Lạc quan nhưng đừng chủ quan

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Phiên giao dịch đầu tiên của năm Giáp Ngọ kết thúc với diễn biến trái chiều trên 2 sàn, cùng khối lượng giao dịch ở mức trung bình so với trước tết. Khác với những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, dòng tiền chảy vào thị trường chủ yếu từ khối nội. Điều này phản ánh tâm lý lạc quan của nhiều tổ chức cũng như nhà đầu tư với thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, thị trường không thể xác lập xu thế tăng giá bền vững dựa trên tâm lý mà cần có hỗ trợ từ những thay đổi về chất của nền kinh tế cũng như bản thân TTCK.

Lạc quan nhưng đừng chủ quan
Nhà đầu tư cần thận trọng trước những cơ hội từ TTCK trong năm 2014. Nguồn: internet
Nhận định lạc quan

Kết thúc năm 2013 với tăng trưởng 22%, TTCK Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường phát triển hàng đầu khu vực. Cơ sở cho sự tăng trưởng trên là kinh tế vĩ mô đi vào ổn định. Các chỉ tiêu chính của nền kinh tế như lạm phát, tỉ giá, cân đối ngân sách đều đạt mục tiêu đề ra. Tín dụng được tăng trưởng cùng với lãi suất ổn định đã hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Điều này được thể hiện rõ qua tăng trưởng GDP từng quý cũng như kết quả kinh doanh của các DN niêm yết. Nếu như tăng trưởng GDP quý I/2013 chỉ 4,89% thì đến quý IV/2013 đã tăng lên tới 6,04%. Còn các DN niêm yết thậm chí đang từ lỗ đã chuyển thành lãi lớn như Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội – SHN, Công ty chứng khoán Sacombank  hay Công ty cổ phần gạch men Vitaly,...

Bên cạnh đó, thị trường cũng nhận một loạt hỗ trợ từ những thay đổi mới trong chính sách quản lý thị trường như cho phép thành lập quỹ mở, triển khai các bộ chỉ số mới để làm nền tảng xây dựng sản phẩm phái sinh thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp, tăng thanh khoản cho thị trường. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, thông tin nới room cho khối ngoại đã thực sự kích thích thị trường, tăng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Chính vì vậy, nhiều công ty chứng khoán cũng như tổ chức đầu tư không e dè khi chia sẻ quan điểm lạc quan về thị trường trong năm 2014. Những điểm số, những cột mốc tăng trưởng mới mà VN-Index có thể chinh phục trong năm 2014 đã được không ít chuyên gia, Công ty chứng khoán nêu ra.

...nhưng đừng chủ quan

Rõ ràng TTCK bước vào năm mới Giáp Ngọ với điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với năm Quý Tỵ, nhưng ngay chính trong sự thuận lợi đó vẫn còn không ít thách thức, khó khăn. Trước hết, nhìn vào ngay các số liệu về số DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động năm 2013 hơn 60.700 DN. Mặc dù, số DN thành lập mới nhiều hơn (hơn 71.000 DN) nhưng số vốn đăng ký giảm.

Hơn nữa, các DN mới thành lập cũng chưa có nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất như những DN cũ. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn rất khó khăn, các DN đã cố gắng, nhưng do khó khăn kéo dài, vượt quá khả năng chịu đựng buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ vẫn phải tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nên khó có sự hỗ trợ mang tính kích cầu cho nền kinh tế. Do đó TTCK không thể kỳ vọng vào sự bung dòng tiền ra từ Chính phủ trong năm 2014.

Một áp lực khác đối với TTCK là kế hoạch tái cấu trúc DNNN với trọng tâm cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cho đến hiện tại, đã có 62 đề án tái cấu trúc tập đoàn, Tổng công ty được Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng cũng có chỉ đạo trong năm 2014 – 2015 sẽ có khoảng 500 DNNN được cổ phần hóa. Quyết tâm này được thể hiện rõ nét  tại đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC với yêu cầu SCIC thoái vốn nhà nước tại 376 DN, trong đó có cả những DN niêm yết. Như vậy, trong năm 2014 nhu cầu vốn cho TTCK chắc chắn sẽ cao hơn và việc duy trì dòng  tiền đủ lớn để thị trường tăng điểm là thách thức không dễ vượt qua.

Một kỳ vọng khác đối với thị trường đến từ chính sách tiền tệ, nhưng kỳ vọng này dường như khó trở thành hiện thực, bởi quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng chặt chẽ, linh hoạt. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã được đặt ra 12-14%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%. Mặt bằng lãi suất cũng khó có thể giảm hơn được nữa, bởi chỉ tiêu lạm phát 2014 vẫn là 7%.

Với những rủi ro tiềm ẩn như trên, TTCK đòi hỏi nhà đầu tư cần có đánh giá, nhận định một cách đầy đủ hơn để có quyết định chính xác. Điều này có thể thấy ngay tại phiên giao dịch đầu xuân mới, trong khi nhà đầu tư nội hào hứng thì khối ngoại giảm cường độ giao dịch, mặc dù tết âm lịch không phải là kỳ nghỉ lễ cổ truyền của nhà đầu tư ngoại. Liệu đó có phải một sự đắn đo về xu thế thị trường kém tích cực trong thời gian tới của dòng vốn ngoại?