Kinh tế thế giới liệu có tăng trưởng mãi mãi?
Kinh tế của các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức… liệu có tiếp tục tăng trưởng mãi mãi? Câu hỏi này được các nhà kinh tế học đặt ra cho chu kỳ 200 năm gần đây.
Thứ nhất, về mặt lý thuyết, chừng nào loài người còn tồn tại thì kinh tế thế giới sẽ còn tăng trưởng.
Thứ hai, để chứng minh cho luận điểm này, Solow đã nghĩ ra thuật toán mà nhờ đó ông rút ra được mô hình trong đó có 3 nhân tố thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển là sức lao động, tư bản (vốn) và nhất là nhân tố tiến bộ về khoa học kỹ thuật.
Ba nhân tố nêu trên, theo Solow, nếu tuân thủ các điều kiện nhất định thì sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của nhân loại tăng trưởng vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế trong vòng 70 năm qua, chuyên gia kinh tế của trường Đại học Northwestern University (Mỹ) Robert Gordon lại muốn phản bác lại học thuyết của Solow. Theo Gordon, kinh tế thế giới phát triển bùng nổ trong vòng 250 năm qua là có tính cá biệt và hàng ngàn năm nữa khó có thể có cơ hội để lặp lại.
Cơ sở cho lập luận này dựa trên nghiên cứu quá trình phát triển của nền kinh tế Anh từ năm 1300 (trong đó bao gồm cả giai đoạn kinh tế Hoa Kỳ thành đầu tàu của nền kinh tế thế giới vào đầu thế kỷ 20) cho đến năm 2007, trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra.
Cho đến trước năm 1750 kinh tế thế giới hầu như dẫm chân tại chỗ. Kinh tế Anh (đầu tàu của kinh tế thế giới thời kỳ đó) suốt từ năm 1300 đến 1750 chỉ tăng trưởng khoảng 0,20%/năm và mãi sau 1750 mới bắt đầu xuất hiện sự bùng nổ.
Hiện nay sự tăng trưởng bắt đầu chậm lại và dường như nhân tố thứ 3, đó là sự bùng nổ của tiến bộ về khoa học kỹ thuật (kết thúc vào năm 2004) cũng không còn tác dụng trợ giúp gì mạnh mẽ như nhận định của Solow nữa.
Gordon khẳng định, trong vòng 100 năm tới kinh tế Mỹ sẽ quay lại chu kỳ trước đó - tăng trưởng 0,2%/năm. Mỹ vẫn là đầu tàu của kinh tế thế giới. Tuy nhiên sự tăng trưởng sẽ rất yếu ớt.
Trước năm 1750 gần như không tăng trưởng
Ba cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật (scientific technological revolution- STR) khiến kinh tế thế giới trong vòng 250 năm trở lại đây tăng trưởng mạnh mẽ.
Cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ nhất (từ 1750- 1830) được đánh dấu bằng việc xuất hiện của đầu máy hơi nước và những tuyến đường sắt đầu tiên. Phải cần tới khoảng 150 năm để cuộc cách mạng này tạo ra cú hích cho sự phát triển kinh tế của Anh - Mỹ. Đến những năm 30 của thế kỷ 19 sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật này giảm dần nhưng vẫn còn có đem đến những tác động tích cực tới đầu thế kỷ 20.
Ở cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ hai (1870- 1900), một loạt những phát minh làm thay đổi căn bản đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân loại như điện, động cơ đốt trong (2 phát minh này ra đời đều trong năm 1879 và chỉ cách nhau có 3 tháng). Sau đó là các phát minh có tính kế thừa như điện thoại, máy quay đĩa, phim ảnh. Và kết quả mà cuộc cách mạng này đem lại còn là đường ống dẫn nước trong nhà, thang máy, đồ điện gia dụng, ô tô, máy bay, đường cao tốc, siêu thị.
Nhờ vào các thành quả này, đến năm 1929 bộ mặt các đô thị ở Mỹ đã thay đổi một cách căn bản và bền vững. Các phát minh trong cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ 2 vẫn còn tiếp diễn đến những năm 70 của thế kỷ 20 bằng việc ra đời của TV, máy điều hòa nhiệt độ... Có nghĩa là hiệu quả của cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ 2 cũng đem lại cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới được khoảng 100 năm.
Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thứ 3 kéo dài từ 1960 đến nay. Vào đầu những năm 1960, những chiếc máy tính (computer) đầu tiên xuất hiện. Năm 1961 General Motors cho ra đời những robot công nghiệp. Trước đó, trong những năm 1950 xuất hiện các thẻ tín dụng (credit cards). Trong những năm 1980 máy tính tiền (cash registers) và các máy tính cá nhân (personal computers) cũng ra đời. Năm 1995 là năm đánh dấu bước đột phá toàn cầu do cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ ba mang lại khi Internet đã trở nên phổ cập đối với loài người. Những cuốn catalogs thông tin dày cộp đã được số hóa, các trang mạng của các tập đoàn xuất hiện, còn các công ty kinh doanh mạng đã cho ra đời một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Tuy nhiên những đột phá do cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật thứ 3 mang lại hoàn toàn không giống 2 cuộc cách mạng trước đó. Nó không trực tiếp tạo sự tăng năng suất lao động theo kiểu truyền thống như trước. Sau cuộc cách mạng thứ 2 kết thúc kinh tế thế giới tăng trưởng ì ạch trong một thời gian khá dài. Và chỉ bắt đầu khởi sắc vào năm 1996 khi Internet xuất hiện. Nhưng từ 2004 sự tăng trưởng bắt đầu bị chậm lại, trong giai đoạn 2010-2012 chỉ ở mức 0,5%/năm- trên thực tế có thể coi là dẫm chân tại chỗ.
