Lãi suất hấp dẫn, người Việt ngày càng thích gửi tiền vào ngân hàng
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6/2019, tổng phương tiện thanh toán đạt 9,86 triệu tỷ đồng, tăng 7,11% so thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, tổng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt 8,23 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, có 3,5 triệu tỷ đồng là tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tăng 5,01% so với thời điểm đầu năm và có 4,72 triệu tỷ đồng là tiền gửi dân cư, tăng 7,96%.
Đáng chú ý, trái với việc trồi sụt của lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế, tiền gửi từ cư dân tăng đều trong nửa đầu năm nay.
Liên quan đến việc tiền gửi dân cư tăng đều là xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND các ngày gần đây liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong đợt tăng lãi suất lần này, cả BIDV và Vietinbank cũng niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó. Đây cũng là lần hiếm hoi mà hai ngân hàng này tăng lãi suất với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Đặc biệt, không chỉ tăng mạnh lãi suất với tiền gửi kỳ hạn dài, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cũng đang được một số ngân hàng đẩy lên cao. Tiêu biểu có thể kể đến Viet Capital Bank, ngân hàng này triển khai chương trình huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất lên tới 10,2%/năm.
Các chuyên gia tài chính cho biết, động thái trên của các ngân hàng gồm có hai nguyên nhân là tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và bổ sung vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, để tăng CAR, nguồn tiền phải thỏa mãn điều kiện có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Trong khi, đa phần chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dưới 5 năm. Vì thế, ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm mục tiêu huy động vốn trung và dài hạn.
Được biết, nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn đang dậy sóng trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay. Nó gắn với hai yếu tố chính.
Thứ nhất, nhu cầu vốn trung dài hạn tăng lên một phần do từ đầu năm 2019 các ngân hàng thương mại phải hạ giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%.
Nhưng trong năm tới có thể sẽ giảm xuống 35% và đến năm 2021 sẽ còn 30%. Trong khi, nhu cầu vay trung dài hạn của nền kinh tế vẫn ở mức cao, để đáp ứng thì gia tăng tỷ trọng vốn huy động trung dài hạn cũng là một hướng.
Thứ hai, những năm gần đây và hiện nay, cũng như phía trước, xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ với tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng đã khẳng định. Trong tín dụng bán lẻ, nhu cầu vốn trung dài hạn chiếm tỷ trọng lớn.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, với sức hấp dẫn của lãi suất, lượng tiền người Việt gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.