Kinh tế thị trường phải bảo đảm quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Hội thảo Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam, do Viện Quản lý kinh tế Trung ương tổí chức, nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm cải cách thể chế kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Kinh tế thị trường phải bảo đảm quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Từ sau khủng hoảng tài chính, tăng trưởng nước ta (GDP và năng suất) chậm lại. Tình trạng này có nguyên nhân do nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh; các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như khu vực doanh nghiệp tư nhân thiếu sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh doanh. Ngoài ra, nhờ các đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường do có quan hệ với giới chức quyền lực nên một số nhóm lợi ích, doanh nghiệp, cá nhân cũng giàu lên nhanh chóng. Thực trạng này là rào cản đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, với sự cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp 38% GDP và có ý nghĩa xã hội lớn (tạo việc làm và thu nhập cho người dân). Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Raymond Mallon cho rằng, Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh phù hợp để đẩy nhanh quá trình chuyển sang kinh tế thị trường cạnh tranh, từ đó, góp phần tăng sức thu hút với các nhà đầu tư.

Xây dựng thể chế cho nền kinh tế thị trường cạnh tranh cũng đang là đòi hỏi cấp thiết do nước ta vừa kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Đây là những hiệp định thương mại tự do kiểu mới, có phạm vi bao phủ rộng, từ thương mại hàng hóa (cam kết cắt giảm thuế quan); thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về viễn thông, tài chính...), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại; hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử, cạnh tranh; đến thể chế và pháp lý, hợp tác kinh tế. Khi các hiệp định thương mại tư do khu vực được ký kết, nước ta sẽ có thêm cơ hội mới để nhanh chóng bắt kịp các quốc gia trong khu vực. Những yêu cầu này đòi hỏi nước ta phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành để có thể bắt kịp các đối tác quốc tế. 

Do việc thay đổi chuẩn mực xã hội thường có nhiều thách thức, khó khăn hơn thay đổi luật, ông Raymond Mallon cho rằng, Việt Nam cần tập trung xây dựng thể chế kinh tế theo hai khía cạnh: bảo đảm quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, cần lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để có thể bảo vệ quyền được sở hữu của công dân đã được hiến định. Các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để bảo đảm thị trường bất động sản được minh bạch, hiệu quả; thực hiện Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), các quy định về tịch thu, phá sản... để tạo thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt, hướng tới thực hiện thông lệ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên thế giới gồm: xây dựng quy định rõ ràng, trong đó phân định rõ vai trò của Nhà nước; thiết lập cơ chế kiểm soát bảo đảm chất lượng của quy định pháp luật; có khả năng bảo đảm năng lực giám sát tuân thủ và thực thi quy định...

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các chuyên gia cũng cho rằng, việc thiết lập cơ chế tạo điều kiện chia sẻ ý tưởng và áp lực cải cách giữa các cơ quan, tổ chức có vai trò quan trọng. Cần có cơ chế bảo đảm thông tin cho các cơ quan trung ương hoặc các nhà lãnh đạo điều phối các chương trình cải cách cấp quốc gia về kết quả thực tế cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt. Thực hiện tốt được những điều này sẽ mang lại nhiều kết quả, khởi sắc mới cho nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.