Kinh tế Việt Nam năm 2013: Cơ hội và thách thức

TS.Trần Du Lịch

Theo nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào điểm đáy trong năm nay nếu thiếu các biện pháp điều hành chính sách quyết liệt ngay từ đầu năm.

Kinh tế Việt Nam năm 2013: Cơ hội và thách thức
Năm 2013 vẫn có nhiều cơ hội để tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn

Thời điểm hiện nay đã bước sang năm thứ 6, tính từ năm 2008, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô kéo dài, với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ phải ứng phó qua từng năm; trong đó nổi bật là ứng phó với áp lực lạm phát xuất hiện từ cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Những thách thức của nền kinh tế

4 thách thức ngắn hạn

Nếu nhìn về hiện tượng thì thực sự nền kinh tế nước ta từ quý II/2012 đang có sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, dù rất chậm. Phân tích theo 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô: tăng GDP; giá cả; việc làm và xuất khẩu ròng, thì kết quả của nền kinh tế năm 2012 thể hiện những dấu hiệu tích cực trong bức tranh tiêu cực của cả năm. Tuy nhiên bước vào năm 2013, nền kinh tế đang phải đối mặt với thử thách, do hệ quả để lại của những năm bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, nên xử lý những những hệ quả để lại là một bài toán kép.

Từ đầu năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm mạnh đã tạo nên vòng luẩn quẩn: sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm... Bước vào năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với 4 thách thức ngắn hạn như sau:

1. Nguy cơ lạm phát cao quay trở lại kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình kinh tế thêm khó khăn.

2. Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ.

3. Khả năng kéo lãi suất cho vay giảm xuống là không nhiều; vẫn chưa đáp ứng được như mức kỳ vọng của cộng đồng DN, do sự kém hiệu quả trong hoạt động của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7-8%, thì lãi suất vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay sẽ quá cao (6-7%).Với mức lãi suất như vậy sẽ không kích thích được các DN đang có thị trường tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng kinh doanh và làm tăng nợ xấu đối với những DN đang cố gắng phục hồi.

4. Những nỗ lực để làm ấm thị trường BĐS chưa mang lại ngay kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Một khi thanh khoản của thị trường BĐS chưa cải thiện thì việc xử lý nợ xấu của NHTM cũng sẽ khó khăn.

Ba thách thức trung - dài hạn

Vấn đề trung - dài hạn của nền kinh tế liên quan đến sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Quan điểm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra trong chiến lược 10 năm 2011-2020 và trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhưng cho đến nay chưa có một chính sách căn cơ đi vào cuộc sống, nền kinh tế vẫn còn những bất cập sau:

1. Nền công nghiệp gia công: một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 2012 sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn DN trong nước hoàn toàn không có khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm. Công nghiệp hỗ trợ cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng dựa vào xuất khẩu sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu, nên không thể cải thiện được thị trường của 70% dân số sống ở nông thôn. Xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo nhưng doanh thu chỉ ở mức 3,5 tỷ USD. Ngay cả khi lợi nhuận đạt 30% cũng không thể cải thiện đời sống cho người dân trồng lúa. Thị trường nông thôn, một thị trường có số lượng người tiêu dùng chiếm gần 70% dân số, nhưng không thể mở rộng với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, có giá trị gia tăng thấp như hiện nay.

2. Năng suất tổng hợp (TPF) giảm: Năng suất tổng hợp là chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) có hiệu quả. Sự giảm tuyệt đối năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây, đồng thời tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích luỹ và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. 

3. Quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy. Sự vướng mắc làm chậm quá trình tái cơ cấu thể hiện trên 3 phương diện: Chức năng kinh tế của nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường: sự lẫn lộn giữa nhà nước và thị trường. Hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước: vai trò dẫn dắt và hỗ trợ thị trường của thể chế kinh tế và hành chính công. Sự phân bố nguồn lực kém hiệu quả: đầu tư công, DNNN, thị trường BĐS...

Phục hồi niềm tin và cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (khoá XIII) đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...” với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5 % và kiểm soát CPI dưới 8 % (Chính phủ đề ra khoảng 6%). Để thực hiện các mục tiêu trên Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua “gói giải pháp hỗ trợ thị trường” nhằm các mục tiêu: giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ba vấn đề này có quan hệ nhân quả với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ. Ngày 7/1/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02.

Khác với gói giải pháp kích cầu thực hiện năm 2009 trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy thoái khiến Chính phủ phải tăng đầu tư công và hỗ trợ lãi suất, gói giải pháp hỗ trợ thị trường lần này tập trung vào khâu xử lý “điểm nghẽn” của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho BĐS.

Trong các giải pháp về tín dụng áp dụng một số biện pháp đặc thù nhằm cho vay mới đối với các DN có điều kiện tồn tại và phát triển; các DN đang thực hiện các dự án nhà ở đang có thị trường; dự án BOT, BT trong lĩnh vực hạ tầng đang ngưng trệ do thiếu nguồn tín dụng; mục đích để ngăn chặn xu hướng tăng số DN phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động; mở rộng tín dụng tiêu dùng; giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay; áp dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập định chế mua bán nợ của nhà nước.

Trong chính sách tài khóa, tiếp tục thực hiện biện pháp giãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất,... theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN cho đến giữa năm 2014 để tạo điều kiện cho DN phục hồi tăng trưởng; trình Quốc hội một số chính sách về giảm miễn thuế.

Dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng, nhưng năm 2013 nền kinh tế VN đã chạm đáy của khó khăn và sẽ là năm hồi phục, nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đề ra trong 2 nghị quyết của Chính phủ nêu trên, tạo niềm tin cho cho DN.

Năm 2013, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn như Đề án tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2020, mà Thủ tướng vừa phê duyệt:

Thứ nhất, niềm tin của thị trường. Vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt hơn 5 năm phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Với hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 nêu trên là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực: đầu tư công; hệ thống NHTM và tập đoàn TCty nhà nước. Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội mà các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.

Thứ hai, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường BĐS, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có hoạ.

Thứ ba, với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỉ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo đề án của Chính phủ đến năm 2020, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Thứ tư, chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tóm lại, năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đan xen cả thách thức và cơ hội ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Các khó khăn như sức mua giảm; hàng tồn kho, DN thiếu vốn... sẽ được cải thiện. Đây cũng là thời kỳ mở ra những cơ hội cho các DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bển vững. Tuy các vấn đề ngắn hạn về kinh tế vĩ mô đang đặt ra rất bức xúc, nhưng quyết tâm để giải quyết các vấn đề trung - dài hạn của nền kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với Chính phủ.