Ipod, smartphones đã làm thay đổi căn bản đời sống của nhân loại, tuy nhiên cũng chỉ có ý nghĩa giúp thư giãn là chính chứ không có ý nghĩa thúc đẩy gì nhiều trong làm việc.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ và các nước phát triển có thể sẽ chỉ ở mức 0,2%/năm
Các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trong tương lai có thể sẽ không có nữa. Tất cả những phát minh to lớn hầu như đều đã được ra đời. Khó có thể làm cho người ở nông thôn đã ra thành phố lại trở thành thị dân một lần nữa. Khó có thể cứ tăng tốc độ của xe lửa lên mãi mãi và điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ không khí trong phòng thì cơ bản đã khá hoàn hảo. Mọi phát minh nhằm nâng cao năng suất lao động dường như đều đã được nghĩ ra và vận dụng vào cuộc sống- Gordon nhận định.
Sau 1950 các chu kỳ tăng trưởng càng trở nên ngắn hơn và xen kẽ vào đó cũng xuất hiện thường xuyên hơn các chu kỳ suy thoái kinh tế.
Những năm cuối của thập kỷ đầu tiên (thế kỷ 21- từ 2207-2009) sự tăng trưởng gần như không có. Quy mô GDP kinh tế Mỹ hiện nay ít hơn 8% so với dự đoán của các kinh tế gia 5 năm trước đây.
Theo đánh giá của Gordon, trong giai đoạn 2007-2027, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm dần lại và đến cuối thế kỷ này (2100) sẽ quay lại mức tăng 0,2%/năm của thời kỳ năm 1300.
Đến cuối những năm 2100 thu nhập tính theo đầu người ở Mỹ sẽ khoảng 87000 USD/năm- trước đây để đạt được mức này chỉ cần khoảng 20 năm nhưng nay thì phải cần cả thế kỷ!
Nguyên nhân tăng trưởng chậm lại
Gordon dẫn ra 5 nguyên nhân làm chậm lại sự tăng trưởng của kinh tế của các nước phát triển, cũng từ những lý do này mà kinh tế Mỹ hiện nay chỉ tăng trưởng không quá 1,6%/năm.
Thứ nhất là sự bất hợp lý trong phân bổ nhân lực. Trong những năm 1965- 1990 nhân lực là nữ giới tham gia vào thị trường sức lao động ngày càng phổ biến do đó góp phần tăng năng suất lao động một cách đáng kể. Sự bổ sung này đang giảm dần trong khi đó lực lượng hưởng lương hưu ngày càng nhiều. Ngày và giờ làm việc cũng giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng của kinh tế.
Thứ hai, tăng trưởng về học vấn, tại Mỹ và các nước phát triển trong 20 năm qua gần như không có tăng trưởng.
Thứ ba, tình trạng bất bình đẳng trong phân bổ thu nhập của dân chúng: từ năm 1993-2008 mức tăng trưởng thu nhập bình quân tính theo đầu người ở Mỹ là 1,3%. Tuy nhiên 99% dân số (không kể 1% người giàu) tăng trưởng thu nhập chỉ ở mức 0,75%, trong khi đó 52% tăng trưởng thu nhập lại do 1% người giàu được hưởng. Ở các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ… tình trạng còn trầm trọng hơn rất nhiều.
Thứ tư, quá trình số hóa và toàn cầu hóa đã làm dịch chuyển việc sản xuất và dịch vụ từ Mỹ và các nước phát triển sang các nước khác. Điều này cũng làm giảm thu nhập và làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế của các nước này.
Thứ năm, vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhân loại hiện nay là bảo vệ môi trường. Chi phí cho việc này ngày càng tăng so với trước đó. Trong những năm 1990, vấn đề này còn chưa phải là đề tài nóng bỏng thì nay Chính phủ của các nước càng phải tính đến việc thu phí và các loại thuế cho công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay do giá nhiên liệu (xăng dầu, điện…) tăng và chi phí cho môi trường cũng làm giảm sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất khoảng 0,5%/năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế không đồng tình với những luận điểm của Gordon. Ví dụ Noi Smit (trường Đại học Tổng hợp Michigan) đồng ý với ý kiến của Gordon về 3 cuộc cách mạng, nhưng theo ông khó có thể đoán trước được sẽ còn có 1 cuộc cách mạng tương tự nào như 3 cuộc cách mạng đã diễn ra trong hơn 200 năm qua.