Kỳ vọng cổ phiếu chứng khoán trở về “vùng sáng”
Dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán để tìm kiếm cơ hội sau khi các cổ phiếu này được đánh giá đã rơi về vùng giá đáy. Tuy vậy, sự hồi phục của nhóm chứng khoán mang tính kỹ thuật nhiều hơn, chưa tạo nên sự tăng trưởng bền vững.
Cổ phiếu chứng khoán đã về vùng đáy
Cổ phiếu ngành chứng khoán luôn có mối tương quan mật thiết với diễn biến TTCK, nhưng nếu nhìn vào biến động của thị trường kể từ đầu năm đến nay, nhóm này có những diễn biến kém hơn mặt bằng chung. Trong một chu kỳ điều chỉnh giảm về điểm số và thanh khoản của thị trường thì nhóm cổ phiếu chứng khoán thường bị đè nén mạnh nhất. Do vậy, khi cổ phiếu chứng khoán bắt đầu đà hồi phục để cân bằng hơn so với mặt bằng chung, thị trường đang kỳ vọng nhóm này trở lại vùng sáng.
Thanh khoản của TTCK dần sôi động hơn với giá trị khớp lệnh đạt trên 3.000 tỷ đồng, đặc biệt phiên 16/8, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt trên 3.700 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 8 tuần qua. Sau sự sôi động của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, Viettel, cảng biển…, dòng tiền “để mắt” hơn đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, đặc biệt, nhóm chứng khoán đã đồng loạt tăng giá từ phiên ngày 16/8.
Ở nhóm công ty chứng khoán nhỏ, trong khi, cổ phiếu AGR của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) sau một thời gian dài giao dịch trong khoảng 3.500 - 4.000 đồng/cổ phiếu cũng đã ghi nhận tăng trần trong phiên ngày 19/8, đạt 4.700 đồng/CP.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK VNDIRECT cho rằng, nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán đang ở vùng giá đáy của năm 2019 như SSI, HCM, VCI...
Lý do xuống đáy là bởi nhiều nhà đầu tư đã lo ngại về rủi ro suy thoái và triển vọng đi xuống của ngành chứng khoán khi thị trường liên tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế và nhiều DN Việt cho thấy sự đuối sức trong kinh doanh. Nhiều cổ phiếu chứng khoán đã ghi nhận giá giảm quá so với nội tại doanh nghiệp.
Cổ phiếu SSI đang giao dịch ở vùng giá 21.000 - 22.000 đồng/CP, trong khi đầu tháng 3/2019 được giao dịch nhiều quanh giá 30.000 đồng/CP. Cổ phiếu HCM đang giao dịch ở mức trên 20.000 đồng/CP, trong khi thời điểm tháng 3/2019 được giao dịch ở mức xấp xỉ 29.000 đồng/CP…
“Những lo ngại về triển vọng công ty chứng khoán chủ yếu mang tính ngắn hạn, trong khi triển vọng ngành này trong dài hạn luôn được đánh giá là rất tích cực. Những nhà đầu tư có tầm nhìn xa, có thể coi khó khăn ngắn hạn là cơ hội để mua tích lũy cổ phiếu chứng khoán.
Một số quỹ đầu tư đang có lộ trình triển khai các sản phẩm quỹ ETF chuyên đầu tư vào các các cổ phiếu nhóm ngành tài chính như: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... Những chuyển động này tạo ra kỳ vọng tích cực hơn cho các cổ phiếu ngành chứng khoán tới đây”, ông Du nói.
Phiên giao dịch ngày 19/8, VN-Index chỉ tăng hơn 1 điểm, nhưng cũng tương tự phiên 16/8, dòng tiền chuyển động mạnh hơn và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường có cơ hội tiếp tục khởi sắc. VN-Index đang ổn định trở lại cho thấy, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đã vững hơn trong bối cảnh thế giới vẫn biến động mạnh và dòng tiền vẫn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, CTCK MB (MBS) cho rằng, nhìn một cách tổng quan, TTCK Việt Nam vẫn nằm trong giai đoạn đi xuống kéo dài, dòng tiền chưa có một xu hướng nhất định, nên sẽ luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu có cơ hội. “Nhóm chứng khoán có thể kéo dài được được đà tăng nhẹ trong một vài tuần, song để tạo nên một xu hướng tăng trưởng mạnh thì cần thêm nhiều yếu tố hỗ trợ” ông Chung nói.
