Lãi suất vay mua nhà ở xã hội bao nhiêu là phù hợp?
Các đề xuất về gói vay mua nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được kiến nghị, trong đó nhiều ý kiến cho rằng nên quy định lãi suất cố định 4,8% cho vay mua nhà ở xã hội.
Chia sẻ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho hay, muốn phát triển được nhà ở xã hội thì phải có sự hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động hỗ trợ cho cán bộ nhân viên.
"Hiện nay Techcombank đã làm việc với một số doanh nghiệp. Họ rất chủ động hỗ trợ nhân viên về lãi suất. Có những doanh nghiệp khu công nghiệp chủ động đưa ra các quỹ đất của mình để xây dựng nhà ở xã hội" - ông Hùng Anh nói.
Chủ tịch Techcombank cũng cho biết ngân hàng đã có đề án gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất tạo ra cơ chế chung cho các ngân hàng thương mại cùng tham gia. "Chúng tôi đề xuất 1 gói khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất cố định là 4,8% trong vòng 5 năm như Ngân hàng chính sách xã hội; đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép xem xét về khung tín dụng, bù đắp chính sách lãi suất và rủi ro. Rõ ràng phân khúc này là phân khúc rủi ro. Đây là một trong những lý do mà ngân hàng ngại cho vay" - ông Hùng Anh cho biết.
Được như vậy Techcombank sẽ chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến việc cho vay như với khách hàng bình thường chứ không bị ràng buộc các điều kiện cho vay như đối với nhà ở xã hội.
Về thời hạn, ông Hùng Anh cũng chia sẻ ngân hàng sẵn sàng cho vay 20 – 30 năm tùy theo khả năng trả nợ của khách hàng và chủ đầu tư.
Được biết, hiện tại người mua có các lựa chọn vay mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức lãi suất cho vay mua tại Ngân hàng Chính sách Xã hội năm 2024 là 4,8%/năm. Hoặc vay mua với lãi suất 7,5% tại các ngân hàng thương mại theo Chương trình 120.000 tỷ đồng, quy định theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Song, nhiều ý kiến cho rằng hiện Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết lãi suất tiền gửi xuống quanh mức dưới 6%, thì mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng phải hạ theo.
Theo ghi nhận của DĐDN, ngày 19.3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành biểu lãi suất mới, có điều chỉnh tất cả các kỳ hạn, giảm 0,1-0,3 điểm %. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12-18 tháng giảm 0,1 điểm %, từ 4,8%/năm còn 4,7%/năm.
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng đã có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Tại Agribank, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,6%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 12 - 18 tháng chỉ còn 4,7%/năm. Hay tại ACB kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,7%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm dưới 200 triệu đồng.
Tại PGBank cũng chính thức điều chỉnh giảm 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-18 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm PGBank giảm 0,3 điểm % áp dụng cho kỳ hạn 1-3 tháng: 2,6% (1 tháng), 2,7% (2 tháng) 3%/năm (3 tháng). Trước đó, MBBank cũng công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, nhà băng này giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi từ 1-36 tháng.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, nếu là vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng. Còn lãi vay ưu đãi tới 7,5%/năm là không thực chất. Lãi tiền gửi trung bình của người dân tại các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 4%/năm mà người thu nhập thấp phải vay mua nhà với lãi vay ưu đãi 7,5%/năm là bất hợp lý.
"Mức lãi vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội từ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp. Mức lãi vay này cũng cần được duy trì ổn định trong thời gian dài để hỗ trợ người dân" - ông Phương kiến nghị.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), gói tín dụng 120.000 tỷ đồng quy định lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng "thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi", do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Thời hạn ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.
Đơn vị kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5% một năm phát triển nhà ở xã hội. Gói 110.000 tỷ này từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2/2023. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ý tưởng ban đầu gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay nhưng sau đó, Bộ Xây dựng cho biết không đề xuất phương án này.