Triển vọng kinh tế vĩ mô cuối năm: Những dấu hiệu tích cực âm thầm xuất hiện
Sau mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn 3,7% trong nửa đầu năm 2023, những dấu hiệu tích cực đang âm thầm xuất hiện. Nhờ du lịch quốc tế vẫn đang hồi phục, ngành dịch vụ trong nước tiếp tục bù đắp cho những khó khăn thương mại.
Nhận định trên được Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu HSBC đưa ra trong báo cáo “Dữ liệu Việt Nam tháng 7 - Sự ổn định quý giá” vừa công bố.
Theo các chuyên gia của HSBC, bất ngờ lớn nhất xuất hiện ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài. Trong tháng 7, xuất khẩu giảm 3,5% so với cùng kỳ, một phần là do hiệu ứng cơ sở.
Nhập khẩu cũng giảm 9,9% so với cùng kỳ, với mức giảm ít hơn so với trước đây. Kết quả này dẫn đến thặng dư thương mại lớn ở mức 2,2 tỷ USD.
Tâm lý e dè đối với triển vọng thương mại vẫn tiếp diễn trong tháng 7, với chỉ số PMI sản xuất vẫn nằm trong vùng thu hẹp ở mức 48,7. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số PMI của Việt Nam ở dưới ngưỡng 50. Tuy nhiên, các chỉ số tần số cao đang bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu ổn định.
“Mặc dù còn sớm để nói, nhưng các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn - đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Đánh giá về triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), báo cáo viết: “Bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, triển vọng FDI của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên”.
Cụ thể, vốn FDI mới đạt 3% GDP trong quý II/2023, ngang bằng với năm 2022. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với mức đỉnh hơn 7% trong năm 2017 nhưng các điều kiện thắt chặt tiền tệ toàn cầu trong những năm gần đây phần nào lý giải cho sự giảm tốc này.
Dẫu vậy, khi so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn là nước nhận FDI lớn thứ 2 trong ASEAN tính theo phần trăm GDP, chỉ sau Malaysia.
Các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, bao gồm Infineon, LG, Foxconn, tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Tất cả những yếu tố này mang lại hy vọng rằng lĩnh vực giao thương của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi chu kỳ thương mại khởi sắc.
Ngoài thương mại, các dịch vụ trong nước của Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ kinh tế. Phần lớn là nhờ sự gia tăng khách du lịch quốc tế, khi du khách từ Trung Quốc đại lục tiếp tục đều đặn đến Việt Nam, lượng du khách đạt khoảng 45% so với năm 2019.
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Việt Nam một lần nữa đón hơn một triệu lượt khách trong một tháng, trong đó, tốc độ du khách Trung Quốc quay lại Việt Nam là cao nhất, vượt xa Thái Lan - vốn là thị trường ASEAN truyền thống đối với du lịch nước ngoài của Trung Quốc. Điều này có lẽ nhờ vào việc phục hồi ổn định các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện ở mức 53% so với năm 2019, chỉ sau Singapore (75%) và Malaysia (57%).
Ngoài ra, với thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng thị thực dự kiến được triển khai từ giữa tháng 8, triển vọng du lịch Việt Nam tiếp tục khả quan.
Mặt khác, lạm phát tiếp tục mang lại nhiều tin tốt. Trong tháng 7, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5%.
Mặc dù các dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy lạm phát có thể sẽ giảm tốc so với lạm phát toàn phần, động lực lạm phát đã trở nên ít đáng ngại hơn, điều này đảm bảo sẽ có thêm hỗ trợ tiền tệ.
Với diễn biến lạm phát, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu “điều kiện thị trường cho phép”. Dù vậy, các chuyên gia HSBC cũng lưu ý vẫn nên thận trọng với những rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là do hiện tượng El Niño đang ngày càng nhiều hơn.
“Nhìn chung, dù cho tình hình vẫn chưa khởi sắc hoàn toàn nhưng thật tích cực khi thấy Việt Nam đã khởi động nửa cuối năm 2023 với nhiều dấu hiệu cải thiện trong hoạt động kinh tế”, các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh trong báo cáo.