Lướt sóng cổ phiếu quỹ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng từ 20-40%. Điều này không chỉ khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân vui mừng mà nhiều doanh nghiệp cũng thu được lợi nhuận cao.

Lướt sóng cổ phiếu quỹ
Chỉ canh theo động thái mua cổ phiếu quỹ để “đu” theo thì không phải là ứng xử của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nguồn: internet

Mua thấp bán cao

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) thông báo, đã bán thành công 80.000 cổ phiếu quỹ theo phương thức thỏa thuận lô lớn với giá bình quân 35.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu quỹ này công ty đã mua vào từ ngày 8/10/2010 đến ngày 8/1/2011, nhằm mục đích bình ổn giá cổ phiếu trên sàn giao dịch. Giá AGF ở thời điểm đó liên tục giảm, chỉ tính trong khoảng thời gian công ty đăng ký mua cổ phiếu thì từ mức giá xoay quanh 28.000 đồng/cổ phiếu đến đầu năm 2011 giá giảm về gần 20.000 đồng. Như vậy với giá bán ra nói trên, ước tính tối thiểu AGF đã thu được một khoản lợi nhuận 560 triệu đồng.

Một số trường hợp đã thu về lợi nhuận cao từ việc bán ra cổ phiếu quỹ có thể kể đến như: Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) đã bán ra gần 800.000 cổ phiếu quỹ với giá bình quân 18.674 đồng/cổ phiếu, trong khi giá mua vào khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu ở giai đoạn tháng 6/2011. Số tiền lời PET thu về được không dưới 6 tỉ đồng. Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF) cũng vừa hoàn tất việc bán ra 1,34 triệu cổ phiếu quỹ với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá giao dịch cổ phiếu mua vào thời điểm cuối năm 2012 khoảng 27.000 đồng – 28.000 đồng/cổ phiếu trước đó thì SRF đã lời được xấp xỉ 16 tỉ đồng.

Hiện nay, giao dịch cổ phiếu quỹ đang diễn ra khá nhộn nhịp với cả hoạt động mua và bán như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa mua vào 16,18 triệu cổ phiếu quỹ với giá bình quân 16.008 đồng/cổ phiếu; Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) bán 4 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 7 để lấy tiền đầu tư dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Trong khi đó, cũng trong tháng 7, Tập đoàn Vingroup (VIC) dự kiến mua lại hơn 46 triệu cổ phiếu quỹ với mục đích sử dụng hiệu quả nguồn vốn và giữ ổn định giá cổ phiếu hay Công ty cổ phần Hoa Sen đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ…

Gần đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng vừa nới quy định giao dịch cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp. Cụ thể, số lượng cổ phiếu đăng ký mua/bán tối đa trong một phiên giao dịch của doanh nghiệp tăng từ 5 lên 10% và biên độ giá ±3,5% so với giá tham chiếu, thay vì 3 đơn vị yết giá như trước (giá mua không cao hơn 3,5% so với giá tham chiếu; giá bán không thấp hơn 3,5% so với giá tham chiếu). Tất nhiên không phải bất kỳ công ty nào cũng có thể thu lợi nhuận từ hoạt động này.

Sàng lọc thông tin thổi giá

Việc gom mua cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ làm cho lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm xuống và từ đó lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ cũng tạo nên lượng cung trên thị trường và giá cổ phiếu có thể sẽ bị giảm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, việc mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tạo nên lực cầu và khả năng tăng giá cũng khá cao, tác động sẽ ngược lại nếu bán ra. Tuy nhiên, việc tác động ít hay nhiều đến giá cổ phiếu còn tùy thuộc vào xu hướng của thị trường. Nếu thị trường đang đi xuống mà càng bán ra thì động thái này sẽ góp phần kéo nhanh giá cổ phiếu giảm mạnh. Hơn nữa thông tin mua vào cổ phiếu sẽ có tác động hai chiều, bởi không ai dám chắc rằng, doanh nghiệp sẽ mua vào hết số lượng đã đăng ký.

Thậm chí có những doanh nghiệp đăng ký mua vào khá nhiều, nhưng kết thúc thời gian thực hiện lại không mua được hoặc chỉ mua rất ít và chỉ cần thông báo do thị trường biến động là xong. Vì vậy không loại trừ những thông tin đó chỉ là động thái kỹ thuật của doanh nghiệp để đỡ giá cổ phiếu. “Các nhà đầu tư nên xem xét cẩn thận đến yếu tố tài chính, đến nguồn tiền cần có khi công ty muốn mua vào cổ phiếu quỹ. Nếu công ty nào đang thua lỗ hoặc đang gặp khó khăn về nguồn vốn mà lại thông báo mua cổ phiếu quỹ thì cũng không vội “đu” theo, vì chưa chắc công ty đó đã thật sự mua vào”, bà Trúc Quỳnh cảnh báo.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS, cho rằng, nếu chỉ canh theo động thái mua cổ phiếu quỹ để “đu” theo thì không phải là tác phong của những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bản thân nhà đầu tư nên phân tích kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp cũng đang có dự án để đầu tư thì sẽ không dại mang lợi nhuận đi mua cổ phiếu quỹ. “Chỉ cần xem xét kỹ lượng tiền mặt ở kỳ báo cáo gần nhất của doanh nghiệp là bao nhiêu; tình hình tài chính gồm lợi nhuận và những khoản vay nợ như thế nào… là nhà đầu tư có thể tự sàng lọc được đâu là thông tin chỉ đưa ra cho có mà khả năng thực hiện không cao”, ông Phương chia sẻ.