Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26/1-07/2/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Trong tháng 01/2017, cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đạt 90.300 tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Các doanh nghiệp thành lập mới dự kiến sẽ tạo thêm 104.100 việc làm cho xã hội, tuy nhiên chỉ bằng 83,9% cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.564, tăng 14,2% so với cùng kỳ ; số doanh nghiệp giải thể là 1.583, tăng 18,3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 13.289, tăng 6,7% so với cùng kỳ. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/02)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến ngày 20/01, vốn FDI cam kết vào Việt Nam đạt 1.423 triệu USD, tăng 6,6%; vốn thực hiện đạt khoảng 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 175 dự án đăng ký mới với số vốn 1.244 triệu USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn; 76 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 179 triệu USD. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/02)

Coca-Cola Việt Nam ngày 24/01/2016 đã cam kết tăng vốn đầu tư tại Hà Nội gấp hai lần, đạt 12.213 tỷ đồng, tương đương 580 triệu USD; tăng quy mô và công suất lên 790 triệu lít/năm vào năm 2024,1.215 triệu lít/năm vào năm 2030, kéo thời hạn hoạt động lên 50 năm. Coca-Cola Việt Nam bắt đầu đầu tư vào Hà Nội từ năm 1994 với dự án được thực hiện tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Theo Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 25/01)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2017 đạt khoảng 330.300 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng 12/2016 và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 252.700 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/02)

Xuất nhập khẩu

Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 10,85 triệu tấn, trị giá hơn 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng so với năm 2015; Nhật Bản đạt gần 2,64 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 1,19 tỷ USD; Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch thép xuất khẩu các loại chỉ đạt 3,9 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/01)

Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, giảm 25% về số lượng và 20% về giá trị so với năm 2015, do Trung Quốc giảm nhập khẩu, sức ép cạnh tranh về giá, nguồn lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế. Đây là con số báo động trong thời gian tới khi 3 trong 4 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Thái Lan, Pakistan và Hoa Kỳ đều có chỉ số gạo xuất khẩu năm 2016 tăng so với năm 2015, riêng Ấn Độ giảm 500 nghìn tấn.(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 02/02)

Kim ngạch thương mại hai chiều của Nam Phi và Việt Nam năm 2016 đạt 1,2 tỷ ​USD . Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua tăng cường trao đổi thông tin kinh tế, kết nối doanh nghiệp, quảng bá thu hút du lịch hai chiều... (Theo Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng ngày 30/01)

Trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó khăn về thị trường, áp lực cạnh tranh lớn và còn nhiều bất cập từ nội tại ngành. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn có thể đạt 7,4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016; trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016; sang EU đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 1%; sang Nhật Bản đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 2%. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 19/01)

Dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt trên 5 triệu tấn, tương đương hoặc tăng nhẹ so với sản lượng xuất khẩu năm 2016, trong bối cảnh các nước chưa đưa ra nhu cầu nhập khẩu gạo cụ thể, sản lượng và tồn kho gạo trên thế giới năm 2016 tăng lên mức cao kỷ lục. (Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA ngày 23/01)

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 01/2017 đạt khoảng 2,54 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 1,7%; thủy sản đạt khoảng 518 triệu USD, giảm 5%; các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 652 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/01)

Tháng 01/2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD, giảm 12%; kim ngạch nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD, giảm 14%. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng đầu tiên của năm 2017 đã thâm hụt 100 triệu USD, tương đương 0,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/02)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 01/2017 tăng 0,46% so với tháng 12/2016 và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết nguyên đán. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng: Giao thông tăng 3,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,01%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,48%; giáo dục tăng 0,47%... 2 nhóm giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24%; bưu chính viễn thông giảm 0,15%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/02)

Lao động

Năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tạo việc làm cho khoảng 1,64 triệu người, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó tạo việc làm trong nước cho trên 1,51 triệu người, xuất khẩu lao động trên 126.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58 - 8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. (Theo TTXVN ngày 29/01)

Tính đến tháng 10/2016, hơn 1 triệu người nước ngoài đến từ các nước như Trung Quốc và Việt Nam... đang làm việc tại Nhật Bản, tăng 20% so với năm 2015 và lập kỷ lục mới trong năm thứ 4 liên tiếp,trong đó lao động của Trung Quốc chiếm 30% lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 6,9% so với năm 2015; lao động Việt Nam xếp vị trí thứ 2 khi chiếm 16%, tăng hơn 50% so với năm 2015.(Theo Bộ Lao động Nhật Bản ngày 27/01)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng và 1 ngày giảm, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 780 - 1.090 đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 04/02), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 37,42 - 37,82 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 37,42 - 37,84 triệu đồng/lượng, giảm 160 nghìn đồng ở cả hai chiều so với sáng ngày 03/02.

