Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26/9-01/10/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% trong năm 2016 và 6,3% năm 2017, giảm so với các mức dự báo trước đó là 6,7% và 6,5%, do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong những tháng đầu năm 2016. 6 tháng cuối năm, kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh hơn, tín dụng tăng cao, các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia được đẩy mạnh và nông nghiệp phục hồi. (Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 27/9)

Trong 9 tháng năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,93%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (6,53%), song xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước vẫn được duy trì. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế quý 3 có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt 6,4% (quý 1 tăng 5,48%, quý 2 tăng 5,78%)​. Tuy nhiên, mức tăng GDP quý 3 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và tăng trưởng tại khu vực nông nghiệp vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

Sản xuất
công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2016 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 9 tháng, chỉ số này tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015, do ngành khai khoáng giảm mạnh (giảm 4,1%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung với 7,4 điểm phần trăm; tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,1%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

Sản xuất
nông nghiệp

Trong 9 tháng năm 2016:

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 594 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2015; sản xuất thủy sản tăng nhẹ, sản lượng đạt khoảng 4.949,6 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

- Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt khoảng 23,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 11,1 tỷ USD, tăng 7,2%; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 4,9 tỷ USD, tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 5,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 17,74 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm cùng kỳ năm 2015, trong đó nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 12,82 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

- Ngành nông nghiệp đã có nhiều bước tiến khi Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số chỉ tiêu: Tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp… Do đó, trong tương lai, ngành nông nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường nâng cao giá trị. (Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD) công vào ngày 27/9)

Doanh nghiệp

Trong 9 tháng năm 2016:

- Cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đạt 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, số vốn đăng ký bình quân đạt 7,7 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 25,4%.

- Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 20.510, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2015, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 102.000 doanh nghiệp.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong 9 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã theo mức giá hiện hành đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 33,1% GDP. Trong đó số vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 378.800 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015; vốn đầu tư tại khu vực ngoài nhà nước đạt 387.700 tỷ đồng, chiếm 38,5% và tăng 10,1%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực xây dựng đã thu hút 1.145 dự án FDI mới, với số vốn đăng ký 7,5 tỷ USD, tăng 51% về số dự án và tăng 95% về vốn. Trong đó Nhật Bản đầu tư 496 triệu USD và trở thành quốc gia đứng thứ 4 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, kết quả lấy ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản về thị trường ASEAN cho thấy, thị trường Việt Nam hiện đang là lựa chọn đầu tư số 1 với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.(Theo Vụ Quan hệ quốc tế - Bộ Xây dựng ngày 27/9)

Giới đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt 78,3 tỷ won (tương đương 72,2 triệu USD) trong tháng 9/2016 do chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Việt Nam ở mức khá cao 6,8%. (Theo Hãng Xếp hạng và đánh giá KG Zeroin - Hàn Quốc ngày 29/9)

Niềm tin tiêu dùng

Trong 6 tháng đầu năm 2016, niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam đạt 94,9 điểm, xếp thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng 0,7 điểm so với 6 tháng cuối năm 2015, nhờ sự cải thiện niềm tin đối với thị trường chứng khoán.Dẫn đầu là Myanmar (99,8 điểm), Ấn Độ (97,6 điểm) và Philippines (95,2 điểm).(Theo Công ty MasterCard ngày 22/9)

Ngân sách
nhà nước

Trong 15 ngày đầu tháng 9/2016, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 14,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2016, thu ngân sách nhà nước đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán. Trong đó thu nội địa đạt 68,3% dự toán; thu từ dầu thô đạt 52% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 56,6% dự toán (tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67,8% dự toán, hoàn thuế giá trị gia tăng đạt 87,3% dự toán). (Theo Bộ Tài chính ngày 28/9)

Xuất nhập khẩu

Trong kỳ 1 tháng 9/2016 (từ 01 - 15/9/2016), tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 14,17 tỷ USD, giảm mạnh 16,2% (giảm hơn 2,73 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8. Như vậy, tính đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 237,78 tỷ USD, tăng 3,5% (tăng hơn 8,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9/2016 thâm hụt 323 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 thặng dư hơn 2,55 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 26/9)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng 8/2016 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó 10/11 nhóm hàng hóa chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục (7,19%). CPI 9 tháng đầu năm tăng 3,14%, vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu tăng 5% cả năm do Chính phủ đề ra.(Theo Tổng cục Thống kê ngày 24/9)

Năng lực
cạnh tranh

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016 - 2017 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 28/9, Việt Nam đạt điểm năng lực cạnh tranh là 4,31, nhỉnh hơn so với điểm 4,3 của năm 2015 - 2016a, xếp ở vị trí 60/138 nền kinh tế, tụt hạng so với năm trước (vị trí 56/140)và đứng thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trong 3 nhóm tiêu chí đánh giá chính, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở nhóm yêu cầu căn bản, với 4,5 điểm, xếp thứ 73. Một số tiêu chí khác cũng có sự cải thiện như: Thể chế, cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, giáo dục và đào tạo bậc cao.

