Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 3-7/7/2017

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 06/7 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 xuống 6,3%, so với mức dự báo 6,5% được đưa ra hồi tháng 5; năm 2018 giữ ổn định ở mức 6,3%.

Tuy nhiên, IMF khá lạc quan khi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ chương trình cải cách của Chính phủ. Bên cạnh đó, lạm phát sẽ ổn định ở mức 5% và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ giảm khi nhập khẩu tăng mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các rủi ro hiện hữu như: Nợ công cao, nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Hoa Kỳ rút khỏi TPP…

Trong nửa đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 7,76%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 8,4 - 8,7% của cả năm. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 9,04 - 9,64%.

Thu ngân sách đạt hơn 173 nghìn tỷ đồng, bằng 49,84% dự toán, tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2016; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tổng dự nợ tín dụng đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; có 20.479 doanh nghiệp thành lập mới, so với mục tiêu 50.000 doanh nghiệp của cả năm. (Theo Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/7)

Sản xuất nông nghiệp

Sau hơn 5 năm (2010 - 2016), tổng mức đầu tư cho ngành nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, trong đó, vốn trung ương khoảng 20,3 tỷ đồng, ngân sách thành phố khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, hơn 37.000 tỷ đồng còn lại từ nguồn vốn trong dân và vốn của doanh nghiệp; bước đầu đóng góp vào sản xuất nông nghiệp với giá trị tính đến năm 2016 đạt 410 triệu đồng/héc ta, tăng 2,7 lần so với năm 2010.

Đồng thời, thành phố đã đầu tư 8.341 công trình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp khu vực ngoại thành gồm công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. (Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh ngày 06/7)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Quỹ bình ổn (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến cuối giờ chiều ngày 05/7 còn dư 2.576 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với lần công bố mới nhất ngày 20/6.

Như vậy, trong 3 lần điều chỉnh xăng dầu gần đây (từ 05/6 - 05/7), Quỹ bình ổn của Petrolimex đã tăng tổng cộng 196 tỷ đồng.

Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 17h ngày 05/7. Theo đó, xăng RON 92 giảm 435 đồng/lít, xăng E5 giảm 431 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tăng 122 đồng/lít; dầu hỏa tăng 285 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 110 đồng/kg.

Sau khi áp dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 sẽ có mức trần mới 16.069 đồng/lít; xăng E5 15.918 đồng/lít; dầu diesel 0,05S 12.957 đồng/lít; dầu hỏa 11.665 đồng/lít và dầu mazút 3,5S 10.776 đồng/kg.

(Theo Petrolimex ngày 05/7)

PMI

Chỉ số PMI toàn phần của Việt Nam tháng 6/2017 đã tăng lên 52,5 điểm từ 51,6 điểm của tháng 5, nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Điều này cho thấy “sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. (Theo Nikkei ngày 03/7)

Doanh nghiệp

Ngành Công Thương có 12 dự án thua lỗ với tổng mức đầu tư 63.610 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng. Các dự án đầu tư chủ yếu bằng vốn vay, chiếm 75%. Lũy kế đến ngày 31/12/2016, có 12 dự án thua lỗ 16.126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn lại 3.985 tỷ đồng, thậm chí nhiều doanh nghiệp vốn chủ sở hữu âm. (Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ngày 05/7)

Ngày 03/7/2017, Forbes Việt Nam đã công bố danh sách “40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam”. Dẫn đầu là Công ty Vinamilk với trị giá hơn 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 30% trên tổng giá trị 5,4 tỷ USD của 40 thương hiệu.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Vinamilk đứng đầu danh sách này với giá trị thương hiệu tăng 13% so với năm 2016 và lớn gấp đôi giá trị thương hiệu doanh nghiệp xếp kế tiếp. Trong danh sách 40 công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng lớn nhất, xếp sau là nhóm tài chính - ngân hàng và cuối cùng là công nghệ - viễn thông. (Theo TTXVN ngày 04/7)

Tổng cầu


Đầu tư

 

Ngày 03/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua dự kiến tổng mức đầu tư hơn 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Tuyến 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến Nam Thăng Long - Hà Nội và tuyến 5 đoạn Văn Cao - Hoà Lạc.

Kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu về giảm ùn tắc giao thông, khởi công mới trong giai đoạn 2017 - 2020 là 630 tỷ đồng (tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 là 1.000 tỷ đồng).

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu chính phủ - TPCP) là 307.150 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2017, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương 125.625,66 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch, vốn cân đối ngân sách địa phương 177.450 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Số vốn chưa giao là 4.074,34 tỷ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó 3.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Tổng vốn đầu tư TPCP năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch của năm 2017 và 16.458,02 tỷ đồng của năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017.

Qua 6 tháng mới giao được 5.197,3 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chiếm 10,4%; vốn TPCP chuyển nguồn giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%). Như vậy, vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng..

Đáng chú ý, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định ( cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%).

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính ngày 05/7)

Xuất - nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2017 đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, tăng trưởng dệt may chưa bền vững, do ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ và việc FED tăng lãi suất, dẫn tới khả năng các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Dự báo xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến so với đầu năm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2017 đạt 31,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2016. (Theo Bộ Công Thương ngày 05/7)

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Malaysia và Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 3,974 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 1,737 tỷ USD, tăng 57,2% và nhập khẩu của Việt Nam từ Malaysia đạt 2,237 tỷ USD, tăng 11,8%.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam, chiếm thị phần 2,4%, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Dự kiến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Malaysia trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD. (Theo TTXVN ngày 05/7)

Cân đối vĩ mô


Dự trữ ngoại hối

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng cao kỷ lục, đạt xấp xỉ 42 tỷ USD, tăng khoảng 1 tỷ USD so với cuối năm 2016, trong bối cảnh nhập siêu đã quay trở lại, nhưng tỷ giá được giữ ổn định.

Trong đó, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 60%) và châu Âu (khoảng 19%). ((Theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN ngày 03/7 và NHNN chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 06/7)

Lãi suất

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, 9 - 10%/năm với trung - dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.(Theo NHNN ngày 03/7)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm giá, 1 ngày tăng và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 08/7), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,04 - 36,29 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra so với ngày 07/7.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,16 - 36,22 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra so với ngày 07/7.

- Doji: 36,15 - 36,23 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 07/7.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 16 đồng với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 08/7), tỷ giá trung tâm là 22.447 NVD/USD, không đổi so với ngày 07/7, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại biến động nhẹ so với ngày 07/7:

- Vietcombank: 22.710 - 22.790 VND/USD, không thay đổi ở chiều mua vào nhưng giảm 5 đồng ở chiều bán ra.

- BIDV: 22.705 - 22.775 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.720 - 22.790 VND/USD, tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra.

Tín dụng

Tính đến cuối tháng 6/2017, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 32.339 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD), tăng 8,7 lần so với thời điểm trước khi Thủ tướng chỉ đạo về gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng tháng 3/2017; trong đó cho vay phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng; tổng cộng có 4.125 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn, bao gồm 3.956 khách hàng cá nhân và 168 doanh nghiệp. (Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNNngày 04/7)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities) đã chính thức cung cấp tài khoản quản lý tài sản trực tuyến iWealth Pro cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, nhà đầu tư có thể quản lý một danh mục sản phẩm đa dạng, bao gồm hơn 100 cổ phiếu chọn lọc, các trái phiếu doanh nghiệp uy tín, quỹ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản.

Điều này giúp khách hàng có thể linh hoạt và chủ động tích lũy, đầu tư cũng như giao dịch trên cùng một nền tảng trực tuyến an toàn, hiệu quả và giảm thiểu mức chi phí.

(Theo TTXVN ngày 03/7)

Trái phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2017:

- Trên thị trường sơ cấp: Nhà nước đã huy động 140.037 tỷ đồng trái phiếu thông qua đấu thầu 134 đợt, với khối lượng gọi thầu là 176.910 tỷ đồng.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 122.417 tỷ đồng (67,2% kế hoạch năm), Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 6.220 tỷ đồng (67,24% kế hoạch) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động 11.400 tỷ đồng (32% kế hoạch). Đáng chú ý là, tỷ lệ trúng thầu TPCP tại các kỳ hạn từ 15 năm trở lên đang dần chiếm ưu thế và đạt 45,8% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường.

