Kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ
Trong những năm vừa qua, mưa lũ đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Trước thực trạng này, một số địa phương đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ở từng thôn, xóm kết hợp hệ thống truyền thanh công cộng. Vì vậy, vào mùa mưa bão bà con nên thường xuyên theo dõi thông tin từ hệ thống này để có thể sẵn sàng chuẩn bị cho việc ứng phó với thiên tai, bão lũ có thể xảy ra. Tuy nhiên, bà con vẫn cần lưu ý đến một số kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ sau đây:
Trước bão
Bà con cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ trên ti vi, đài phát thanh và các thông báo từ chính quyền; đặc biệt chú ý thông tin về lũ vào ban đêm.
Chuẩn bị sẵn thuyền, phao bè mảng hoặc các vật nổi để sử dụng khi cần.
Gia cố nhà cửa trước mùa mưa bão đề phòng bão làm tốc mái, đổ nhà, làm gác lửng và chuẩn bị lối thoát trên mái nhà để ở tạm.
Kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa, nhanh chóng sửa chữa những chỗ bị hư hỏng, buộc lại cửa sổ, mái che đề phòng gió bão có thể giật tung và thổi bay gây tai nạn cho người cũng như thiệt hại về của cải.
Kê cao đồ đạc để phòng lũ lên gây ngập, hỏng.
Di chuyển gia súc, gia cầm đến nơi an toàn và dự trữ thức ăn cho chúng. Với các gia đình ngư dân, nên để tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Kiểm tra lại việc dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men, chất đốt…, bổ sung số lượng sao cho đủ dùng cho cả gia đình ít nhất trong 1 tuần. Tranh thủ thu hoạch lúa, hoa màu hay thủy sản.
Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Trong bão
Tạm ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà phòng tránh tai nạn điện giật hay chập cháy.
Không đi ra ngoài đề phòng các vật bị gió thổi bay như tôn lợp mái, cành cây gẫy, cây đổ, dây điện đứt gây nguy hiểm đến tính mạng. Tránh xa những nơi dễ đổ như cây to, cột điện, bờ tường đề phòng tai nạn. Không vớt củi và đồ vật trôi nổi trên sông.
Không đi vào khu vực nguy hiểm như những nơi nước chảy xiết, ven sông hồ hay nơi có nguy cơ sạt lở.
Nếu trong nhà không có sẵn nguồn nước an toàn, hãy đun tạm nước mưa trong vòng 20 phút và để trong bình chứa có nắp đậy.
Chủ động cho con em nghỉ học nếu thấy đường đến lớp không an toàn.
Luôn sử dụng áo phao và đồ vật nổi khác khi di chuyển. Tham gia vào lực lượng xung kích, phòng chống lụt, cứu hộ và cứu nạn của địa phương.
Sau bão
Sau khi bão tan, bà con phải tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, lau dọn nhà cửa để đảm bảo vệ sinh; kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Vẫn tiếp tục tránh xa những nơi nguy hiểm như: nhà bị hư hại nặng, cây cối, cột điện có nguy cơ gãy đổ đề phòng tai nạn. Chôn xác súc vật chết và sửa lại nhà vệ sinh, cần khử trùng nguồn nước ăn đề phòng lây bệnh.
Khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ để tiếp tục sản xuất và chăn nuôi.