- Bảo Tín Minh Châu: 37,47 - 37,7 triệu đồng/lượng, 150 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 17 0 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 03/02.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 4 đồng với 2 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 04/02), tỷ giá trung tâm là 22.198 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 03/02, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh giảm:

- Vietcombank: 22.585-22.655 USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.590-22.660 VND/USD, giảm 25 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.590-22.660 VND/USD, giảm 30 đồng ở hai chiều

- Eximbank và DongABank: 22.590-22.660 VVD/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- ACB: 22.580-22.660 VND/USD, giảm 30 đồng chiều mua vào và giảm 20 đồng chiều bán ra.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Năm 2017, HNX đặt ra các chương trình hành động hướng đến 3 mục tiêu chính: Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính thanh khoản trên thị trường và tối đa hóa minh bạch thông tin. Các biện pháp thực hiện để đạt mục tiêu trên là: Tăng cường xúc tiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh trên cơ sở nhu cầu của tổ chức phát hành; phát triển hệ thống giao dịch trái phiếu có lãi suất thả nổi; chuẩn bị các điều kiện để bổ sung thành viên giao dịch là Kho bạc Nhà nước; ra mắt 2 sản phẩm Repos mới (vay trái phiếu chính phủ để bán và bán/mua lại); hoàn thiện Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng lộ trình.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu huy động vốn năm 2017 dự kiến là 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, 34.395 tỷ đồng trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 8 - 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương.

(Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 18/01)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 02/02 - 03/02/2017, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng điểm,tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,07 điểm (0,44%) lên 700,35 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt105,55 triệu đơn vị/phiên, tăng 11,3%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.229,68 tỷ đồng/phiên, tăng 11,5%.

- HNX-Index có 2 phiên tăng. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,57 điểm (0,67%) lên 85,03 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt22,6triệu đơn vị/phiên, tăng 1,9%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt251,92tỷ đồng/phiên, giảm 0,05%.

Thống kê tuần qua, tổng cộng trên cả 2 sàn so với tuần trước đó,khối ngoại đã bán ròng 8.968.020 đơn vị, tăng 75,84% so với tuần trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 12,46 tỷ đồng, trong khi tuần trước lại là mua ròng 263,92 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại có 2 phiên bán ròng liên tiếp, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 9,17 triệu cổ phiếu, tăng 40% so với tuần trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 8,56 tỷ đồng, tăng 16,22% so với tuần trước đó.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1 phiên và mua ròng 1 phiên, tổng cộng khối ngoại đã mua ròng 211.980 đơn vị, giảm 16,55 triệu đơn vị. Tổng giá trị lại là bán ròn 3,90 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó là mua ròng 37,58 tỷ đồng.

Chính sách

Quyết định số 2544/QĐ-TTg

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2544/QĐ-TTg về chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

- Mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, thời gian nộp thuế giảm còn tối đa 110 giờ/năm…

- Yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên; đồng thời sẽ cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thánh các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A và công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương…

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2016.

Nhận định

chuyên gia

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (20/01):

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh; gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài để khai thác lợi ích của hiệp định; các cải cách về thể chế, chính sách làm tăng tính dự đoán và giảm rủi ro…

Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL), Stephen Wyatt (24/01):

Dự báo M&A bất động sản tại Việt Nam đứng trước cơ hội đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 mặc dù Hoa Kỳ rút khỏi TPP và TPP khó thực hiện nhanh như kỳ vọng. Các nhà đầu tư tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, nhờ những điều kiện thuận lợi hỗ trợ ngành bất động sản như thị trường minh bạch hơn, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế (24/01):

Lãi suất năm 2017 khó giảm, thậm chí nhiều khả năng sẽ tăng, do: (i) FED tăng lãi suất trong năm 2017 sẽ tác động đến tình hình lãi suất ở Việt Nam; (ii) Các chính sách dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể gây bất lợi với các quan hệ mậu dịch trên thế giới; (iii) Kinh tế thế giới dự báo sẽ có nhiều bất ổn.

Ông Wail A Farghaly, Trưởng Nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (26/01):

Các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn khi nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Những bất lợi về quy mô sản xuất, hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp phải nhập khẩu, các chi phí liên quan đến vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu... khiến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam ước tính cao hơn khoảng 20% so với xe nhập khẩu từ Thái Lan.