Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam

Theo Nguyễn Kiểm/www.qdnd.vn

Hiện nay TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam (gồm các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Việc giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, song cũng đặt ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp khi vừa phải đảm bảo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, vừa đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nguồn cung không thiếu

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến sản lượng gạo tại các tỉnh phía Nam còn khoảng 8,7 triệu tấn. Với lượng gạo này đủ tiêu dùng trong nước và đảm bảo xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn. Sản lượng rau dự kiến là 5,7 triệu tấn, trung bình mỗi tháng các địa phương miền Nam cấp ra thị trường khoảng 560-600 nghìn tấn rau, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất, chế biến thủy sản tại nhà máy ở thành phố Cần Thơ. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Sản xuất, chế biến thủy sản tại nhà máy ở thành phố Cần Thơ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Chăn nuôi ở các địa phương này cũng ổn định, nguồn cung sản phẩm lớn. Riêng tỉnh Đồng Nai (địa phương nuôi heo lớn nhất cả nước) mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con, trong khi tiêu thụ nội tỉnh chỉ hơn 1.300 con (15%), còn lại xuất bán ra thị trường các tỉnh và TP Hồ Chí Minh (85%). Lượng gà thịt của tỉnh Đồng Nai cũng xuất ra bán ra thị trường mỗi ngày khoảng 100.000 con, trong khi tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5% số lượng trên.

Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt khoảng 5,09 triệu tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa mà còn bảo đảm cho xuất khẩu. Hiện cung có khả năng vượt cầu đối với một số loại thủy sản như: Tôm, cua (nước mặn, nước lợ).

Hiện Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (gọi tắt Tổ công tác 970) của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối được khoảng 388 đầu mối cung ứng nông, thủy sản, rau quả và trái cây, vật tư nông nghiệp...

Vấn đề này rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định mà phải kết nối, tiêu thụ được bao nhiêu nông, thủy sản, trái cây mỗi ngày. Hiện nguồn cung nông, thủy sản, rau quả và trái cây... không thiếu hụt, nếu có chỉ thiếu hụt cục bộ do vận chuyển, lưu thông.

Về tiêu thụ, Tổ công tác trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24 đơn hàng được báo cáo qua tổ. Số lượng giao dịch thực tế rất lớn do người mua tìm được đầu mối liên lạc ở các tỉnh và liên hệ trực tiếp để mua.

Theo ông Lê Thanh Tùng hiện có 3 khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gồm: Lưu thông; nhân lực (ở nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản, gia súc gia cầm và nhân lực thu hoạch lúa, trái cây) và danh mục các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Lập đường dây nóng của Tổ công tác để kịp thời gỡ khó

Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc duy trì các cơ sở giết mổ để cung cấp thực phẩm ra thị trường là rất quan trọng, vừa đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân vừa góp phần giúp người chăn nuôi tiêu thụ được gia súc, gia cầm. Hỗ trợ test nhanh Covid-19, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các nhà máy, cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm. Đề nghị TP. Hồ Chí Minh cho mở các chợ đầu mối cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho người dân nhưng phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch.

Nông dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch chôm chôm. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Nông dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch chôm chôm. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho hay: Do thực hiện giãn cách xã hội và các quy định về phòng, chống dịch nên có tình trạng công nhân ở một số nhà máy ngại đi làm nên đã phần nào ảnh hưởng tới sản xuất, phần lớn ở các nhà máy chế biến thủy sản. Thêm vào đó, việc bố trí chỗ ăn ở cho công nhân đối với doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu này. Về vấn đề lưu thông, những ngày qua tổ công tác đã kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chúng tôi thực hiện việc kết nối để giúp các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn việc quyết định cho mở chợ đầu mối hay không, mở như thế nào thì do chính quyền địa phương quyết định. Trước tình hình một số loại nông, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi, trái cây có dấu hiệu cung vượt cầu ở các địa phương phía Nam, ngay trong tuần này, hội nghị trực tuyến về xúc tiến để kết nối sẽ được tổ chức nhằm đưa một số mặt hàng chăn nuôi, trái cây, thủy sản... ra thị trường miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, trong những ngày tới, Tổ công tác 970 của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ công bố đường dây nóng để kịp thời phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh, hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp, đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp cũng như vấn đề kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.