Kỹ thuật duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ lúa lai
(Tài chính) Đó là chủ đề của Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, do Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tổ chức diễn ra từ ngày 9/4 – 13/4/2015.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, GS., TS. Vũ Văn Liết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, khóa học này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Việt Nam trong tương lai. Duy trì, sản xuất hạt giống bố mẹ sẽ giúp Việt Nam chủ động tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tự chủ nguồn giống bố mẹ, kiểm soát chất lượng hạt giống bố mẹ, và chủ động thời vụ.
“Việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ kế cận, có khả năng nắm vững bí quyết, công nghệ sản xuất hạt giống bố mẹ và hạt giống lúa lai F1 của từng tổ hợp sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước”, GS.,TS. Vũ Văn Liết nói.
Nội dung khóa học thiết kế theo các chuyên đề về: đặc điểm của các giống lúa ưu thế lai; đặc điểm và phương pháp chọn tạo hệ thống lúa lai 3 dòng và 2 dòng, công nghệ sản xuất hạt lai F1 hệ 2 dòng và 3 dòng; Phương pháp chọn lọc, duy trì, sản xuất siêu nguyên chung dòng TGMS, các phương pháp phục tráng duy trì các dòng A, B, R; Phương pháp kiểm soát chất lượng hạt giống, quy trình kiểm định đồng ruộng.
Các nội dung lý thuyết kết hợp với thực hành các kỹ năng nhận biết, đánh giá tính bất dục, tính hữu dục của hạt phấn giai đoạn trỗ, các kỹ thuật pha chế, sử dụng hóa chất… điều chỉnh sinh trưởng, phát triển của các dòng bố mẹ. Các bài thực hành được thực hiện ngay tại ruộng nhân dòng bố mẹ khu thí nghiệm và sản xuất giống của Viện NC&PT cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ngành sản xuất hạt giống lúa lai F1 luôn chịu nhiều rủi ro gắn với sự biến động của điều kiện thời tiết khí hậu. Là ngành sản xuất đặc thù, người tham gia sản xuất phải được đào tạo có tay nghề cao, nắm vững quy trình kỹ thuật, biết áp dụng các kỹ thuật như xử lý các chất điều tiết sinh trưởng, hóa chất trong điều tiết sinh trưởng phát triển của cây lúa mới đạt được năng suất cao, phẩm chất tốt.
Để đạt được mục tiêu trong vài năm tới Việt Nam sẽ tự sản xuất được 70% lượng hạt giống lúa lai F1 cung cấp cho khoảng 650.000 ha sản xuất lúa lai hàng năm, đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ sẽ là động lực để thúc đẩy ngành sản xuất hạt lai của Việt Nam phát triển trong tương lai./.