Lãi suất cao có thực sự hấp dẫn khách hàng?
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là một lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, với quy luật lãi suất và rủi ro luôn tỷ lệ thuận, liệu khách hàng có nên "chọn mặt" gửi tiền vào loại hình này?
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 %/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; từ 0,1 - 0,2% năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5 - 4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,0 - 8,4%/năm.
Lãi suất cao nhất đang thuộc về ngân hàng nào?
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 %/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; từ 0,1-0,2% năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,0 - 8,4%/năm.
Thống kê của Thời báo Kinh Doanh tại 11 ngân hàng bao gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank, DongABank, Agribank, TPBank đến ngày 31/8, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất đang thuộc về Sacombank ở mức 5,75%/năm, lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này thuộc 3 ngân có vốn nhà nước là Vietinbank, BIDV, Agribank ở mức 4,4%/năm.
Lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng cao nhất là Eximbank là 7,2%/năm , huy động ở mức thấp nhất lại thuộc về Techcombank với 5%/năm, trong khi đó 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank huy động ở mức 6%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 24 tháng cao nhất đang thuộc về 2 hệ thống ngân hàng Sacombank và TPBankvới 6,7%/năm; lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này là Techcombank mức 5,1% năm. Lãi suất huy động của Agribank, Vietinbank, BIDV duy trì ở mức trung bình 6,0% năm, còn Vietcombank nhỉnh hơn một chút ở mức 6,1%/năm.
Như vậy, có thể thấy, mặt bằng chung lãi suất huy động trên hệ thống ngân hàng hiện nay giảm mạnh so với thời điểm cuối năm ngoái. Mức giảm này không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước – đây là nhóm ngân hàng thường xuyên huy động thấp nhất trên thị trường, mà các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ - thường xuyên dẫn đầu về lãi suất huy động cao trên thị trường cũng đã giảm mạnh.
Thông thường, các ngân hàng huy động lãi suất cao thường là những nhà băng có vấn đề về thanh khoản, tức là khả năng đáp ứng tức thời nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân tín dụng. Họ hy sinh lợi nhuận từ tiền gửi và thường sẽ tìm cách thu phí ở các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng giảm mạnh. Vì vậy thanh khoản luôn trong trạng thái dồi dào, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay là các ngân hàng đang thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Tiêu chí "chọn mặt gửi tiền"
Theo các chuyên gia, mỗi khách hàng có một khẩu vị khác nhau. Và để có lựa chọn phù hợp nhất, khách hàng cần cân nhắc những yếu tố then chốt như lãi suất đi kèm rủi ro, mức độ uy tín cũng như chất lượng dịch vụ của đơn vị "chọn mặt gửi tiền".
Tuy nhiên, thời gian qua bảo mật ngân hàng vẫn còn những kẽ hở, vẫn còn nhiều trường hợp khách hàng mất tiền do lỗi bảo mật, do nhân viên ngân hàng lợi dụng, lừa đảo để lấy cắp tiền của khách hàng... Vì vậy, phần lớn khách hàng ưu tiên nhất là tính an toàn cho khoản tiền gửi và uy tín thương hiệu của ngân hàng.
Nhiều ngân hàng có quy trình chặt chẽ nhưng việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến nhân viên không tuân thủ và quy trình thực tế được lược giản. Điều này có thể tiện lợi cho khách hàng trong một vài trường hợp, nhưng đó cũng là lỗ hổng dẫn đến những rủi ro về an toàn tiền gửi của khách. Đó là một trong những yếu tố mà khách hàng nên cân nhắc.
Anh Lê Hoàng Sơn, nhân viên tín dụng Vietcombank chia sẻ: "Đối với một số khách hàng, họ không coi lãi suất là ưu tiên hàng đầu. Những vấn đề khác mà họ quan tâm trước hết là uy tín ngân hàng đi kèm với chất lượng dịch vụ".
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế - tài chính (Học viện tài chính), 4 ngân hàng có vốn nhà nước là những đơn vị có độ uy tín cao nhất bởi họ có sự bảo vệ nhất định từ phía Nhà nước. Họ có quy mô và thị phần lớn, vì vậy có sức ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn bộ hệ thống ngân hàng,
Bên cạnh đó, việc tuân thủ ba trụ cột của Basel II cũng là tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động và khả năng giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Tính đến nay, 18 ngân hàng tại Việt Nam đã được cấp phép để áp dụng Basel II, đồng nghĩa với việc đảm bảo được nguồn vốn tự có, sử dụng nguồn vốn một cách lành mạnh và có khả năng chống chịu với rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, khách hàng quan tâm đến dịch vụ mà nhà băng đó mang lại cho khách hàng. Chị Hoàng Thu Hương (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất để hút khách hàng, mà còn là chất lượng, dịch vụ.
"Tôi đã từng tất toán trước hạn 1 khoản tiết kiệm gửi ở một ngân hàng có vốn Nhà nước để chuyển sang ngân hàng khác, do chất lượng dịch vụ ở nhà băng đó quá kém. Mỗi lần đến giao dịch tôi phải đợi rất lâu, nhân viên không niềm nở", chị Hương cho hay.
Rõ ràng, mỗi người có những tiêu chí chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm. Có người cho rằng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ đảm bảo an toàn. Có người lại cho rằng các ngân hàng thương mại khác thường đưa ra mức lãi suất cạnh tranh, cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Nhưng cũng có người lại lựa chọn các ngân hàng nước ngoài với uy tín lâu năm vì sự an toàn và chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế.