Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái vì thương chiến

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỷ. Hiện các NĐT đang khẩn thiết yêu cầu các chính trị gia và các NHTW nhanh chóng hành động để xóa đi nguy cơ này.

Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái. Nguồn: internet
Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái. Nguồn: internet

Tăng trưởng chậm lại,  rủi ro lớn dần

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với rủi ro rất lớn. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất toàn cầu của JPMorgan Chase & Co., đã cho thấy sự co lại. Tại châu Âu, sản xuất công nghiệp của Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã ghi nhận sự sụt giảm hàng năm lớn nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 6.

Tại Mỹ, tăng trưởng sản xuất cũng đã chậm lại trong 4 tháng liên tiếp và các chiến lược gia của Citigroup Inc. đã cắt giảm dự báo thu nhập đối với các công ty trong danh sách S&P 500. Hiện rủi ro suy thoái đang cao hơn nhiều so với hai tháng trước”, Lawrence Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cũng là cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng trong thời kỳ suy thoái vừa qua nói với Bloomberg TV. “Bạn có thể thường xuyên chơi với lửa mà không có bất cứ điều gì xảy ra, nhưng nếu bạn làm điều đó quá nhiều, cuối cùng bạn cũng sẽ bị cháy”. Mặc dù vậy, Summers - hiện đang là Giáo sư tại Harvard cho rằng, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới nhỏ hơn 50/50.

Tuy nhiên, các NĐT đang tỏ ra bi quan hơn khi mà một phân đoạn được theo dõi chặt chẽ của đường cong lợi suất, chênh lệch giữa nợ Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 3 tháng, đã bị đảo ngược mạnh nhất kể từ năm 2007, cho thấy các nhà đầu cơ đang đặt cược vào khả năng suy thoái. Chứng khoán Mỹ lao dốc, trong khi trái phiếu tăng điểm trên toàn cầu và các tài sản an toàn như vàng hay đồng Yên Nhật tăng giá mạnh. Hiện đường cong lợi suất của cả hai nền kinh tế Mỹ và Đức đang “nhấp nháy” tín hiệu cảnh báo về sự suy thoái.

Theo một kịch bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện lời đe dọa thuế quan mới nhất của mình là áp thuế 10% lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, dẫn tới động thái trả đũa của Trung Quốc. Mặc dù tác động trực tiếp của các mức thuế quan này có thể không lớn, nhưng sự không chắc chắn xuất phát từ sự leo thang hơn nữa của CTTM giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng đến đầu tư, việc làm và tiêu dùng.

Hiện người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục chi tiêu, có lẽ được khuyến khích bởi thị trường lao động vẫn mạnh. Nhưng các nhà kinh tế của JPMorgan dự báo, tốc độ tuyển dụng toàn cầu trong nửa cuối năm nay sẽ chậm lại xuống mức yếu nhất kể từ năm 2012-13. Một dấu hiệu cảnh báo là doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc đang sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley tính toán, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả, kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ giảm trong vòng 3 quý tới.

Dư địa chính sách hạn hẹp

Trong bối cảnh đó nên dù chưa hoàn tất việc bình thường hóa chính sách tiền tệ được triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các NHTW lại vội vã quay lại với các chính sách này. Ngân hàng Dự trữ New Zealand hôm thứ Tư (7/8) đã gây bất ngờ cho thị trường khi cắt giảm lãi suất tới 50 điểm điểm cơ bản, gấp đôi mức dự kiến của các chuyên gia, xuống còn 1%. NHTW Thái Lan cũng bất ngờ cắt giảm lãi suất 25 điểm xuống 1,5% lần đầu tiên trong hơn 4 năm. Trong khi NHTW Ấn Độ cũng giảm lãi suất 35 điểm xuống còn 5,4%.

Ngay cả Fed cũng vừa thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào cuối tháng 7 và được dự báo sẽ lặp lại hành động này vào tháng tới, thậm chí là thêm một lần khác vào cuối năm. Tổng thống Trump ngày 7/8 một lần nữa hối thúc Fed cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn sau khi ba NHTW thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa đồng loạt giảm lãi suất. “Họ phải cắt giảm lãi suất lớn hơn và nhanh hơn, và chấm dứt việc thắt chặt định lượng vô lý của họ ngay lúc này”, ông Trump tweet.

Thế nhưng theo các chuyên gia mặc dù các NHTW có thể sẽ cắt giảm lãi suất cũng như tái khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng, nhưng điều đó có thể không còn đủ để vực dậy niềm tin của các NĐT và người tiêu dùng, trong khi các chính phủ có thể không đủ nhanh để nới lỏng chính sách tài khóa.

“Có những rủi ro đáng kể đối với các dự báo của chúng tôi về tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu”, các nhà kinh tế của Bank of America Corp đã cảnh báo khách hàng của mình trong tuần này. “Nếu cuộc chiến thương mại leo thang - có thể bao gồm một cuộc chiến tiền tệ - sự không chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể và điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt hơn nhiều”.

Trong khi đó, Tom Orlik - Nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cũng cho rằng: “Các chương trình mua tài sản, nếu ECB và những NHTW khác tái khởi động lại, lần này sẽ kém hiệu quả hơn trước đây. Hiện dư địa cho các chính sách thông thường rà rất hạn hẹp; trong khi chính sách bất thường lại có hiệu lực hạn chế. Hy vọng tốt nhất là không cần phải sử dụng chúng”.