Lãi suất trúng thầu của KBNN có xu hướng giảm trên tất cả các kỳ hạn: 20 năm giảm mạnh nhất 0,71%/năm, 15 năm giảm 0,56%/năm và 30 năm giảm 0,43%/năm so với cuối năm 2016.

- Trên thị trường thứ cấp: Toàn thị trường có 570 mã niêm yết với giá trị đạt hơn 977.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 7.859 tỷ đồng/phiên. Tỷ trọng giá trị giao dịch mua đi bán lại gần ngang bằng giao dịch thông thường, đạt 48,23% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng hơn 10% so với cả năm 2016. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang ngày càng phát triển về chiều sâu.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 06/7)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 03/7 - 07/7/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 6,92 điểm (-0,88%) xuống 775,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt229,27 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.099,77 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 1,03 điểm (-1%) xuống 101,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt51,77triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 592,88 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 57,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt7,21triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 74,44 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.261.950 đơn vị, trị giá 183,22 tỷ đồng so với tuần trước; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 3,77 triệu đơn vị, trị giá 124,81 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng 3,43 triệu cổ phiếu, trị giá 96,53 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng liên tiếp và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày 07/7 với tổng khối lượng mua ròng đạt 7,19 triệu đơn vị, trị giá 199,46 tỷ đồng, giảm 63,12% về lượng và 74,49% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất ngày 04/7, tổng khối lượng bán ròng đạt 5,73 triệu đơn vị, trị giá 43,82 tỷ đồng ( tuần trước mua ròng 603.231 đơn vị, trị giá 9,27 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 801.950 đơn vị, trị giá 27,58 tỷ đồng, giảm 27% về lượng và 53,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Trong quý II/2017:

- Thị trường bất động sản thành phố Hà Nội có 8.086 căn hộ được chào bán ra thị trường từ 27 dự án, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giảm 14% so với quý I, trong đó đã bán được 4.650 căn, giảm 24% so với quý I.

- Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh có 9.580 căn chào bán từ 31 dự án, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tăng 80% so với quý I, trong đó đã bán được là 9.522 căn, tăng 40% so với quý I và tăng 59% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Công ty bất động sản CBRE ngày 03/7)

Đàm phán - Ký kết

VietinBank và 8 định chế tài chính quốc tế

VietinBank vừa ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD với 8 định chế tài chính nước ngoài nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng như góp phần đáng kể vào hoạt động kinh doanh của VietinBank.

8 định chế tài chính tham gia ký kết gồm: Deutsche Bank AG - chi nhánh Singapore; Commerzbank AG - chi nhánh Luxembourg; Erste Group Bank AG; E. SUN Commercial Bank, Ltd.; CTBC Bank Co.Ltd Singapore; First Commercial Bank - chi nhánh ngân hàng nước ngoài; State Bank of India - chi nhánh Singapore; Taishin International Bank.

(Theo TTXVN ngày 03/7)

Việt Nam và IF

Việt Nam vừa chính thức tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (IF). Đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thuế quốc tế, khẳng định vị thế tích cực của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là Chủ tịch hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Gia nhập IF sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các tiêu chuẩn đồng thời nhận được thêm những hỗ trợ theo nền tảng hợp tác về thuế giữa IMF, Liên Hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới. (Theo Tổng cục Thuế ngày 06/7)

Chính sách

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Ngày 03/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 4 triệu tấn.

Tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu. Các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%.

Tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).

Nhận định

chuyên gia

Ngân hàng Thụy Sỹ UBS (04/7):

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt 6,5%, ghi nhận năm thứ 4 liên tiếp vượt mốc 6%. Năm 2018, GDP Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hằng năm ở mức 2 chữ số và tiếp tục đẩy mạnh chào bán sơ cấp và thứ cấp, thì mức vốn hóa của VNI có thể tăng gấp đôi trong 5 năm.