Cho vay nông nghiệp sẽ mở hơn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đối với các doanh nghiệp đảm bảo được phương án kinh doanh tốt, hiệu quả thì các tổ chức tín dụng sẽ luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn, kể cả ngắn hạn và dài hạn, để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cho vay nông nghiệp sẽ mở hơn
Các nút thắt cơ bản nhất trong các khâu cho vay như tài sản thế chấp, mức độ tín chấp sẽ được NHNN căn cứ trên cơ sở tổng kết các chương trình cho vay thí điểm để đưa ra cơ chế phù hợp. Nguồn: internet

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong tháng 11/2014 NHNN sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 41/2010/NĐ–CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, trong năm 2015, Chính phủ có thể ban hành với những nội dung mới nhất, bám sát các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, các nút thắt cơ bản nhất trong các khâu cho vay như tài sản thế chấp, mức độ tín chấp sẽ được NHNN căn cứ trên cơ sở tổng kết các chương trình cho vay thí điểm để đưa ra cơ chế phù hợp.

Những thông tin trên đã được người đứng đấu ngành Ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, diễn ra ngày 5/11 tại Sóc Trăng. Tại diễn đàn này, các chuyên gia và DN trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định, hệ thống ngân hàng đầu tư tín dụng vào Chương trình cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất đã xác định đúng định hướng sản xuất lớn và phát triển hạ tầng.

Xác định đúng mục tiêu

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho biết, trong thời gian vừa qua, DN đã đầu tư trên 3.000 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang... Đầu 2014, thông qua Chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi, công ty đã tiếp cận được nguồn vốn gần 300 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn này, công ty đã có đủ nguồn lực để ứng trước vật tư và thanh toán tiền lúa cho nông dân. Ngoài ra, công ty cũng có vốn bổ sung nguồn tự có để mua sắm thêm máy sấy lúa, xây dựng kho chứa.

Ông Phạm Thái Bình cho rằng, việc ưu đãi cho vay vào các mô hình sản xuất lớn, trong đó có mô hình cánh đồng mẫu lớn, thể hiện ngành Ngân hàng đã xác định đúng đối tượng, vì trong bối cảnh hiện nay, việc liên kết sản xuất lớn trở thành xu thế tất yếu của nền nông nghiệp. Nếu chỉ xét trong mức độ an toàn vốn và hiệu quả của việc cho vay thì so với cho vay nhỏ lẻ, cho vay các mô hình sản xuất lớn đang có độ an toàn cao hơn hẳn. Bởi, các DN được vay vốn đều có phương án sản xuất theo quy trình khép kín, đạt hiệu quả cao và mức lợi nhuận ổn định hơn.

Đồng quan điểm này, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, việc ngành Ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất lớn với chương trình cho vay thí điểm tổng số vốn ký kết trên 7.300 tỷ đồng, cộng với việc cho vay các dự án trọng điểm ở khu vực ĐBSCL (đến cuối tháng 9/2014, các TCTD đã cho vay khoảng 32.827 tỷ đồng cho nhiều dự án trọng điểm tại các tỉnh) chứng tỏ hệ thống ngân hàng đã có chiến lược rất rõ ràng trong việc tăng trưởng tín dụng bền vững ở khu vực ĐBSCL.

Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vào những “điểm nghẽn” đang cần tháo gỡ trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đó là các vấn đề: quy hoạch lại toàn ngành, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ truyền thống.

Chính vì chọn đúng điểm trọng yếu này nên trong thời gian vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khu vực ĐBSCL luôn duy trì ở mức cao. Trong vòng 3 năm, vốn của các TCTD đổ vào khu vực này đã tăng gấp 2,5 lần, từ mức 105.000 tỷ đồng lên 332.000 tỷ đồng.

Tiếp tục bù đắp cho nông thôn

Phát biểu tại Hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Hai ba năm trở lại đây, ngành Ngân hàng tâm huyết nhiều đối với việc tăng trưởng tín dụng ở khu vực nông nghiệp – nông thôn. Chúng tôi đồng lòng quyết tâm đẩy mạnh hoạt động tín dụng và cung ứng vốn vào lĩnh vực này. Nếu những năm trước, nhiều DN kêu về lãi suất và than phiền rằng khó tiếp cận vốn, tôi đi đến đâu cũng có các kiến nghị giãn nợ, khoanh nợ. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì không còn địa phương nào vướng mắc về các vấn đề này nữa”.

