Kinh tế thế giới 2018: Sức ép căng thẳng thương mại
Những xáo trộn lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu, những biến động trên các thị trường trong năm 2018 ít nhiều đều bắt nguồn từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và dẫn đến những phản ứng không kém phần quyết liệt sau đó của các nước, nhất là Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế dường như mất đi một phần lực đẩy, nếu không rơi vào tình trạng giảm sút hay giảm tốc với triển vọng tăng trưởng của năm 2018 cũng như các tháng tới cũng vì thế bị hạ xuống.
Căng thẳng thương mại leo thang
Năm 2018 là năm mọi sự chú ý đổ dồn vào Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Sau một thời gian đe dọa, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tháng 3/2018, ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Thuế nhôm và thép mới chỉ là khúc dạo đầu. Từ tháng 5-6/2018, Mỹ đưa thêm hàng “sản xuất tại Trung Quốc” bán sang thị trường Mỹ vào tầm ngắm: tăng thuế nhập khẩu 10%, rồi 25% đối với 50 tỷ USD, rồi 100 tỷ USD và thậm chí là 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Nước này không khai chiến, nhưng cũng “ăn miếng, trả miếng”. Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng nghìn mặt hàng của bên kia sẽ bị áp thuế trừng phạt.
Ngoài thiệt hại đối với hai nền kinh tế lớn nhất, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vòng xoáy căng thẳng thương mại toàn cầu. Bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính sách chủ chốt ở các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Xu hướng tự do hóa thương mại đã bắt đầu chậm lại.
Không chỉ châu Á, châu Âu nói riêng mà thế giới nói chung đều "mệt mỏi" vì những động thái của Mỹ và Trung Quốc, mà ngay cả hai "gã khổng lồ" kinh tế này cũng bị áp lực vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ ai này. Đó cũng là lý do khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc, sau những cân nhắc và nhượng bộ lẫn nhau, đi đến quyết định tạm "đình chiến" về thương mại trong vòng 90 ngày. Dù vậy, viễn cảnh chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn rất xa vời, bởi thương mại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong mâu thuẫn Mỹ - Trung.
Hội đồng Phân tích Kinh tế - một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Phủ tổng thống Pháp - đưa ra kịch bản đen tối nhất là Mỹ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách quyết liệt. Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn diện và sâu rộng, cả ba trụ cột kinh tế của thế giới là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề, mỗi bên mất khoảng 3-4% GDP/năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria nêu bật một số thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gây ra. Căng thẳng thương mại đã kéo đà tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2018 và ông Gurria cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế bổ sung lên mức 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đã đe dọa, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống gần 3% vào năm 2020.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong báo cáo mới nhất về vấn đề rào cản thương mại đã cảnh báo tình trạng căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến tác động tiêu cực trực tiếp lên hoạt động thương mại và xa hơn nữa. Theo WTO, những rủi ro kinh tế và tài chính ngày càng tăng có thể làm suy yếu nền tảng thương mại và hoạt động sản xuất. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể đối mặt với tình trạng thoái vốn cũng như suy thoái tài chính lây lan khi các nước phát triển tăng lãi suất.
Những gam màu trầm
Trong năm 2018, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt và thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,2% trong quý II/2018 so với cùng kỳ năm trước đó, mức cao nhất kể từ quý III/2014 và các nhà kinh tế của S&P Global Ratings cho rằng động lực tăng trưởng có thể đã đạt đỉnh trong quý này. Đó là một trong những cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất bốn lần trong cả năm 2018, lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, số liệu mới cho thấy chính sách thương mại của ông Trump và động thái trả đũa của Trung Quốc đang gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ và khiến các nhà đầu tư lo ngại. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế quý III/2018 của nước này giảm nhẹ so với báo cáo trước, ở mức 3,4%, khi xuất khẩu giảm sút và chi tiêu tiêu dùng cùng với đầu tư doanh nghiệp đang kìm hãm đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018, trong khi lạm phát lại giảm. Với hàng trăm tỷ USD hàng hóa chịu thuế trả đũa, xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm.
Trong khi đó, các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng chậm lại, khi mà nhiều năm nỗ lực giải quyết các nguy cơ về nợ đang bắt đầu gây sức ép lên đà tăng trưởng và cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng đang đe dọa hoạt động xuất khẩu.
Kinh tế Trung Quốc trong quý II/2018 tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, giảm nhẹ so với quý trước đó, dưới tác động của chính sách hạn chế những rủi ro nợ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ có nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Trong quý III/2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng thấp hơn dự báo và chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng này sẽ đi xuống trong quý IV/2018.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc ứng phó tốt một cách đáng ngạc nhiên trong năm 2018, do các doanh nghiệp tăng cường mua bán hàng để tránh lệnh áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng đã chững lại trong những tháng cuối năm 2018, làm gia tăng đáng kể nguy cơ xuất khẩu sẽ giảm mạnh nếu lệnh áp thuế của Mỹ có hiệu lực vào tháng 1/2019.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong quý III/2018 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn bốn năm (giảm 2,5%) do đầu tư vào tư liệu sản xuất đi xuống, qua đó gia tăng những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Sự suy giảm này diễn ra sau khi kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,8% (số liệu đã điều chỉnh) trong quý II trước đó, đồng thời ghi dấu mức sụt giảm mạnh nhất kể từ quý II/2014 khi nền kinh tế của “đất nước Mặt Trời mọc” bị ảnh hưởng bởi một đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng Tư năm đó.
Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ hồi phục trong quý IV/2018, nhưng những diễn biến trong căng thẳng thương mại do Mỹ khởi xướng vẫn là một yếu tố rủi ro đối với kinh tế Nhật Bản, trong khi tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu đang “hạ nhiệt” và lợi nhuận các công ty tại nước này vẫn tăng khá chậm.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng chậm lại còn 2% trong tháng 11/2018, làm gia tăng quan ngại về tình hình hoạt động kinh tế của khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone trong tháng 10/2018 vẫn ổn định ở mức 8,1% trong tháng thứ tư liên tiếp, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 (7,5%).
Hạ dự báo tăng trưởng 2019
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao 3,7% trong năm 2019, nhưng hai nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt. IMF cảnh báo sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, bởi thương mại là động lực chính của tăng trưởng.
Trong khi đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, trong đó nguyên nhân được viện dẫn là do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD cho hay nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9/2018. OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 ở mức 3,7%, song dự kiến trong năm 2020 sẽ giảm nhẹ xuống 3,5%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á đã giữ nguyên ước tính tăng trưởng kinh tế của châu Á ở mức 6% năm 2018 và 5,8% năm 2019 (như dự báo đưa ra hồi tháng 9/2018). Bên cạnh đó, ADB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,6% năm 2018 và 6,3% năm 2019 và Ấn Độ ở mức tương ứng 7,3% và 7,6% trong hai năm nêu trên.