Kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực

Minh Hà

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa diễn ra, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%).

Lãnh đạo các địa phương tham dự trực tuyến Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo các địa phương tham dự trực tuyến Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới… 

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất  tiền gửi và cho vay mới bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán năm, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất 152,5 nghìn tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ đạt dự toán thu.

Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất khẩu tháng 9 tăng 4,6%, nhập khẩu tăng 2,6% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ là 6,9 tỷ USD).

An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động (lực lượng lao động tăng 760.000 người so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi, phát triển ổn định, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% (quý II tăng 0,95%, quý I giảm 0,75%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7%; Vốn FDI thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài các con số “biết nói” trên, công tác cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được đẩy mạnh; tích cực triển khai Đề án 06. Nhờ đó, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hoá 2.189 quy định kinh doanh; 68,8% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06…

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Đặc biệt, về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia tăng 01 bậc, xếp thứ 32/100 với trị giá 431 tỷ USD, có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%)…

Nhìn chung, những kết quả tích cực trên tạo dư địa tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp.
Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, các bộ, ngành địa phương cần tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Đồng thời, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy nhanh đàm phán đã ký kết; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển...

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vốn vào trong nước…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.