Kinh tế Việt Nam đang đi lên từ đáy quý I/2013

Theo CafeF

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đánh giá khá tiêu cực về nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang đi lên từ đáy quý I/2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong khuôn khổ hội thảo "Ý nghĩa và tính thực tiễn Nghị quyết 02/NQ-CP trong việc giải phóng hàng tồn kho" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 thành lập, TS. Lê Xuân Nghĩa đã có những đánh giá về nền kinh tế Việt Nam thời gian tới đây.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa: "Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã có những đánh giá khá tiêu cực về kinh tế Việt Nam. Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang đi lên từ đáy quý I/2013", thể hiện qua:

(i) Chỉ số PMI đã tăng trở lại và vượt trên 50.

(ii) Xuất khẩu đã tăng 17% về giá trị, 21% về sản lượng - đây là mức tăng mạnh, đặc biệt xuất khẩu nội địa đã tăng được 7% so với các tháng trước bị tăng trưởng âm.

(iii) Vốn FDI tăng mạnh cả về vốn đăng ký và giải ngân. Việt Nam có lợi thế địa chính trị. Cứu cánh cho kinh tế cho Việt Nam trong ngắn hạn và Trung hạn là vốn FDI từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật Bản.

(iv) Thâm hụt thương mại tăng trở lại, nhanh cho thấy công nghiệp phục hồi, cho thấy kinh tế đang phục hồi.

(v) Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5 khoảng 2,5%, dù vẫn còn thấp nhưng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tín dụng luôn đi cùng với thị trường bất động sản, phá được băng tín dụng đồng thời sẽ phá được băng thị trường bất động sản. Điều quan trọng là Bộ Chính trị và Chính phủ làm cho thị trường bất động sản là nền tảng của nền kinh tế - quan điểm kinh tế hiện đại. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng để phá băng tín dụng phải giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng phải đảm bảo không làm sụp đổ thị trường bất động sản - không bán tháo bất động sản.

Một trong ba giả thuyết TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra cho tăng trưởng là dùng nguồn dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM), thời gian có thể 3 năm. Các NHTM giải quyết nợ xấu đến đâu NHNN sẽ giải ngân đến đó. Hoặc NHNN sẽ dùng dự trữ ngoại tệ hoặc in tiền mới để bơm thẳng vào các NHTM - tái cấp vốn dài hạn 3 năm.

Với giả thuyết này, tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 14%, thị trường bất động sản bắt đầu tan băng, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6 - 6,5%.

Vấn đề đặt ra là gây áp lực lên lạm phát, cán cân thanh toán và tỷ giá hay không? Tuy nhiên, theo tính toán của các ông, nguy cơ là có nhưng nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN.

Phương án này không gây ra áp lực lạm phát do tổng cầu đã giảm, cận kề với suy thoái. Việc bơm tiền đúng thời điểm có thể không gây ra lạm phát, không gây áp lực lên cán cân thanh toán và tỷ giá. Thời gian giải ngân có thể bắt đầu trong năm nay, năm sau và năm sau nữa.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa Chính phủ nên sử dụng phương án này kết hợp với dùng tiền mạnh từ nguồn bán tài sản - một phần vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp mà nhà nước chiếm cổ phần lớn. Nếu áp dụng cuối năm nay kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh hơn, cuối năm sau tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5% hoặc trên 6,5%.

Đây cũng là nền tảng cho nền kinh tế đi lên và giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản.