Các nước châu Á đồng loạt hạ lãi suất để cứu tăng trưởng
Trước những diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm nay, nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) châu Á đã đồng loạt hạ lãi suất vào hôm qua.
Đây được xem là động thái tiếp nối xu hướng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như nhiều NHTƯ lớn trên thế giới nhằm bảo vệ tăng trưởng và ứng phó với các biến động toàn cầu, vốn đã được dự báo từ đầu năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức hạ lãi suất thấp hơn dự báo đến từ các NHTƯ Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand.
Cụ thể, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã hạ lãi suất cơ bản đồng Rupee 0,35 điểm phần trăm, xuống còn 5,4%, thấp hơn mức dự báo 5,5%. Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ tư của NHTƯ nước này trong năm nay
NHTƯ Thái Lan (BoT) cũng bất ngờ hạ lãi suất cơ bản đồng Baht 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 1,5% sau hơn bốn năm - một động thái hoàn toàn nằm ngoài dự báo của giới phân tích.
Chuyên gia phân tích Tim Leelahaphan của ngân hàng Standard Chartered cho biết, lý do chính của động thái hạ lãi suất có thể là do “áp lực từ bên ngoài, mà cụ thể là làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu, và đáng chú ý hơn cả là việc đồng Baht rất mạnh”.
Trong khi đó, NHTƯ New Zealand hạ lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm - gấp đôi so với dự báo, để đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục 1%.
Theo giới phân tích, động thái đến từ NHTƯ New Zealand, Thái Lan và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ được theo sau bởi một số nền kinh tế khác trong ngắn hạn. Theo đó, Philippines, Hàn Quốc, Úc và Indonesia đều đã cho thấy dấu hiệu có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chững lại do tình hình thương mại căng thẳng.
Dự kiến, sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào hôm nay, Philippines sẽ là quốc gia tiếp theo hạ lãi suất, với mức cắt giảm dự kiến lần này là 0,25%. Gần đây, Thống đốc NHTƯ Philippines (BSP) Benjamin Diokno cho biết, NHTƯ nước này sẽ phải giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm.
Dù trước đó, một số quốc gia nêu trên đã chú ý đến chính sách tiền tệ thắt chặt vào đầu năm, song với việc tăng trưởng kinh tế sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến lược ấy đã phải thay đổi.
Phó thống đốc NHTƯ Indonesia Destry Damayanti hôm thứ Tư cho biết, các biện pháp nới lỏng sẽ “kéo dài khá lâu, vì chúng tôi cần sự kích thích cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”.