15/7/2018, Việt Nam xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD.

Tính đến ngày 15/7/2018, cả nước có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 24 tỷ USD; dệt may đạt 14,9 tỷ USD; máy vi tinh và kinh kiện đạt gần 14,4 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/7)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7/2018 đạt khoảng 663 triệu USD; lũy kế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 4,66 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra là khó khả thi trong 5 tháng còn lại của năm 2018.

Ngoài ra, tốc độ xuất khẩu thủy sản của 7 tháng đầu năm 2018 thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017; so với cùng kỳ chỉ tăng 19,3% trong 7 tháng đầu năm 2017 6,4% trong 7 thang đầu năm 2018. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 24/7)

Sản phẩm xi măng tiêu thụ tháng 6/2018 đạt khoảng 8,71 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, lượng xi măng tiêu thụ trong 2 quý đầu năm đạt khoảng 6,91 triệu tấn, tăng 29% với cùng kỳ 2017.

Điểm nổi bật của thị trường xi măng là lượng xuất khẩu tăng vượt trội, đạt khoảng 1,8 triệu tấn trong 2 quý đầu năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017; đồng thời giá xuất khẩu cũng được cải thiện. (Theo Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng ngày 25/7)

Theo số liệu của Cục Thống kê Séc, trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam - Séc đạt hơn 464 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Séc vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 1,022 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2016.

Cộng hòa Séc mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, công nghệ khai khoáng, công nghệ xây dựng, hóa chất, viễn thông, radar, máy móc công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học và nano.

(Theo TTXVN ngày 23/7)

Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2017 - 2018 sẽ giảm 10,5% so với niên vụ trước, do giá cà phê nhân đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2017 - 2018, với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 0,8% về khối lượng nhưng lại giảm 10,5% về giá trị so với niên vụ trước; sản xuất được 1,55 triệu tấn cà phê trong niên vụ hiện tại, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 - 2017; lượng tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng lên 15%, làm cho lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 - 1,2 triệu tấn/năm. (Theo Vicofa ngày 26/7)

Kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 4/2018 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 275,2 triệu USD; tiếp tục giảm 5,7% trong tháng 5 và 7,8% trong tháng 6.

Xuất khẩu tôm giảm liên tiếp trong quý II do sản lượng của các nước sản xuất đồng loạt tăng và giá tôm trên thị trường thế giới giảm; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính chưa cao do còn tồn kho.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2017, lên 1,6 tỷ USD.

Dự báo khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính bắt đầu tăng, giá tôm trong nước và thế giới ổn định trở lại, xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD cho cả năm 2018. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 25/7)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng giá và 2 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 28/7 so với ngày 27/7, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,72 - 36,92 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,73 - 36,83 triệu đồng/lượng, không thay đổi.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 11 đồng so với tuần trước với 3 ngày giảm và 3 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 28/7, tỷ giá trung tâm là 22.649 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 27/7; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không thay đổi so với ngày 27/7 như sau:

- Vietcombank: 23.155 - 23.235 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 23.160 - 23.240 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 23.162 - 23.242 VND/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

- Ngày 23/7, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tổ chức gọi thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh với các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (500 tỷ đồng) và 15 năm (500 tỷ đồng) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động vượt mức gọi thầu là 150 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,1%/năm, cao hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên gần nhất (ngày 16/7).

+ Kỳ hạn 10 năm và 15 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được 350 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh qua kênh đấu thầu.

- Ngày 25/7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng 7.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (2.000 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 300 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 3,9%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 18/7).

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,48%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 18/7. Ngoài ra, phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm huy động được 600 tỷ đồng (100%), lãi suất 4,48%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng, phiên thầu phụ huy động thành công 600 tỷ, lãi suất trúng thầu 4,78%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 18/7.

+ Kỳ hạn 5 năm, 20 năm và 30 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 90.001 tỷ đồng.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 23 - 27/7/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,36 điểm (0,58%) lên 935,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt196,66 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.141,18 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,12 điểm (1,07%) lên 105,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt45,50triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 583,35 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,15 điểm (0,3%) lên 49,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt14,6triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 180,12 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,5 triệu đơn vị, trị giá 368 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 15,3 triệu đơn vị, trị giá 492 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 180.000 đơn vị, trị giá bán ròng 691 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng, với khối lượng 4,6 triệu đơn vị, trị giá 81 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1 triệu đơn vị, trị giá 22 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,2 triệu đơn vị, trị giá 43 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 9,2 triệu đơn vị, trị giá 158 tỷ đồng).

Nhận định

chuyên gia

Ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN tại buổi họp báo công bố kết quả đối thoại giữa Liên đoàn các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN (FJCCIA) và Tổng Thư ký ASEAN (23/7):

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam ngày càng chứng tỏ vị thế trong nền kinh tế toàn cầu: Nền kinh tế đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cởi mở.

Việt Nam cũng hội nhập sâu và mở cửa thị trường khi tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Với gần 100 triệu người, dân số trẻ và tỷ lệ người dùng internet cao, Việt Nam đang được xem là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực số hóa, thương mại điện tử mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia.

Jones Lang Lasalle (JLL) (23/7):

Sau 20 năm, Việt Nam từ một quốc gia thuần nông nghiệp đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những điểm sản xuất ấn tượng nhất tại Đông Nam Á.

Dự báo thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm bước sang một giai đoạn mới và nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị, từ thị trường lấy lao động làm thế mạnh chuyển sang thị trường lấy vốn.

Xu hương snafy sẽ giúp Việt Nam định hướng công nghiệp và xây dựng các khu kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp.