Kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào đầu tư công

Theo CNN, VnExpress

Theo IMF, việc tỷ lệ đầu tư trên GDP lên tới 12% - 20% như thập kỷ qua có thể bóp méo thị trường vốn và gây bất ổn cho kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào đầu tư công

Theo báo cáo được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tuần qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công để tăng trưởng kinh tế. Chiến lược đó có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp nhiều bất ổn. Vì vậy, họ cần giảm tỷ lệ đầu tư công xuống khoảng 10% GDP.

Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Trung Quốc từ lâu vẫn dựa vào nguồn tiền từ chính phủ để kích thích kinh tế. Chiến lược trên đã phát huy tác dụng khi kinh tế nước này tăng trưởng gần 10% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, đồng thời khiến Trung Quốc trở thành quốc gia vô địch về xuất khẩu. Thị trường mở cửa, thương mại phát triển đã khiến rất nhiều người dân nước này tiến lên tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, theo IMF hiệu ứng đó đang ngày càng giảm tốc. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã tích cực đầu tư công để duy trì tăng trưởng. Theo IMF, "trong giai đoạn này, Trung Quốc có thể đã chi ra 12% - 20% GDP".

Việc đầu tư quá mức sẽ bóp méo thị trường vốn và các thành phần khác của nền kinh tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, những doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ được tiếp cận vốn rất dễ dàng, lấn át các đối thủ nhỏ và các hộ gia đình.

IMF cho biết: "Thách thức bây giờ là làm thế nào đưa đầu tư về mức bình thường mà không phải hy sinh tăng trưởng và hoạt động kinh tế vĩ mô". Các nhà kinh tế đều đồng ý rằng việc Trung Quốc tuyên bố chuyển từ tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư sang phụ thuộc tiêu dùng là không hề dễ dàng.

Đại hội Đảng lần thứ 18 của nước này đã bầu ra thế hệ lãnh đạo mới được rất nhiều người dân kỳ vọng. Theo kết quả một cuộc khảo sát của Blooomberg được công mới đây, niềm tin của các nhà đầu tư với thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm.

Tỷ lệ người cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện hoặc ổn định là 72%, gần gấp đôi so với chỉ 38% hồi tháng 9. 53% trong số họ tin tưởng các chính sách của Tổng bí thư mới - Tập Cận Bình sẽ có lợi cho nhà đầu tư, cao hơn so với 42% hai tháng trước.

Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế không kỳ vọng nước này có thể thay đổi chính sách ngay lập tức. Các nhà nghiên cứu tại IMF nhấn mạnh bất kỳ sự cải tổ nào cũng nên đi kèm với mục tiêu tăng năng suất, hiệu suất và chất lượng cuộc sống cho 1,3 tỷ dân nước này. Họ phải đảm bảo "thành quả của tăng trưởng vượt bậc nên được chia đều cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân bình thường".