Đại diện ngành Ngân hàng nhấn mạnh, từ khi có Nghị định 41 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng đổ vào khu vực này đã tăng gấp 2,3 lần so với thời điểm năm 2009. Nhưng đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, kể cả khu vực ĐBSCL, không tăng tương ứng. Điều này cho thấy, còn đó những hạn chế lớn về quy hoạch tổng thể, phương thức sản xuất, đầu tư hạ tầng và đầu tư cho xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu... đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người dân và DN, dẫn tới giảm hiệu quả của đồng vốn vay.

NHNN tái khẳng định, đối với các DN đảm bảo được phương án kinh doanh tốt, hiệu quả thì các TCTD sẽ luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn, kể cả ngắn hạn và dài hạn, để phát triển sản xuất kinh doanh.

Hơn 7.000 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất lớn

Trong khuôn khổ Hội thảo ”Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, ngành Ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng vốn 4.600 tỷ đồng cho 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước để phát triển mô hình cho vay nông nghiệp theo chuỗi. Việc ký kết các hợp đồng tín dụng này nằm trong Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, nếu tổng kết cả 3 đợt ký kết của Chương trình cho vay thí điểm, đến nay các NHTM đã cam kết cho vay đối với hơn 40 DN với tổng số vốn 7.320 tỷ đồng. Hiện các DN ký kết trong đợt 1 và đợt 2 hầu hết đã được các TCTD giải ngân.

Đánh giá về Chương trình cho vay theo chuỗi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, đây là một trong những hoạt động thể hiện rõ sự sốt sắng, chủ động của ngành Ngân hàng trong việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn cả nước.

Theo Thống đốc NHNN, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần giải quyết được 3 khâu quan trọng là quy hoạch lại toàn ngành, đầu tư cơ sở hạ tầng và thay đổi tổ chức sản xuất. Những việc này đều cần có quá trình lâu dài. Vì thế trước mắt, để bổ sung vốn kịp thời cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời thí điểm những cách thức cấp vốn linh hoạt, hiệu quả, NHNN đã trình Chính phủ để thực hiện 3 chương trình tín dụng đặc thù là: Chương trình cho vay theo chuỗi, Chương trình cho vay theo chuỗi phục vụ xuất khẩu, Chương trình cho vay với các dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ khuyến khích mở rộng thêm chương trình thứ 4 đối với các DN kết hợp được cả ba yêu cầu của 3 chương trình trên. Các DN này sẽ được vay vốn với cơ chế đặc thù, có nhiều ưu đãi về lãi suất và tỷ lệ tín chấp.

Để giám sát chặt chẽ hiệu quả các chương trình cho vay nói trên, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tham gia các chương trình này thực hiện rà soát, đánh giá trong thời gian 1,5 - 2 năm, sau đó đưa ra các kiến nghị để NHNN điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương và từng lĩnh vực. Song song đó, đối với những DN chưa được liên bộ là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN lựa chọn, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tiếp cận dự án của DN đã được UBND tỉnh giới thiệu để thẩm định và quyết định cho vay với lãi suất và thời hạn phù hợp để thực hiện dự án.

Từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng vùng ĐBSCL đã cho nông dân và doanh nghiệp vay 59.000 tỷ đồng vốn ngắn hạn để nuôi và mua nguyên liệu cá tra, gạo chế biến xuất khẩu, tương đương với mức cho vay cùng kỳ năm 2013.

Số vốn kể trên đã góp phần nâng diện tích nuôi cá tra toàn vùng lên 6.400 ha. Đến ngày 20/10 đã thu hoạch được trên 5.000 ha với sản lượng 902.325 tấn, cung ứng nguồn nguyên liệu cho trên 100 nhà máy chế biến và đã xuất khẩu được trên 540.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã mua 4,6 triệu tấn gạo, tương đương 9,2 triệu tấn lúa hàng hóa và đã chế biến xuất khẩu trên 4,3 triệu tấn, đạt giá trị 1,95 tỷ USD.

Ngành ngân hàng đã hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt, phù hợp thực tế nhằm ổn định tiền tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế và tăng tốc độ luân chuyển vốn.

                                                                           Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