Lãi suất giảm: Đừng liều ôm "bom" bất động sản?

Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Nếu cách đây một năm bất động sản (BĐS) hồ hởi trước tin hạ lãi suất cho vay thì nay, thông tin này được đón nhận hời hợt. Thị trường BĐS vẫn ì ạch.

Lãi suất giảm: Đừng liều ôm "bom" bất động sản?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Phân vân e ngại

Tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng gửi ngân hàng để mua nhà, nghe thông tin lãi suất giảm, chị Vũ Thùy Dương (trú tại quận Thanh Xuân) phân vân, e ngại không biêt nên mua nhà hay gửi tiết kiệm. Theo chị Dương, giá BĐS đang mềm nhưng với số tiền trên, chị phải vay mượn thêm nhiều mới đủ mua nhà. Những căn hộ giá mềm,vừa số tiền gia đình chị có thì phải 2-3 năm nữa mới giao nhà.

"Thực tình bảo vay ngân hàng để mua nhà thì mình không dám, lãi suất có giảm mấy cũng chưa thể yên tâm. Còn mua nhà theo tiến độ thì giờ cũng không tin được. Nhà bạn mình mua căn hộ cách đây 3 năm giờ có thấy đâu", chị Dương lo lắng. Mặc dù tham khảo nhiều dự án BĐS đang mở bán nhưng chị Dương vẫn chưa dám xuống tiền.

Khác với chị Dương, anh Nguyễn Đức Trung, ở quận Cầu Giấy, đã quyết định mua căn hộ 60m2 tại một dự án ở quận Hoàng Mai. Vì đóng tiền theo tiến độ nên số tiền mua nhà anh Trung vẫn gửi ngân hàng để lấy lãi. Anh Trung cho hay: "Để tránh lãi suất giảm sâu trong thời gian tới, số tiền căn hộ hơn 800 triệu đồng, mình mới nộp ban đầu là 20%, đóng tiếp theo tiến độ nên mình chia nhỏ số tiền ra làm nhiều món. Mỗi món sẽ gửi một kỳ hạn nhất định, khoản gần nhất là 3 tháng cho đợt đóng lần 2, khoản lâu nhất là 12 tháng. Như vậy, số tiền gửi ngân hàng sẽ có lời do gửi càng lâu lãi suất càng cao".

Nhận định về tác động của việc giảm lãi suất tới thị trường, ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc sàn BĐS Info thuộc Ocean group cho rằng, hiện BĐS vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư do chưa thể có "sóng". Tuy nhiên, việc hạ lãi suất tiền gửi cũng là một cú hích khiến người có nhu cầu mua thật sự quyết định mua nhà. Với xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, suy nghĩ của nhiều người dân sẽ chuyển dịch từ 'tiết kiệm tiền để mua nhà' như hiện tại thành 'mua nhà để tiết kiệm tiền".

Ông Nam giải thích, việc giảm lãi suất cho vay mua nhà đang có tác động mạnh đến những người mua nhà lần đầu. Nếu chỉ cách đây 1 năm, việc mua nhà trả góp được ví như một giấc mơ xa vời, kể cả với những người có thu nhập khá thì nay, ở mức lãi suất dao động quanh mốc 10%/năm cộng với việc một số nhà băng nâng hạn vay lên tới 25 năm, việc mua nhà trả góp chỉ còn là một khoản tiền đối ứng không quá lớn thực sự đang "tạo cảm hứng" mạnh mẽ cho nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Theo khảo sát, chưa bao giờ thị trường BĐS lại có đợt giảm giá mạnh như lần này. Các căn hộ giá 1 tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều, lại được hỗ trợ vay vốn lên đến 15 năm như dự án Sails Tower tại Hà Đông, dự án chung cư Xa La, Đại Thanh, chung cư Westa Hà Đông,...

"Theo ghi nhận của chúng tôi, 90% các khách hàng đang vay mua nhà là các cặp vợ chồng trẻ và đang phải thuê nhà, vì theo tính toán thì tiền phải trả góp cả gốc lẫn lãi cho các căn hộ dưới 1,5 tỷ cao hơn tiền thuê nhà không đáng kể", ông Nam cho hay.

