Vai trò của thị trường chứng khoán trong việc nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế

Theo kinhtetrunguong.vn

(Tài chính) Xin đăng tải ý kiến trao đổi của TS. Vũ Đình Ánh về vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK) trong việc nâng cao năng lực quản trị công ty cũng như tính minh bạch trong nền kinh tế thông qua một số chức năng của TTCK.

Vai trò của thị trường chứng khoán trong việc nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế - Ảnh 1
TS. Vũ Đình Ánh
Phóng viên: Thưa ông, TTCK có rất nhiều chức năng, vậy chức năng tạo một môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh cho các nhà đầu tư có liên quan gì tới việc nâng cao năng lực quản trị công ty cũng như tính minh bạch trong nền kinh tế?

TS. Vũ Đình Ánh: Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hàng hóa phù hợp với các khả năng, mục tiêu và sở thích của mình. Mỗi công ty, mỗi nền kinh tế có năng lực quản trị công ty, tính minh bạch không giống nhau. Hơn nữa, năng lực quản trị công ty, tính minh bạch không phải là bất biến, ngược lại, luôn luôn thay đổi theo không gian và thời gian. Đó chính là một trong những yếu tố quyết định mức độ rủi ro của mỗi loại chứng khoán, qua đó, TTCK cung cấp những “món ăn” đa dạng, phong phú đáp ứng hầu như mọi “khẩu vị” của nhà đầu tư tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro của họ.

Tuy nhiên, xu thế phát triển tất yếu ngày càng công khai minh bạch, lành mạnh, hạn chế hoạt động đầu cơ, thao túng giá, giao dịch nội bộ bất hợp pháp, khủng hoàng TTCK,… thông qua hoàn thiện cơ chế thông tin, thanh tra giám sát thị trường, khen thưởng và trừng phạt kịp thời những hành vi niêm yết của công ty phát hành chứng khoán và nhà đầu tư. Môi trường đầu tư lành mạnh đó được đảm bảo bởi các quy định khắt khe liên quan đến hàng hóa tham gia vào TTCK, đến chủ thể tham gia TTCK, đồng thời không chỉ thông qua các công cụ kinh tế tài chính mà còn cả công cụ hành chính, thậm chí công cụ hình sự nhằm duy trì sự minh bạch và lành mạnh cho TTCK. Chính hệ thống công cụ đảm bảo sự lành mạnh trên TTCK tạo áp lực buộc các công ty trên TTCK phải nâng cao năng lực quản trị và các nền kinh tế phải đảm bảo và nâng cao tính minh bạch.

Thực tế trên TTCK, đã có những mã chứng khoán bị giảm điểm liên tiếp, thậm chí bị mất hẳn tính thanh khoản chỉ vì có thông tin về sự bất ổn trong quản trị công ty, ông suy nghĩ thế nào về việc này?

Bên cạnh các lợi ích do nắm giữ chứng khoán mang lại như được nhận cổ tức, được tham gia vào quản trị công ty, được hưởng lợi từ chênh lệch giá mua bán chứng khoán,.. thì tính thanh khoản cao thông qua TTCK là ưu điểm nổi bật. Nhờ có TTCK các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặc hoặc các loại chứng khoán đối với người đầu tư. TTCK hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính thanh khoản càng cao. Tuy nhiên, tính thanh khoản của mỗi chứng khoán giao dịch không phải là mặc định, tự nhiên mà có, tự nhiên được công nhận và chấp nhận mà quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó sức hấp dẫn của mỗi chứng khoán đối với nhà đầu tư, cả trên thị trường sơ cấp lẫn thị trường thứ cấp chính là năng lực quản trị công ty và tính minh bạch của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp một loại chứng khoán giảm, thậm chí mất hẳn tính thanh khoản trên TTCK do bất ổn trong quản trị công ty hay tính minh bạch của nền kinh tế bị nghi ngờ. Vì vậy, đảm bảo tính thanh khoản trên TTCK tạo áp lực buộc công ty phải duy trì sự ổn định, lành mạnh, tránh gây ra "scandal" trong quản trị công ty.

Theo ông, TTCK đánh giá và có tác động đến hoạt động của công ty nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung như thế nào?

Thông qua các giao dịch và biến động giá chứng khoán trên cả TTCK sơ cấp và thứ cấp, hoạt động của mỗi công ty, cả hoạt động trong quá khứ, hiện tại và triển vọng tương lai được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho công ty tự phân tích đánh giá được ưu nhược điểm trong hoạt động, trong quản trị công ty của mình. Trong một chừng mực nhất định, sự thành công hay thất bại của mỗi loại chứng khoán phản ánh mức độ thành công hay thất bại của quản trị công ty dưới con mắt quan sát, đánh giá của TTCK. Hơn nữa, trên TTCK, mỗi công ty còn có cơ hội đánh giá và so sánh hoạt động của công ty mình với những công ty khác có cùng ngành nghề hoặc không cùng để từ đó cung cấp thông tin cần thiết cho các quyết định kinh doanh, biện pháp nâng cao năng lực quản trị công ty, nâng cao năng lực cạnh tranh hay thậm chí quyết định dừng kinh doanh, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác.

Đối với mỗi nền kinh tế cũng tương tự như vậy khi biến động giao dịch và giá chứng khoán của mỗi chính phủ trên TTCK trong nước phụ thuộc vào uy tín của Chính phủ phát hành, đến lượt nó uy tín này phụ thuộc rất nhiều vào tính minh bạch của nền kinh tế. Đó chính là lý do ta nói TTCK đóng vai trò là “phong vũ biểu” của nền kinh tế (sức khỏe của nền kinh tế được phản ánh hàng ngày, hàng giờ trên TTCK). Mọi thông tin kinh tế từ vĩ mô đến vi mô đều có thể ảnh hưởng tức thời tới hoạt động của TTCK. Ngược lại, với vai trò là kênh dẫn vốn trực tiếp cho nền kinh tế, mọi thay đổi của TTCK cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh tế và hệ thống doanh nghiệp. Vì thế, TTCK vận hành tốt, công khai minh bạch là một trong những đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển kinh tế tốt, công khai minh bạch cả ở cấp vĩ mô và cấp vi mô. Ngược lại, sự phát triển kinh tế tốt, minh bạch nhất định sẽ được phản ánh bằng những biểu hiện tốt, lành mạnh trên TTCK.

Thường thì các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác, vậy thông qua đó, TTCK sẽ giúp Chính phủ hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô như thế nào, thưa ông?

Với tư cách là một thị trường tài chính phát triển mức độ cao, TTCK không chỉ phản ánh nhạy bén và chính xác các phản ứng của thị trường, của các nhà đầu tư, của các công ty và cả nền kinh tế trước các chính sách kinh tế vĩ mô mà hoạt động của TTCK còn cung cấp những thông tin rất quan trọng cho nhà hoạch định và thực thi chính sách kinh tế vĩ mô. Ngay trong lịch sử còn ngắn ngủi của TTCK Việt Nam chúng ta cũng không ít lần quan sát thấy các tác động gần như ngay lập tức của TTCK của các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ tín dụng, chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái và quản lí ngoại hối, chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính tài khóa và bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước,… Hơn nữa, phản ứng của TTCK còn không chỉ đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kế hoạch kinh doanh đã ban hành, đang thực thi mà còn đối với các chính sách, dự định còn ở dạng “tin đồn” do đặc tính tâm lý bầy đàn rất cao của TTCK truyền dẫn và khuếch đại. Chính vì vậy, các chính phủ nói chung đều rất cẩn thận thăm dò, phân tích đánh giá ảnh hưởng của mỗi chính sách kinh tế vĩ mô tới TTCK, coi những phản ứng của TTCK như những chỉ báo quan trọng trong suốt quá trình hoạch định, triển khai thực hiện, điều chỉnh kịp thời mỗi một chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có cả tiêu chí không ngừng nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của mỗi chính sách kinh tế vĩ mô.

Thông qua các chức năng của TTCK nêu trên, vậy vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán trong việc nâng cao năng lực quản trị công ty cũng như tính minh bạch trong nền kinh tế được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Thị trường chứng khoán, trong suốt quá tình ra đời và phát triển của nó, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị công ty cũng như tính minh bạch trong nền kinh tế  được qui định bởi chính vai trò, chức năng của TTCK đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Đây là mối quan hệ hai chiều, nhân quả, biện chứng, tác động qua lại, bổ sung và chế ước lẫn nhau.

Vai trò của TTCK đối với quản trị công ty nằm ngay trong các khái niệm về quản trị công ty bất chấp có rất nhiều định nghĩa khác nhau (theo vi.wikipedia.org) về quản trị công ty, chẳng hạn: “Quản trị công ty là một lĩnh vực kinh doanh học nghiên cứu cách thức khuyến khích quá trình quản trị kinh doanh hiệu quả trong các công ty cổ phần bằng việc sử dụng các cơ cấu động viên lợi ích, cấu trúc tổ chức và quy chế - quy tắc. Quản trị công ty thường giới hạn trong phạm vi câu hỏi về cải thiện hiệu suất tài chính, chẳng hạn, những cách thức nào mà người chủ sở hữu doanh nghiệp khuyến khích các giám đốc mà họ sử dụng để đem lại

“Quản trị công ty là chủ đề mặc dù được định nghĩa không rõ rang nhưng có thể coi như đó là tập hợp các đối tượng, mục tiêu và thể chế để đảm bảo điều tốt đẹp cho cổ đông, nhân viên, khách hàng, chủ nợ và thúc đẩy danh tiếng, vị thế của nền kinh tế”.

Rõ ràng, ở cấp vi mô như  một công ty cổ phần hay ở cấp vĩ mô như một nền kinh tế nếu muốn huy động vốn đầu tư trên TTCK đều cần nâng cao năng lực quản trị công ty và tính minh bạch của nền kinh tế vì đó là điều kiện bắt buộc tham gia vào TTCK. Sự thành công hay thất bại của mỗi công ty, mỗi nền kinh tế trên TTCK, cả TTCK trong nước lẫn ngoài nước đều được quyết định bởi năng lực của quản trị công ty và tính minh bạch của nền kinh tế. Một doanh nghiệp tham gia niêm yết trên TTCK, biến động giá cổ phiếu của doanh nghiệp, của trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thậm chí trường hợp buộc phải niêm yết, rút khỏi TTCK hay huy động trái phiếu Chính phủ với lãi suất tăng hoặc không thể huy động được đều liên quan với năng lực quản trị. Chính vì vậy, nâng cao năng lực quản trị công ty, tính minh bạch là mối quan tâm thường xuyên, liên tục của mỗi chủ thể tham gia vào TTCK trên nguyên tắc chủ chốt là: không ngừng bảo vệ và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ, công khai minh bạch thông tin, hạn chế thông tin bất đối xứng, đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực ngày càng cao về quản trị công ty, tính minh bạch từ phía các cơ quan quản lí và giám sát trên TTCK.

Tóm lại, TTCK vừa đóng vai trò tạo áp lực vừa khuyến khích thúc đẩy nâng cao quản trị công ty và tính minh bạch của nền kinh tế thông qua hệ thống công cụ đảm bảo thực hiện đúng đắn chức năng của TTCK.

Xin trân trọng cảm ơn ông!