Kỳ vọng vào xuất khẩu Việt Nam 2014

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Trong khi nhu cầu nội địa yếu hơn kỳ vọng, chỉ số giá tiêu dùng trong nước (CPI) toàn phần giảm xuống còn 4,6% - mức thấp nhất trong 5 năm qua thì xuất khẩu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2014 đạt những tín hiệu khả quan.

 Kỳ vọng vào xuất khẩu Việt Nam 2014
Xuất khẩu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2014 đạt những tín hiệu khả quan. Nguồn: internet
Theo báo cáo mới nhất của HSBC và Công ty Markit Economics cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 có những tín hiệu lạc quan, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm được ghi nhận tiếp tục tăng.

Việc thiếu hụt nguồn cung dẫn đến tăng chi phí đầu vào trong tháng, nhưng tốc độ tăng giá hầu như vẫn ổn định. Bà Trinh Nguyễn - chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định: “Lĩnh vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam với sản lượng và việc làm cùng gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu yếu đi ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, là một mối quan ngại.

Điều này có nghĩa là mặc dù chúng tôi vẫn kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng và lượng hàng tồn kho giảm, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những lực cản mạnh. Với tỷ lệ lạm phát ở mức có thể kiểm soát và nhu cầu yếu ở trong nước, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ lãi suất thị trường mở OMO ở mức 5,5%”.

Sản lượng tiếp tục tăng

Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) trong tháng 2 đạt mức 51 điểm (giảm 1,1 điểm so với chỉ số PMI tháng 1/2014).

Tuy chỉ số PMI giảm do số lượng đơn đặt hàng yếu hơn nhưng do nhập khẩu đầu vào những mặt hàng vải bông, nguyên vật liệu may, phụ kiện quần áo, máy móc phụ tùng và linh kiện tăng.

Thêm một yếu tố nữa là lượng hàng tồn kho thấp hơn nhiều so với đơn hàng mới nên sản lượng sẽ tiếp tục tăng.

Dự báo xuất khẩu tăng trưởng

Trong khi nhu cầu nội địa vẫn ở mức khá yếu, chỉ số CPI toàn phần giảm từ 5,5% xuống còn 4,6% - mức thấp nhất trong 5 năm qua thì con số về xuất khẩu cho thấy nhu cầu nước ngoài về hàng hóa Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 12,3% trong hai tháng đầu năm 2014.

Tuy nhiên đang có những lo ngại là nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút và không khí lạnh bất thường ở Mỹ khiến nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp Việt Nam dần chuyển hướng sang đối tác tại các nước Châu Âu và Mỹ.

Con số về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2, đặc biệt là mặt hàng dệt may và may mặc cho thấy rõ đây chính là điểm sáng của nền kinh tế trong giai đoạn đầu năm 2014. PMI trong tháng 2 dù chỉ tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ các đối tác nước ngoài yếu hơn. Tuy nhiên, HSBC nhận định trong thời gian tới khi xuất khẩu nông sản phục hồi (đặc biệt là café), đầu tư vào sản xuất dệt may đưa vào hoạt động thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 dự báo sẽ tập trung vào mặt hàng gạo, café và caosu.