Kỷ niệm về những ngày đầu làm báo tại Tạp chí Tài chính

Lê Thị Hiền - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã được làm việc với một đội ngũ lãnh đạo tài năng cùng các cán bộ trẻ thông minh, nhiệt huyết của Tạp chí Tài chính. Với nền tảng 60 năm được bồi đắp, dựng xây qua các thế hệ, tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Tài chính sẽ mang hết tâm sức để cống hiến cho sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí của ngành Tài chính nói chung và Tạp chí Tài chính nói riêng.

Bà Đặng Thị Luận và bà Lê Thị Hiền (bên trái) trao đổi nghiệp vụ báo chí (năm 1998).
Bà Đặng Thị Luận và bà Lê Thị Hiền (bên trái) trao đổi nghiệp vụ báo chí (năm 1998).

Kỷ niệm những ngày đầu làm báo

Nghề làm báo thực ra là nghề tay trái của tôi, nhưng công việc này đã mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui…

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ do chú Võ Đình Hảo - Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính (giai đoạn 1986 -1994) giao là “Tổ chức hệ thống bộ máy kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ” để phục vụ cho việc chuyển đổi công tác hạch toán của đơn vị từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy kế toán của Bộ sang hạch toán độc lập và trực tiếp làm Kế toán trưởng đơn vị trong một thời gian, tôi được chuyển sang làm công tác chế bản in ấn cuốn Thông tin Khoa học Tài chính.

Trong thời gian này, tôi tìm tòi một số tài liệu và viết bài để đăng thông tin. Bài đầu tiên tôi đăng trong cuốn Thông tin Khoa học Tài chính là “Quỹ IMF có còn cần thiết không…” 

Bài viết của tôi đã được TS. Nguyễn Công Nghiệp - khi đó là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính kiêm phụ trách ấn phẩm Thông tin này đọc và duyệt cho đăng.

Không biết đó có phải là cơ duyên đầu tiên để tôi gắn kết với nghề báo không? Sau này, khi Tạp chí Tài chính (TCTC) tách từ Nhà Xuất bản Tài chính chuyển về Viện Khoa học Tài chính, tôi được TS. Nguyễn Công Nghiệp (khi đó là Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính kiêm Tổng biên tập TCTC) chuyển hẳn sang TCTC (Phụ trách công tác tài chính kiêm Thư ký Tòa soạn).

Khi được giao một công việc hoàn toàn mới, tôi đã rất lo lắng. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Công Nghiệp đã động viên: “Cậu đã từng viết được bài, cậu hoàn toàn có thể biên tập được bài của các giáo sư, tiến sĩ ấy chứ!”. Sự tin tưởng của Lãnh đạo Viện kiêm Tổng biên tập Nguyễn Công Nghiệp đã giúp tôi vững tâm hơn khi tham gia biên tập các bài viết.

Vì đây là nghề tay trái nên tôi phải dành thời gian tự học thêm rất nhiều kiến thức cũng như kỹ năng làm báo, như: cách thức tìm tư liệu, cách bố cục bài viết, cách đặt tít, tìm ảnh minh họa… đặc biệt là kỹ năng kiểm tra sự chính xác, tính thực tiễn và khoa học của thông tin, cùng với văn phong, chính tả và cách diễn đạt để một bài viết hoàn thiện, lên trang và phát hành ra độc giả…

Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo của mình. Trong thời gian làm công tác biên tập, tôi đã may mắn gặp được rất nhiều cộng tác viên có trình độ, trong đó, đặc biệt phải nhắc đến bác Huỳnh Huy Quế - nguyên cán bộ của Tổng cục Thuế.

Còn nhớ, trước khi Quốc hội ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng thì chúng ta đang áp dụng phương thức thu thuế doanh thu theo mô hình của Pháp.

Nhận thấy hình thức thu thuế cũ có rất nhiều hạn chế, khiến việc thu thuế chồng chéo, thiếu chính xác, thiếu công bằng và không tạo nguồn thu lớn, nhanh gọn cho ngân sách nhà nước…, các nhà nghiên cứu đã đề xuất áp dụng Thuế giá trị gia tăng - một hình thức thuế đã được áp dụng ở các nước phát triển từ khá lâu.

