Kinh tế toàn cầu: Diễn biến ra sao với giá dầu 50 USD?
(Tài chính) Giá dầu thấp dưới 60 USD/thùng cũng sẽ khiến cho áp lực lạm phát của kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm xuống ở mức thấp “chưa từng thấy” kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009. Về tác động đối với tăng trưởng, nếu giá dầu được duy trì dưới mức 60 USD/thùng trong một thời gian dài sẽ đóng góp thêm 0,5% tăng trưởng GDP toàn cầu.
Được - Mất
Giá dầu liên tục sụt giảm được nhìn nhận mang lại tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xét đến từng nền kinh tế hay những lĩnh vực cụ thể, khó khăn và thách thức từ hệ quả của giá dầu giảm đang ngày càng lớn hơn so với nhiều năm trở lại đây.
Cửa hàng kem Coromoto ở thị trấn cao nguyên Merida (Venezuela) vốn nổi tiếng với gần 900 hương vị kem của mình đã phải đóng cửa trong mùa kinh doanh bận rộn nhất trong năm (từ tháng 11/2014 vừa qua) vì thiếu nguyên liệu sữa trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này lên tới trên 60%. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy sự khó khăn trong kinh doanh và đời sống của người dân Venezuela hiện nay.
Trong khi được hưởng giá nhiên liệu vô cùng rẻ mạt, thì các nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống, đặc biệt là lương thực, thực phẩm dường như là những thứ quá xa xỉ với người dân Venezuela lúc này. Thực tiễn này vẽ lên một bức tranh quá tối màu của những quốc gia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ như Venezuela khi giá dầu thô sụt giảm và hiện chỉ còn quanh ngưỡng 50 USD/thùng.
Nhưng đồng thời với đó, người ta lại thấy một quang cảnh gần như trái ngược ở những nền kinh tế thiên về tiêu dùng như Mỹ. Tại quốc gia này, doanh số bán xe tải – phương tiện tiêu tốn nhiều xăng dầu - của các hãng xe trong tháng 12/2014 đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2005 theo số liệu của Automotive Group Ward.
Đấy là chưa kể đến những hộ gia đình và cá nhân sở hữu vô số xe hơi. Họ sẽ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng rong ruổi vi vu trên đường nhiều hơn khi chi phí cho xăng dầu thực sự không còn là vấn đề phải cân nhắc, tính toán như những thời điểm giá dầu cao trước đây.
Sự sụt giảm liên tục và quá mạnh của giá dầu mỏ dường như cũng đang gián tiếp giúp chuyển quyền lực và sự giàu có của các “đế chế dầu mỏ” – những nước cung cấp dầu mỏ lớn – sang các quốc gia công nghiệp phát triển luôn có nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ khổng lồ. Vì vậy, giáo sư kinh tế Đại học Harvard - ông Kenneth Rogoff cho rằng: "Giá dầu sẽ là câu chuyện lớn trong năm 2015. Đây có thể coi là một cú sốc thế hệ (ý nói hiếm khi xảy ra) và sẽ để lại những dư âm lớn”.
Theo Rob Haworth - chiến lược gia đầu tư cao cấp thuộc US Bank Wealth Management có trụ sở tại Seattle, với việc giá dầu thô hiện quanh ngưỡng 50 USD/thùng và xét trong bối cảnh Mỹ đang sẵn sàng tăng nguồn cung dầu từ đá phiến sét; nhu cầu dầu mỏ ở châu Á và châu Âu yếu đi; đồng USD tiếp tục mạnh lên thì người ta hoàn toàn có thể bắt đầu tính đến khả năng giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm tiếp xuống quanh ngưỡng 40 USD/thùng.
Thêm một năm không lo áp lực lạm phát
Và bắt đầu có những nhận định cho rằng, nếu giá dầu giảm về ngưỡng 40 USD/thùng thì người ta sẽ lại kỳ vọng nó có thể tiếp tục xuống mức 30 USD/thùng. Walter Zimmerman, Giám đốc chiến lược của Công ty United-ICAP – chuyên gia đã từng dự báo chính xác về giá dầu giảm mạnh trong năm 2014 cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đáy của giá dầu sẽ xuống đến đâu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc và kỳ vọng, hơn là các nguyên tắc cơ bản của cung – cầu thực sự.
Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 12/2014 của Oxford Economics về tác động của giá dầu đến 45 nền kinh tế được tổ chức này lựa chọn, nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giá dầu giảm là Philippines với tăng trưởng GDP có thể đạt mức trung bình 7,6% trong hai năm tới nếu giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng. Trong khi đó, Saudi Arabia, Nga, Tiểu vương quốc Arập thống nhất… sẽ là những nước chịu những tác động tiêu cực lớn nhất của giá dầu thấp.
Giá dầu thấp dưới 60 USD/thùng cũng sẽ khiến cho áp lực lạm phát của kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm xuống. Theo các nhà kinh tế thuộc JP Morgan Securities, lạm phát sẽ ở mức thấp “chưa từng thấy” kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009. Cụ thể, cách đây không lâu, nhóm nghiên cứu này đã dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1,5% trong 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, với xu hướng giá dầu tiếp tục giảm mạnh gần đây thì nhóm này đã điều chỉnh dự báo mức lạm phát trên xuống 1%.
Trong khi xu hướng lạm phát chung của toàn cầu giảm xuống thì với một số nền kinh tế và khu vực, tình trạng lạm phát âm (giảm phát) sẽ xảy ra. Nguy cơ này có thể xảy ra với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, tại các quốc gia như Mỹ, Anh hay Nhật Bản, lạm phát có thể xuống mức 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% mà NHTW các nước này đặt ra.
Lạm phát tại các thị trường mới nổi cũng được dự báo sẽ tiếp tục dịu xuống mặc dù có thể sẽ không giảm mạnh bởi chính sách điều chỉnh tỷ giá cũng như các chính khác để giảm tác động đối với giá cả hàng hóa bán lẻ.
Về tác động đối với tăng trưởng, nhóm nghiên cứu này nhận định, nếu giá dầu được duy trì dưới mức 60 USD/thùng trong một thời gian dài sẽ đóng góp thêm 0,5% tăng trưởng GDP toàn cầu. Đơn cử với Mỹ, nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng thì nền kinh tế này có thể tăng trưởng ở mức 3,8% trong hai năm tới. Còn nếu giá dầu ở mức 84 USD/thùng thì GDP của Mỹ dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 3%.