Mặc dù vậy, một phần nguồn tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào hệ thống ngân hàng khi BĐS còn tiềm ẩn rủi ro. Không ít người vẫn chọn mặt gửi... tiền tại các ngân hàng. Chị Lưu Thị Hải, giám đốc một công ty truyền thông, chia sẻ: "Nếu có nhu cầu thực để ở thì nên mua nhà, còn mình xác định không đầu tư vào BĐS lúc này. Thị trường còn đang tồn kho hàng đống ôm vào chẳng khác nào làm liều. Dù có mua được giá rẻ nhưng để lướt được lại mất thời gian dài".

Chị Phạm Nguyệt Nga, Giám đốc văn phòng nhà đất Phát Lộc (Lê Văn Lương, Hà Đông) cho biết, động thái hạ lãi suất chỉ tác động đến những người đang có tiền gửi tiết kiệm để chờ mua nhà, còn nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng bởi mức lãi suất cho vay còn quá cao. Hơn nữa, thủ tục xin vay vốn khá ngặt nghèo khiến người mua khó tiếp được. Trong khi đó, thị trường vẫn chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản.

Vẫn không dám vay tiền mua BĐS

Dù lãi suất có giảm nhưng đây không phải là tin vui đối với nhiều doanh nghiệp BĐS. Đại diện một chủ đầu tư ở Hà Đông cho rằng, suốt 2 năm qua, thị trường nhà đất rơi vào tình trạng đóng băng và mặt bằng giá đã giảm tới 50%. Đây là một cú sốc rất nặng đối với thị trường, vì vậy tâm lý chung nhà đầu tư rất dè dặt và thận trọng hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp ngành xây dựng, kinh doanh BĐS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải vay vốn ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án, khi thị trường trầm lắng sẽ bị thua lỗ, khó trả được nợ.

Lúc này, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng mới tìm dự án để mua vào. Nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ tin vào thị trường khi các tín hiệu phục hồi thị trường là rõ nét. Còn trong bối cảnh hiện nay, chẳng có ai dám vay tiền ngân hàng để đầu tư BĐS.

Đồng quan điểm, ông Thành Trung, giám đốc một doanh nghiệp BĐS ở Mỹ Đình cho rằng, lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn ở mức trên 10% khiến doanh nghiệp rụt rè vay mượn. Giảm lãi suất chỉ giúp các doanh nghiệp vay vốn "dễ thở" hơn khi cơ cấu được khoản nợ cũ, còn vay mới thì rất hạn chế. Trước khi ngân hàng giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với ngân hàng để đưa ra mức lãi suất ưu đãi. Đây là một trong những động thái tốt nhưng người mua vẫn e dè.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Minh Tú, giám đốc một sàn BĐS, nhận xét, vẫn có một dòng tiền nhỏ chảy vào BĐS với mức độ chậm và không có nhiều đột biến. Ông Tú lý giải, kinh tế khủng hoảng nhu cầu đầu tư cũng ít đi nhưng không có nghĩa tiền không chảy vào BĐS. Thực tế BĐS vẫn có nhu cầu thực.

Tuy nhiên, việc giá BĐS giảm, lãi suất cho vay thấp nhưng thị trường vẫn không hấp thụ được, ông Tú cho rằng, yếu tố quan trọng chính là thanh khoản. Số người chưa có nhà rất lớn nhưng thu nhập họ nhìn chung lại thấp. Một thời gian dài có thể do phát triển sai phân khúc nhà, nên số nhà bán giá quá cao đang nhiều, người có nhu cầu thật không đủ tiền để mua. Để có thanh khoản, nên tạo điều kiện để có những sản phẩm mà người có nhu cầu, có khả năng thanh toán mua được. Khi cung - cầu gặp nhau, thì ngành BĐS sẽ sống.

Một trong những lý do khiến cho người dân vẫn dè dặt với BĐS là sự mất niềm tin.

Theo TS Ngô Trí Long, thị trường BĐS, khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn rất nhiều khó khăn khác mà họ đang phải đối mặt. Làm thế nào để đưa người mua quay lại thị trường đòi hỏi không chỉ ở nỗ lực của doanh nghiệp địa ốc mà còn cả sự can thiệp của nhà nước.