Kinh tế tiếp tục cải cách để bứt phá

Ngô Thị Chinh Đức, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR

(Tài chính) Việt Nam vừa tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF, nhưng nền kinh tế vẫn cần thêm nhiều động lực để bứt phá.

Trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực cải cách nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, một tin vui đã đến như một sự công nhận cho nỗ lực này. Đó là sự kiện Việt Nam tăng 2 hạng so với năm ngoái, lên vị trí thứ 68 trong số 144 quốc gia về năng lực cạnh tranh, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
         Xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của các nền kinh tế ASEAN

Kinh tế tiếp tục cải cách để bứt phá  - Ảnh 1

Lên hạng là tin vui, nhưng niềm vui này lại chưa trọn vẹn khi báo cáo WEF cũng đồng thời chỉ ra những hạn chế mà Việt Nam cần phải khắc phục. Cụ thể, báo cáo WEF xác định năng lực cạnh tranh của từng nền kinh tế theo 12 trụ cột trên 3 nền tảng chính gồm điều kiện cơ bản, tăng cường hiệu quả và sáng tạo và tinh vi. Trọng số cho 3 nền tảng được chọn theo tầm quan trọng của chúng trong giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, Việt Nam đang ở giai đoạn mở rộng thì trọng số tương ứng là 60%, 35% và 5%. Như vậy, cải thiện năng lực cạnh tranh, theo quan điểm của WEF, hàm ý Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ các điều kiện cơ bản, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng các nhân tố (như vốn, lao động).

Tiến bộ đáng kể nhất của Việt Nam trong năm 2013 thuộc về điều kiện cơ bản gồm môi trường kinh tế vĩ mô và thể chế. Dù vậy, nhóm điều kiện cơ bản tiếp tục nằm ở nửa sau của bảng xếp hạng do chưa có nhiều đột phá. Trong khi đó, xét ở nhóm chỉ tiêu tăng cường hiệu quả, Việt Nam được đánh giá cao về thị trường lao động và quy mô thị trường, nhưng bị đánh giá thấp về giáo dục và đào tạo, thị trường hàng hóa, thị trường tài chính và công nghệ.

Một vấn đề khác là Việt Nam đang nằm trong khu vực có những cải cách mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh nói chung, nhưng sức cạnh tranh của Việt Nam lại thấp nhất và có tốc độ cải thiện chậm nhất. Trong số 5 nền kinh tế đang phát triển ở ASEAN, Việt Nam cách rất xa so với 4 nước Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Những quốc gia này đạt được bước tiến lớn khi đã ở vị trí rất cao, có nghĩa là các bước tiến của họ dứt khoát và mạnh mẽ hơn Việt Nam. Philippines, chẳng hạn, đã tăng 7 bậc trong năm 2013 và tăng 33 bậc trong 4 năm trở lại đây. Cũng trong năm ngoái, Indonesia đã tăng 4 bậc, Thái Lan tăng 6 bậc và Malaysia tăng 4 bậc.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sau đó có thể là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). AEC là một thị trường thống nhất và vì thế được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài hơn nhờ sự sẵn có của một khối nguồn lực toàn diện hơn.

Tuy nhiên, cơ hội cho mỗi nước có thể không giống nhau do có nền tảng khác nhau. Trong nhóm 5 nước ASEAN nói trên, Việt Nam đang ở vị thế yếu nhất. Nếu không thể cạnh tranh về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh, Việt Nam sẽ nổi lên là thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Nhân công giá rẻ có thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng sẽ luôn là các dự án thâm dụng lao động năng suất thấp và tạo ra giá trị gia tăng thấp. Lợi thế về tiền lương đang xói mòn với tình trạng năng suất thấp của lao động trong nước và xu hướng tiền lương tăng nhanh hơn năng suất thực.

                    Năng suất lao động của một số nước ASEAN 1991-2013
Kinh tế tiếp tục cải cách để bứt phá  - Ảnh 2

Với một nền kinh tế có nguy cơ chỉ dựa vào hoạt động năng suất thấp và lao động giá rẻ, càng phải nhanh chóng đẩy mạnh cải cách về các điều kiện cơ bản nhằm lấy lại sức cạnh tranh về đầu tư và kinh doanh.

Những cải cách sắp tới, theo quan điểm của người viết, cần dứt khoát và hướng tới các mục tiêu có thể giám sát được. Một ví dụ là quy định mới của Bộ Tài chính nhằm giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục và giảm 200 giờ nộp thuế. Các cải cách tiếp theo cần được tiến hành chủ động hơn mà không phải chờ tới khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Các chỉ tiêu được chọn lọc trong các bộ dữ liệu điều tra của WEF hay Ngân hàng Thế giới, Quỹ Di sản... có thể là thông tin đầu vào định hướng cho cải cách. Cải tổ một cách thực dụng sẽ giúp doanh nghiệp chuyển hóa các lợi thế đang có thành tăng trưởng thật nhờ vào động lực mới.

Nhìn lại sức khỏe của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm có thể thấy những dấu hiệu mệt mỏi vẫn chưa xóa hết khi sản xuất phục hồi mong manh và chưa dựa trên nền tảng vững chắc. Dù môi trường vĩ mô ổn định và có nhiều dấu hiệu tích cực về lạm phát, tỉ giá và lãi suất, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để hâm nóng tiêu dùng. Người tiêu dùng cần có thêm thời gian để nới lỏng chi tiêu, do vậy duy trì ổn định vĩ mô là rất quan trọng. Nỗ lực kích cầu sẽ xuất phát từ phía các nhà sản xuất và bán lẻ, nên việc khai thông các kênh phân phối sẽ góp thêm lực đẩy cho tiêu dùng.

Điều kiện vĩ mô ổn định cũng tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu và tái sinh doanh nghiệp. Nợ xấu dần lộ diện rõ ràng hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn và do đó động cơ giảm lãi suất cho vay cũng không còn. Nếu lãi suất không giảm thêm thì sẽ khó tạo lực đẩy cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp.

Hiện tại, tốc độ tự phục hồi của doanh nghiệp đang diễn ra chậm chạp và có thể kéo dài thêm nhiều năm. Điều đó có nghĩa là nợ xấu có thể còn dai dẳng. Nếu vay mượn không phải là lựa chọn ưa thích, còn có một giải pháp khác là kêu gọi đối tác nước ngoài mua lại nợ xấu. Thế nhưng, phương án này lại đòi hỏi những thay đổi mang tính đột phá về thể chế, trong đó quan trọng nhất là các quyền sở hữu liên quan đến đất đai.

Một lần nữa, thể chế đang là rào cản mấu chốt mà sự cải cách cấp tiến sẽ mở ra không gian rộng rãi hơn cho chính sách. Nhà không thể xây cao nếu nền tảng và trụ cột không vững. Tương tự, một nền kinh tế dựa trên nền tảng không vững chắc về sở hữu và tự do kinh doanh sẽ thấy hội nhập và cạnh tranh như một cơn bão làm rung lắc, chứ không phải là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.