Chất lượng tín dụng - Những tín hiệu đáng mừng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tăng trưởng GDP quý I cao cho thấy chất lượng tín dụng đã nâng lên rõ rệt.

Chất lượng tín dụng - Những tín hiệu đáng mừng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Độ trễ của dòng tín dụng

Khi thị trường vốn còn chưa phát triển thì nguồn vốn tín dụng NH vẫn là kênh quan trọng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng thế mà bao giờ các chuyên gia kinh tế khi bình luận về tín dụng NH cũng nhấn mạnh: “Đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (GDP)”. Và nếu theo quan điểm như vậy thì giữa con số tăng trưởng tín dụng và GDP trong thời gian vừa qua đã nói lên điều gì?

Số liệu của NHNN công bố cho thấy, đến hết quý I/2015, tăng trưởng tín dụng với nền kinh tế tăng 1,25% so với cuối năm 2014. Với quy luật “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” thì quý I năm nay tăng trưởng tín dụng đạt được như vậy là đáng mừng, bởi trong 3 năm qua con số này của quý I đều âm. Và nếu chiếu sang chỉ số GDP quý I là 6,03% và theo quan điểm “tăng trưởng tín dụng hỗ trợ GDP” thì đang có những tín hiệu đáng mừng về chất lượng của tín dụng.

Nhớ năm đầu tiên nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Lượng vốn giảm đi mà vẫn đảm bảo GDP, cho thấy hiệu quả và chất lượng của vốn tín dụng cho nền kinh tế đã cao hơn. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng tăng chỉ 13%, nhưng GDP vẫn tăng 5,89%. Và năm nay, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố con số GDP trong quý I đã tăng 6,03%, trong giới làm chính sách của ngành NH cũng không khỏi đi từ bất ngờ đến ngạc nhiên.

Tại cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô cuối tháng 3/2015 vừa qua với sự tham gia của NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng bất ngờ về GDP quý I khi đạt 6,03%. Cũng với tâm trạng khá bất ngờ về GDP quý I, theo Phó tổng giám đốc một NHTMCP thì mức 6,03% là cao nhất của cùng kỳ 5 năm qua. Bất ngờ bởi vì thường đầu năm, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế bao giờ cũng thấp nhất nên GDP khó bứt phá mạnh, nhưng năm nay thì ngược lại, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia NH cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng, nhất là từ năm 2010 trở về trước. Qua kênh tín dụng, các doanh nghiệp có vốn để sản xuất kinh doanh. Nhưng tín dụng không phải là công cụ duy nhất để tăng GDP. Bởi GDP còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như sức cầu, chính sách xuất nhập khẩu, thương mại…

Song điều quan trọng nhất là những năm gần đây chất lượng tín dụng đã cải thiện đáng kể với chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của ngành NH với hàng loạt chương trình như: Hỗ trợ phát triển nhà ở; phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn; tập trung tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên hay cho vay đánh bắt xa bờ. Dòng vốn tín dụng đi đúng hướng không chỉ làm tăng chất lượng tín dụng mà còn tăng hiệu quả vốn đầu tư.

Đầu tư nhiều vốn cho lĩnh vực ưu tiên

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, với sự khẳng định về độ tin cậy của con số thống kê và dù tăng trưởng GDP tăng ở nhiều yếu tố thì cũng cho thấy chất lượng tín dụng đã nâng lên rõ rệt. Nguồn vốn tín dụng đã được đầu tư vào nhiều lĩnh vực ưu tiên hơn trước. Kể từ khi Chính phủ và NHNN có chỉ đạo các NHTM tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, dòng vốn vào lĩnh vực này khá tốt.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm vốn vay của NHCSXH và VDB) đến tháng 3/2015 ước đạt 770.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với 31/12/2014 (cao hơn mức tăng chung của tín dụng toàn nền kinh tế). Ở một số địa phương tín dụng được tập trung khá mạnh cho lĩnh vực ưu tiên.

Đơn cử như tại Trà Vinh: Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 2 đạt 13.969 tỷ đồng, tăng 1,93% so với tháng trước và tăng 1,03% so với cuối năm 2014; trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 6.925 tỷ đồng, chiếm 49,57%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn đạt 7.044 tỷ đồng, chiếm 50,43%/tổng dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ - CP của Chính phủ đạt 7.634 tỷ đồng, chiếm 55,74%/tổng dư nợ. Hay như Long An, tổng dư nợ cho vay đạt 33.958 tỷ, tăng 1,24% so với đầu năm. Và tính chung, cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 17.240 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,7% dư nợ toàn địa bàn.

Như vậy, có thể nói tín dụng đang đi vào chất lượng ở những lĩnh vực sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, tín dụng được đổ vào khá mạnh nên vấn đề đặt ra là phải nâng cao chất lượng sản xuất của lĩnh vực này để những đóng góp của ngành gắn với 70% dân số cả nước đối với GDP ở mức cao hơn nữa. Hiện ngành nông nghiệp đã có Đề án tái cơ cấu. Việc đầu tư tín dụng bám sát Đề án này cũng như chương trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương rất quan trọng. Vì nếu không tỉnh táo, thay vì hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển vốn tín dụng đầu tư theo phong trào sẽ làm tăng thêm nguy cơ được mùa mất giá – nỗi lo thường trực của người nông dân mà cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.