Lúc đầu, có rất nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình nhưng bác Huỳnh Huy Quế là người đầu tiên gửi toà soạn những bài viết phân tích sâu sắc về sắc thuế này.

Các bài viết khẳng định thuế giá trị gia tăng không phải là một nhân tố gây ra lạm phát, gây khó khăn trở ngại cho việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá mà trái lại, sẽ góp phần ổn định giá cả, mở rộng lưu thông hàng hoá, thúc đẩy sản xuất phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng nguồn thu và giảm thời gian thu cho ngân sách nhà nước…

Tôi đã đọc và rất tâm đắc với các phép tính và phân tích trong bài viết này của Bác. Với sự đồng ý của Lãnh đạo TCTC, chúng tôi đã cho đăng loạt bài này cho dù khi đó sắc thuế này vẫn còn các tranh luận đa chiều…

Kết quả, sau khi Luật thuế Giá trị gia tăng được Quốc hội ban hành (ngày 1/1/1999), trong cuộc họp giao ban báo chí của Bộ Tài chính, TCTC đã được biểu dương là cơ quan đơn vị đi đầu, tiên phong trong việc tuyên truyền chính sách thuế mới của Nhà nước đến các doanh nghiệp và người dân…

Khi đó, tôi còn nhớ, rất nhiều đồng chí lãnh đạo cơ quan báo khác nói vui rằng: “Tại sao bác Quế lại không gửi các bài báo đó cho đơn vị mình mà lại gửi cho TCTC nhỉ…”. 

Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là do mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng tác viên và các biên tập viên của Tòa soạn. Năm đó, bác Huỳnh Huy Quế được nhận danh hiệu “Cộng tác viên tích cực” của đơn vị và được Bộ Tài chính trao tặng phần thưởng nhờ những đóng góp trong công tác cải cách chính sách thuế của ngành Tài chính.

“Nghề báo không phải chỉ là ngồi viết khơi khơi...”

Nghề báo không phải chỉ là “ngồi viết khơi khơi” mà rất cần sự hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, về lĩnh vực mình phụ trách. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không quên những tháng ngày miệt mài làm báo điện tử.

Dù không thể trực tiếp tìm hiểu số liệu thực tiễn nhưng thông qua tất cả những thông tin nắm bắt được và bằng kiến thức của mình, những người làm báo hoàn toàn có thể viết những bài báo của chính mình, chứ không phải chỉ là bản sao, cóp nhặt…

Đặc biệt, phải rất nhạy bén với tình hình thực tiễn của xã hội của Đất nước, nắm bắt được nhu cầu của độc giả để tổ chức loạt bài…

Thời gian TCTC bắt đầu phát triển báo chí điện tử, tôi đã đăng không ít bài viết thu hút tới 30.000-40.000 view trong tháng, góp phần đẩy số lượng view TCTC lên cao nhất nhì trong số các báo mạng của Ngành…

Việc đón đầu và đăng tải các bài viết ủng hộ, định hướng các chính sách kinh tế tài chính đúng đắn của Nhà nước không phải đơn giản.

Chỉ khi chúng ta nắm bắt được thông tin, có được những cộng tác viên có trình độ chuyên môn cao thì mới có thể có những bài viết khả thi, tác động tích cực vào công tác tài chính quốc gia cũng như tăng cường sức khỏe cho từng tế bào doanh nghiệp và sức khoẻ của cả nền kinh tế; thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội cũng như chính sự phát triển và nâng cao uy tín của Toà soạn…

Tôi rất mong những người làm báo trẻ luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, bởi làm báo chuyên ngành như TCTC điều quan trọng nhất là phải có kiến thức kinh tế, không thể viết hay biên tập một bài báo mà không nắm rõ được vấn đề, thiếu các kiến thức chuyên ngành…

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã được làm việc với một đội ngũ lãnh đạo tài năng cùng các cán bộ trẻ thông minh, nhiệt huyết của TCTC.

Tin tưởng rằng, các đồng nghiệp của tôi tại TCTC sẽ mang hết tâm sức để cống hiến cho sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí của ngành Tài chính nói chung và TCTC nói riêng - nơi đã có bề dày 60 năm trưởng thành và phát triển, là Tạp chí chuyên ngành kinh tế - tài chính hàng đầu của cả nước... để có thêm những bước tiến xa hơn nữa!

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 10/2023