Kỳ họp thứ 7 Quốc hội: Kinh tế chuyển biến nhưng chậm
(Tài chính) Ngay sau phiên khai mạc sáng nay, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
Năm 2013: 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch
Về phần đánh giá bổ sung kết quả năm 2013, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo)
Hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo (riêng tỷ lệ giảm hộ nghèo ở các huyện nghèo vượt kế hoạch).
Như vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội, kết quả đánh giá lại có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn (tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị).
Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát năm 2013 xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 7%).
Tuy nhiên, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp còn do tác động của suy giảm kinh tế, tổng cầu của nền kinh tế thấp, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện nhiều...
Đáng chú ý, năm 2013 là năm thứ hai xuất siêu liên tiếp. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch, thị trường mở rộng và đa dạng hoá, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng lên.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 132, 1 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 (số đã báo cáo Quốc hội là đạt 131 tỷ USD, tăng 14,4%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 132,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2012. Xuất siêu 9,4 triệu USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 0,5 tỷ USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu).
4 tháng đầu năm: hấp thu tín dụng thấp
Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2014, quý I, GDP ước tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Cả 3 khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
4 tháng đầu năm 2014, xuất siêu khoảng 684 triệu USD , bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Về tiền tệ, 4 tháng đầu năm, tín dụng cho nền kinh tế ước tăng 0,53%, nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp do khó khăn về vấn đề giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và sức cầu thấp của nền kinh tế.
Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 8%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9-10,5%/năm, trung và dài hạn là 11-12,5%/năm. Một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay 6-7%/năm đối với một số doanh nghiệp tốt. Lãi suất cho vay USD ổn định ở mức 4-7%/năm.
Tính bình quân, CPI 4 tháng đầu năm tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2013.
Vốn đầu tư thực hiện 4 tháng nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 54,97 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% kế hoạch năm. Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước đạt 33,5% kế hoạch.
Về phát triển doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% với số vốn đăng ký 143.408 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Có 21.489 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động; 5.863 doanh nghiệp ngừng hoạt động, nay quay trở lại hoạt động.
Trong 4 tháng đã cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp, 215 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 36 doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 11 doanh nghiệp thực hiện các hình thức sắp xếp khác (giải thể 2 doanh nghiệp, sáp nhập 9 doanh nghiệp).
Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết trước mắt cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, biện pháp như ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; phân bổ hợp lý trong năm và phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 12-14%,
Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014, tạo điều kiện tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.
Thực hiện đột phá các hình thức phù hợp để tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn
Thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo kế hoạch, đề án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Quốc hội còn nghe báo cáo về dự án sửa luật Hàng không dân dụng, Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.