Thực tế, các cổ phiếu chứng khoán thường khá nhạy với diễn biến chung của thị trường. Khi VN-Index xác lập xu thế tăng trưởng bền với dòng tiền gia tăng dần mới là điểm tựa cho nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trường. Diễn biến này chưa xuất hiện rõ nét trên TTCK Việt Nam, vì thế, theo CTCK Bản Việt (VCSC), nhịp tăng hiện tại của nhóm chứng khoán chủ yếu là do sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn sang những cổ phiếu có dấu hiệu bị bán quá mức.
Nhóm chứng khoán sẽ tích cực vào cuối quý III?
Thống kê cho thấy, trong ba năm trở lại đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường có chuyển biến tích cực trong giai đoạn quý III, đặc biệt là cuối năm, biến động giá cổ phiếu đi kèm với chuyển động tích cực của điểm kết thị trường.
Quý III, năm 2019, TTCK đứng trước những tác động đan xen, giữa một bên là tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, một bên là kỳ vọng TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng và những rào cản đón vốn ngoại sẽ được tháo gỡ, khiến triển vọng TTCK ra sao vẫn chưa rõ ràng.
Theo ông Trần Nam Khánh, nhà đầu tư tại Hà Nội, nhóm chứng khoán tăng điểm khi thị trường xuất hiện những bước ngoặt mới và chứng khoán thường là nhóm đầu cơ dẫn sóng, đặc biệt khi thị trường bước vào giai đoạn hồi phục. Ở thời điểm hiện tại, cần kiểm chứng thêm các tín hiệu khác đến từ thị trường như thanh khoản, dòng tiền chung tăng mạnh... đặc biệt là nhìn vào bức tranh kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNDIRECT chia sẻ, những biến động của thị trường chứng khoán và sự chuyển dịch cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán khiến cho hoạt động của VNDIRECT cũng bị ảnh hưởng đáng kể trong năm 2018 cũng như nửa đầu năm 2019. VNDIRECT xây dựng chiến lược kinh doanh để nắm bắt cơ hội phù hợp với diễn biến thị trường trong từng giai đoạn.
Ở thời điểm hiện tại, VNDIRECT đã gần như giảm mảng tự doanh, đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư ngắn hạn, thay vào đó là hoạt động theo hướng thuần túy từ dịch vụ, đặc biệt là triển khai các sản phẩm mới. Trên thị trường vốn, VNDIRECT tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu từ và phân phối trên thị trường, trong đó vẫn tập trung vào các giao dịch trên thị trường trái phiếu (debt capital market).
Lãnh đạo CTCP TP.HCM (HSC) cho rằng, giai đoạn nửa đầu năm, điều kiện thị trường không khả quan và quy mô giao dịch toàn thị trường giảm là nguyên nhân chính tác động tiêu cực tới nguồn thu của CTCK, ảnh hưởng trực tiếp lên mảng môi giới. Ðây cũng là tình trạng chung của nhiều CTCK khi doanh thu từ mảng môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy vây, nếu so với hai quý đầu năm, thanh khoản có phần cải thiện hơn từ quý III, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt thấp hơn nhiều so với giả định của các CTCK. Thực tế, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, các CTCK cũng dựa trên mức dự báo về thanh khoản thị trường.
Thanh khoản trên TTCK đang ở mức dưới 4.000 tỷ đồng/phiên trong khi, HSC đưa ra dự báo thanh khoản đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, CTCK SSI xây dựng kịch bản thanh khoản bình quân là 6.000 tỷ đồng/phiên hay CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo thanh khoản của thị trường ở mức 6.200 - 6.500 tỷ đồng/phiên… Do dự báo cao hơn nhiều hiện trạng giao dich, các CTCK khó có thể đạt được kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, với những CTCK tham gia phát hành sản phẩm chứng quyền có bảo đảm dự báo sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ mảng này từ quý III/2019, dù chưa lớn nhưng đây là một mảng đầy triển vọng trong tương lai, khi sản phẩm CW phát triển mạnh mẽ hơn, tương tự như sản phẩm phái sinh.
Ði qua quá nửa năm 2019, hiệu quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán năm 2019 khó có thể ghi nhận “bùng nổ” như năm 2017, thậm chí khó có thể về đích kế hoạch mà các công ty này đã trình đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, khi thị giá thì đã giảm về vùng đáy, cơ hội đối với nhóm chứng khoán hiện tại phù hợp cho giao dịch ngắn hạn.