Kỳ vọng chứng khoán quý III nhìn từ biến động quý II
Thị trường chứng khoán trong quý II chứng kiến đà tăng mạnh mẽ nhưng lại bị đánh sập vào tuần cuối của tháng 6. Sự rút lui của dòng vốn ngoại cộng với những thông tin trên thị trường chứng khoán thế giới đã làm tâm lý nhà đầu tư lo ngại, dẫn đến sự bán tháo trên thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 12 phiên liên tiếp chỉ trong tháng 6.
Tăng nhanh…
Trong quý II, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một nhịp tăng nhanh và khá mạnh của thị trường chứng khoán. Từ đáy ở vùng 470 trong quý II, thị trường đã chạy một mạch lên vùng 530 điểm và tạo đỉnh tại vùng này.
Nhịp tăng điểm trong quý II được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô trên thị trường như việc VAMC chính thức thành lập, gói hỗ trợ 30.000 tỷ mua nhà được tung ra, NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất điều hành xuống 1% để các mức lãi suất đầu ra có sự điều chỉnh tương ứng….
Điểm đáng chú ý trong diễn biến giao dịch quý II là dòng vốn nội tăng trở lại mạnh mẽ vào đầu tháng 6. Thị trường không chỉ phụ thuộc vào dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài như những thời điểm trước đây.
…Giảm mạnh
Tuy nhiên, vào nửa cuối tháng 6, thị trường đang trong một đà tăng khá tốt đã bị chững lại bởi một nhịp giảm khá mạnh. Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này được cho là hoạt động bán mạnh bluechip của các quỹ ETF trên thị trường. Khối ngoại đã bán ròng 12 phiên liên tiếp tính cho đến ngay 28/6. Đà giảm lan rộng và tạo ra áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư dẫn đến sự tháo chạy trên thị trường chứng khoán.
Thêm vào đó, sự tháo chạy của nhà đầu tư trên thị trường châu Á vào cuối tháng 6 cũng đã có sự ảnh hưởng tâm lý nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đà tăng của chỉ số trên hai sàn bị chững lại. Chốt tháng, VN-Index giảm hơn 17 điểm tức 3,55% so với tháng trước đó; HNX-Index giảm 1,5 điểm tương ứng với 2,3%.
Kỳ vọng quý III
Kết thúc quý II, các con số vĩ mô đã ghi nhận sự chuyển mình của nền kinh tế tuy còn ở mức độ khá chậm và chưa rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II đã cao hơn quý I. Hoạt động sản xuất có sự khởi động nhẹ trở lại khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng tháng. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ bán lẻ cũng có sự cải thiện thể hiện qua sự tăng của chỉ số này.
Trên thị trường tiền tệ, ngân hàng, những quyết định quan trọng đưa ra vào thời điểm cuối tháng hàm ý mọi sự ảnh hưởng trên thị trường sẽ bắt đầu ngấm dần vào quý sau. Theo đó, lãi suất trần huy động được điều chỉnh giảm xuống 7%, đồng thời tỷ giá chính thức được tăng thêm 1%. Với quyết định giảm lãi suất đầu vào, NHNN đã tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong điều kiện nguồn vốn đang dồi dào và có sự dư thừa lớn. Tỷ lệ nợ xấu được công bố giảm gần một nửa so với thời điểm cuối năm 2012 trước thềm VAMC chính thức đi vào hoạt động cho thấy ngân hàng đã phần nào tự xử lý nợ xấu của mình.
Trong tháng 7, thị trường chứng khoán đón nhận một số thông tin mới và chính thức, trong đó quan trọng là kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp niêm yết. Với những tín hiệu chuyển biến nhẹ của nền kinh tế vĩ mô thời gian qua, nhiều kỳ vọng vào việc kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn quý trước.
Tuy nhiên, những ngành hàng thiết yếu, y tế, sản xuất hàng hóa cơ bản là những ngành sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong giai đoạn hiện nay. Dự báo thị trường sẽ có sự phục hồi nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan này và thị trường sẽ có sự phân hóa. Nhóm ngành tài chính, bất động sản hay vật liệu xây dựng… vẫn sẽ kém hấp dẫn.