Tín dụng

Tính đến ngày 31/8/2016, sau 9 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ), tổng số tiền đã cho vay đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ gần 21 nghìn tỷ đồng với trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn. Năm 2008, mỗi sinh viên được vay 8 triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên 11 triệu đồng/năm, mức lãi suất được điều chỉnh từ 0,65%/tháng xuống 0,55%/tháng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên và điều kiện kinh tế - xã hội. (Theo Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 27/9)

Hiện chỉ có hơn 38% số hộ nông dân (nông, lâm nghiệp, thủy sản) có vay vốn tín dụng, trong đó gần 37% là vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và Ngân hàng Chính sách xã hội, còn lại hơn 63% vay từ các nguồn tín dụng phi chính thức do chưa có hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn; các sản phẩm tín dụng chưa đa dạng, chủ yếu là cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản… (Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam do Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam công bố ngày 29/9)

Lãi suất

Từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn (gồm 4 NHTM là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm. Đây là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm giảm chi phí huy động để hướng tới cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày???).

Ngày 29/9, NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt là NHTM cổ phần đầu tiên công bố giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 1 năm bằng với mức giảm của4 NHTM nêu trên và dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong tháng 10/2016.

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày giá không đổi, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 120 - 190 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 01/10), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,9 - 36,15 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,9 - 36,17 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng ngày 30/9.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,03 - 36,8 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 40 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 30/9.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 10 đồng với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 01/10), tỷ giá trung tâm là 21.949 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không thay đổi với so với sáng ngày 30/9:

- Vietcombank và BIDV: 22.265 - 22.335 VND/USD.

- Vietinbank, ACB và Eximbank: 22.275 - 22.335 VND/USD.

- Techcombank: 22.260 - 22.350 VND/USD.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành ngày 26/9 với tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 10 năm (500 tỷ đồng); 15 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 250 tỷ đồng (50%), lãi suất trúng thầu 7,19%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 286 tỷ đồng (57,2%), lãi suất trúng thầu 7,68%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 30/9/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 8.776 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 26 - 30/9/2016, VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm do đà tăng của nhóm bluechips như BVH, GAS, PVD, PVD… đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng (VCB, BID, ACB). VN-Index đã vượt qua vùng đỉnh 8 năm. Tính chung cả tuần:

- Vn-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,68 điểm (2%) lên 85 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt130,53triệu đơn vị/phiên, tăng 7,4%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.991,5tỷ đồng/phiên, giảm10,46%.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 11,64 điểm (41,72%) lên 685,72 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt41,6 triệu đơn vị/phiên,tăng 5,9%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt540,57tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%.

Trong tuần qua, khối ngoại đã trở lại trạng thái bán ròng sau 5 phiên mua ròng tích cực ở tuần trước đó, tuy nhiên, đà bán đã giảm mạnh so với những tuần đầu tháng 9. Tính chung trên cả hai sàn,khối ngoại đã bán ròng 7,68 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng chỉ 6,19 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó mua ròng 7,93 triệu đơn vị, giá trị 418,62 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại có 3 phiên bán ròng đầu tuần và 2 phiên mua ròng cuối tuần, tổng cộng đã bán ròng 8,72 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 50,23 tỷ đồng; trong khi tuần trước mua ròng 7,26 triệu đơn vị, giá trị 402,59 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại có 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng vào ngày 27/9, tổng cộng đã mua ròng 1,04 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 44,04 tỷ đồng, tăng 53,76% về lượng và gần 150% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Tính đến ngày 31/8, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay đạt 32.842 tỷ đồng, giải ngân được 28.344 tỷ đồng, chiếm 86,3% gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Trong đó đối với hộ gia đình cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ với số tiền 27.480 tỷ đồng và đã giải ngân cho 51.253 hộ với số tiền 22.983 tỷ đồng; đối với tổ chức, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 51 dự án với số tiền là 5.362 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 51 dự án vay 5.361 tỷ đồng. (Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước)

Tính đến ngày 20/9, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước đạt khoảng 33.627 tỷ đồng, giảm 17.262 tỷ đồng (33,92%) so với tháng 12/2015 và giảm 1.097 tỷ đồng so với ngày 20/8. Trong đó tồn kho 4.461 căn hộ chung cư (6.349 tỷ đồng); 4.430 căn nhà ở thấp tầng (9.345 tỷ đồng); 4.038.811 m2 đất nền nhà ở (14.843 tỷ đồng); 894.329 m2 đất nền thương mại (3.090 tỷ đồng). (Theo Cục Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng)

Đàm phán - Ký kết

Agribank và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Agribank ngày 23/9 đã ký kết thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện thỏa thuận giữa Agribank với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ đang hoạt động và trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,2%. Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng.