Kinh tế - xã hội khẳng định sự phục hồi rõ nét
Kinh tế - xã hội nước ta đang khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Sáng ngày 9/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu
Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Trong đó, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024.
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước 8 tháng tăng mạnh, ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 10,1% so với dự toán. Trong khi đó đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất từ đầu năm đến hết tháng 8 để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 187 nghìn tỷ đồng.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 14 luật, 23 nghị quyết và cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024, đồng thời đã ban hành và chỉ đạo ban hành 121 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt khoảng 19,1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi; đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%). Thu hút FDI là điểm sáng; vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất từ năm 2021 đến nay...
Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn luật
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần tập trung làm rõ những nội dung còn tồn tại. Điển hình như tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn....
Cho ý kiến tại phiên họp, các uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Lưu ý đến một số yếu tố chưa phục hồi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chú ý đến công tác thể chế để tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, thúc đẩy các đầu tàu tăng trưởng, các tập đoàn, tổng công ty lớn, có cơ chế đặc thù trong thời gian nhất định; thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhất là các dự án lớn có tính lan toả, chương trình mục tiêu quốc gia...
Cho rằng 14/15 chỉ tiêu kinh tế đạt là điều đáng mừng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn; đặc biệt là trong đợt bão lũ vừa qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện luật vẫn còn hạn chế, cần khắc phục. Nhiều địa phương vẫn chậm ban hành văn bản hướng dẫn, điển hình như văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác này để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Phân tích về thị trường bất động sản đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải ngăn chặn hoạt động “lũng loạn” thị trường đang diễn ra trong thời gian gần đây. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận. Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là một vấn đề cần phải xem xét, tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án về đất đai tại các địa phương bị ách tắc cũng cần có hướng giải quyết hiệu quả.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích du lịch nội địa. Cùng với đó, đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định với các mặt hàng thiết yếu trước trong và sau Tết Nguyên đán; quan tâm chỉ đạo quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Cần vực dậy thị trường vốn giúp người dân và doanh nghiệp có thể vay để phát triển kinh doanh”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.