Kinh tế Việt Nam: Áp lực cải cách thể chế thực chất
(Tài chính) Nền kinh tế thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi có tính cách mạng. Thách thức của quá trình này là làm sao vừa cải cách thể chế, cải cách cơ cấu, vừa giảm thiểu rủi ro cũng như phí tổn của quá trình điều chỉnh. Việt Nam không nằm ngoài những vấn đề của thế giới, cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi đang chuyển sang thể chế kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Phục hồi nhịp điệu chậm chạp
Dư âm cơn chấn động khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát cuối năm 2008 vẫn còn dai dẳng, cho đến nay cách thức đối phó bằng biện pháp nới lỏng tiền tệ và thực thi các gói kích cầu chỉ có ý nghĩa tình thế. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể phải tới năm 2017 kinh tế thế giới mới thật sự phục hồi.
Đà phục hồi kinh tế thế giới sau khi đạt mức tăng trưởng 5,2% năm 2010 đã chậm lại, chỉ còn 3,9% năm 2011, 3,2% năm 2012, khoảng 2,9% năm 2013 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng năm 2014 khoảng 3,6%, nhờ kinh tế Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã có những dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, những đánh giá, dự báo gần đây đều hạ thấp khá nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 và 2014 so với các con số đưa ra trước đó. Điểm đáng lưu ý, dù kinh tế Hoa Kỳ và eurozone đã có những dấu hiệu khả quan, song việc nhìn nhận đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2014 lại tỏ ra thận trọng hơn.
Nguyên nhân do những đầu tàu duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế mới nổi đang suy yếu. Dù lạm phát được nhận định không là vấn đề toàn cầu trong 1-2 năm tới, song rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn có thể tăng tại nhiều nước đang phát triển, kể cả ở Đông Á do tăng trưởng nóng, kích cầu không thích hợp trước đó và cả do sự điều chỉnh chính sách tại các nước phát triển.
Là một nền kinh tế với mức độ mở cửa cao, cũng giống như nhiều nền kinh tế Đông Á, Việt Nam chịu tác động đáng kể cả tích cực và tiêu cực trước những biến động giá cả, thương mại, đầu tư, tài chính… trên thế giới.
Do cải cách thể chế chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập cùng những sai lầm chính sách quá thiên về tăng trưởng mà xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô, sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế nước ta đã bộc lộ 2 khiếm khuyết nghiêm trọng. Một là, tốc độ và chất lượng tăng trưởng giảm trong khi đầu tư, tín dụng gia tăng (tăng trưởng trung bình 5 năm còn 6,5% so với 7,5% của 5 năm trước đó).
Hai là, khả năng chống đỡ của nền kinh tế, tức khả năng duy trì tăng trưởng hay phục hồi trước những cú sốc bên trong và bên ngoài thấp do các nền tảng kinh tế vĩ mô suy yếu, được biểu hiện: chênh lệch đầu tư - tiết kiệm quá lớn, trên 40% so với khoảng 30% GDP; thâm hụt ngân sách nặng nề trên 5% GDP; lạm phát cao và biến động mạnh; rủi ro tài chính - ngân hàng gia tăng.
Từ tháng 3/2011, với Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng ta đã có sự chuyển hướng chính sách mạnh mẽ, nhất quán, tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô cùng đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó là việc bắt tay triển khai chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặt trọng tâm vào những lĩnh vực đang cản trở phân bổ hiệu quả nguồn lực và gây bất ổn kinh tế vĩ mô: đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng.
Chưa thể bứt phá
Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012-2013 đã có chuyển biến tích cực: Lạm phát giảm mạnh từ gần 20% năm 2011 xuống khoảng 6-7%; tỷ giá tương đối ổn định, cán cân vãng lai và thanh toán quốc tế thặng dư khoảng 9 tỷ USD năm 2012 và trên dưới 2 tỷ USD năm 2013; dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Bên cạnh đó, thanh khoản không còn là nỗi ám ảnh của hệ thống ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng đã bước đầu được tái cấu trúc.
Song ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn thiếu vững chắc, tâm lý hoài nghi vẫn dai dẳng, lòng tin lạm phát sẽ ở mức thấp chưa cao, trong khi thâm hụt ngân sách tăng (từ mục tiêu 4,8% GDP lên 5,3% GDP vào năm 2013).
Những vấn đề nội tại của hệ thống tài chính - ngân hàng như nợ xấu vẫn còn là nguy cơ gây bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô, trong khi quá trình tái cơ cấu hệ thống này vẫn chưa đủ rõ ràng. Cùng với đó sự chậm trễ trong tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cho thấy công cuộc cải cách cần phải được tiến hành thực sự quyết liệt và có ý nghĩa.
Trong bối cảnh trên, tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm, còn 5% năm 2012 và 5,4% năm 2013 (chủ yếu nhờ sự cải thiện ít nhiều sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2013). Nhìn chung, sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, trì trệ trên nhiều lĩnh vực.
Tổng cầu, cả tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh. Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng ngay cả khi lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, từ trên 20%/năm năm 2011 xuống còn 10-13%/năm cuối năm 2013 do ít cơ hội kinh doanh và nợ xấu lớn.
Bên cạnh chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, một số chính sách như miễn giảm thuế, xử lý nợ xấu, hỗ trợ người thu nhập thấp thuê, mua nhà ở… sẽ tiếp tục được thực hiện. Chính phủ cũng đề nghị và được Quốc hội chấp thuận nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP năm 2014, cùng việc phát hành trái phiếu bổ sung 170.000 tỷ đồng trong 3 năm 2014-2016, chủ yếu để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Với chính sách như vậy, Chính phủ hy vọng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014 và khoảng 6% năm 2015, trong khi ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, lạm phát chỉ khoảng 7%/năm.
Các kịch bản ổn định vĩ mô
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam năm 2014 với 2 kịch bản. Kịch bản 1 (kịch bản cơ sở): nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường, phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi của kinh tế thế giới với tăng trưởng GDP 5,47% năm 2014 và 5,83% năm 2015; lạm phát 6,58% năm 2014 và 6,9% năm 2015.
Tuy nhiên, kịch bản cơ sở nếu cộng vốn đầu tư công tăng bằng mức bổ sung được duyệt từ nâng trần bội chi ngân sách nhà nước và phát hành thêm trái phiếu chính phủ, GDP sẽ tăng trưởng 5,65% năm 2014 và 6,08% năm 2015; lạm phát 8,86% năm 2014 và 8,52% năm 2015. Kịch bản 2 gồm kịch bản 1 cộng nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.
Theo đó, GDP tăng 5,81% năm 2014 và 6,22% năm 2015; lạm phát ở mức 8,95% và 8,56% tương ứng 2 năm 2014 và 2015. So sánh với các dự báo khác, kết quả trong kịch bản cơ sở khá tương đồng với nhiều dự báo. Điều đáng lưu ý là nâng trần bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu chính phủ để đầu tư có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.
Tuy nhiên, rủi ro đi kèm là lạm phát sẽ cao hơn và thâm hụt thương mại lớn hơn. Vì thế, thông điệp rõ ràng về kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn với những cải thiện phối hợp chính sách và đảm bảo giảm dần thâm hụt ngân sách trong trung hạn là cực kỳ quan trọng.
Nhìn nhận tổng quát, mục tiêu chính sách của Việt Nam đầy tham vọng, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị rất cao: tập trung nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi dần kinh tế; tăng cường cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việt Nam đang thực hiện nhiều cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN + 1.
Đặc biệt, Việt Nam đang tham gia đàm phán các FTA có ý nghĩa sâu sắc đối với cải cách và phát triển đất nước như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực ASEAN + 6 (RCEP), FTA song phương Việt Nam - EU. Đây thực sự là thời khắc hệ trọng đối với tiến trình cải cách của Việt Nam.
Thách thức vô cùng to lớn, nguồn lực hạn chế, đòi hỏi xã hội rất cao, nên quyết tâm và ý chí chính trị là chưa đủ. Để tạo dựng lại lòng tin xã hội và thị trường, chúng ta cần kiên trì, nhất quán với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất để đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới của thế giới và thời đại.
Cùng với đó, trong một xã hội ngày càng đòi hỏi đa dạng, cách thức tương tác, giao diện giữa Nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn.