Lãi suất cho vay hiện nay khoảng bao nhiêu?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình thị trường tiền tệ hàng tuần...
Báo cáo thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ 11-15/3/2019 cho thấy thanh khoản trên thị trường có phần dư thừa khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xuống thấp.
Cụ thể, đối với các giao dịch VND, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt 0,38%/năm, 0,33%/năm và 0,14%/năm xuống mức 3,62%/năm, 3,67%/năm và 4,34%/năm. Doanh số giao dịch đạt xấp xỉ 272.791 tỷ đồng, bình quân 54.558 tỷ đồng/ngày, giảm 250 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Trong một báo cáo gần đây, BVSC cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tương đối tích cực, thể hiện thông qua hoạt động hút ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động trong kỳ báo cáo phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.
Có thể thấy, lãi suất cho vay USD vẫn đang duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với đi vay bằng VND. Tuy nhiên, tiếp cận được nguồn vốn này sẽ không dễ dàng bởi trong một tọa đàm gần đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2019, đây cũng là định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua.
Dự báo về lãi suất cho vay trong năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ giữ ở mức tương tự như năm 2018, không nhiều biến động. Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng môi trường vĩ mô trong nước đang khá ổn định và có nhiều công cụ hỗ trợ, nếu bị tác động thì sẽ chủ yếu đến từ thế giới. Tuy nhiên, theo ông thì bối cảnh quốc tế được kỳ vọng sẽ không có nhiều "cú shock" như năm vừa qua.
Tán thành với dự báo này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Phương đông (OCB) cũng cho rằng lãi suất năm nay sẽ không nhiều biến động. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của ngân hàng thương mại cũng cho biết lãi suất cho vay cho từng đối tượng, mục đích vay sẽ ngày càng có sự phân hóa. Theo đó, dựa trên mức độ rủi ro của từng khách hàng, từng khoản vay thì có doanh nghiệp chỉ được vay với lãi suất 6% nhưng cũng có doanh nghiệp phải vay với lãi suất 11%, 12%. Đây cũng là cách mà các ngân hàng thương mại vừa cạnh tranh được, vừa tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị siết chặt.