Vùng đồng bằng sông Cửu Long:
Kỳ vọng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
TP. Cần Thơ đang tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các cơ quan có liên quan thúc đẩy thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL (Trung tâm) tại TP Cần Thơ. Sự ra đời của Trung tâm được kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực ổn định đầu ra và nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của vùng.
Thúc đẩy liên kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL, giúp Cần Thơ phát huy vai trò " trung tâm" động lực phát triển của vùng theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Cơ hội nâng cao giá trị nông sản
Cần Thơ vừa phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia về Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ. Tại hội nghị này, các đại biểu khẳng định, việc thành lập Trung tâm là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: "Rất tâm đắc và ủng hộ việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 45 của Quốc hội. Trung tâm ra đời sẽ tạo liên kết giữa các địa phương và giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong cả các quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra và nâng cao chuỗi giá trị nông sản, khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá". Nông sản khi đến mùa vụ thu hoạch, nếu gặp bất lợi về giá, có thể đưa vào Trung tâm để chế biến và bảo quản, từ đó chủ động hơn trong tiêu thụ, chờ thời điểm có giá tốt để bán".
Theo ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện ĐBSCL còn thiếu và yếu về các dịch vụ logistics cho nông sản, nhất là đối với trái cây và thủy sản. Hạ tầng giao thông cũng còn hạn chế và chưa có sự kết nối đồng bộ nên việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương còn gặp khó và phải đối mặt với tình trạng cần "giải cứu" thường xuyên. Do vậy, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy sớm thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đồng thời, cần xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, cũng như tổ chức bộ máy quản lý, mô hình hoạt động và cơ chế liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng thông qua Trung tâm nhằm phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng và từng địa phương trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Khẩn trương thực hiện
Để tạo điều kiện cho TP. Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, nghị định, quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Quốc hội đã quy định cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ; trong đó có Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, Trung tâm này hướng đến mục tiêu " Một điểm đến đa dịch vụ". Nơi đây có vai trò gắn kết nhà nông - nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, hình thành hệ thống kho lạnh cấp vùng... Khi chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ gắn kết, thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần tăng lượng hàng hóa xuất khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo cơ hội việc làm ổn định cho nhiều người lao động tại vùng ĐBSCL.
Để thúc đẩy thành lập Trung tâm, TP. Cần Thơ đã thành lập Tổ thực hiện Đề án thành lập Trung tâm để phân công trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong thực hiện các nội dung của Đề án. Thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 25-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ giao về việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, TP. Cần Thơ cũng đã và đang tích cực phối hợp Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan để xây dựng, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, "nút thắt" của ĐBSCL là vấn đề tiêu thụ nông sản chứ không phải thiếu hàng hóa. Chính phủ và Quốc hội xác định ĐBSCL là vùng an ninh lượng thực, trọng điểm nông nghiệp của cả nước nên phải có một trung tâm điều phối sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ. Đây là vấn đề đúng với ý nguyện và mong muốn của cán bộ và nhân dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cần Thơ khẩn trương xây dựng Đề án, cố gắng đầu tháng 6/2022 có bản dự thảo Đề án tương đối hoàn thiện để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm hoàn chỉnh Đề án. Song song đó, TP. Cần Thơ cần thành lập đoàn để làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm trao đổi, đề xuất thêm cơ chế, chính sách và thời gian thực hiện ưu đãi để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.