Lạm bàn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận
TCTC Online - Theo Thông tư số 12/2010/TT-NHNN, kể từ ngày 14/4/2010, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận được áp dụng đối với tất cả các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống. Như vậy, việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận tại ngân hàng thương mại đã trở thành chủ trương chung. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn có những ý kiến khác nhau về cách thức điều hành của cơ quan quản lý, cũng như tại các ngân hàng thương mại.

Lãi suất thỏa thuận có làm tăng lạm phát?
Câu hỏi này được rất nhiều người quan tâm bởi lẽ huy động vốn và cho vay, lãi suất đều tác động đến sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, dân cư ở hai khía cạnh: chi phí sản xuất và tâm lý.
Năm 2002, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã sử dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận. Từ thời điểm đó đến năm 2008, lạm phát trong nền kinh tế đã có những biến động bất thường. Tỷ lệ lạm phát năm 2001 là 0,8%. Sau khi thực hiện lãi suất thỏa thuận, lạm phát lên mức 4% trong năm 2002 và không ngừng tăng trong những năm tiếp theo.
Cơ chế lãi suất thỏa thuận năm 2002 được đưa ra thực chất là thả nổi. Tại đất nước vừa mới thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý theo mô hình thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO như Việt Nam thì bước đi này có thể là hơi vội. Kinh nghiệm các nước cho thấy, trong cơ chế thị trường, các chính sách thuộc tầm vĩ mô chỉ được điều hành bằng các công cụ và nguyên tắc của thị trường khi nền kinh tế của các nước phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Do những yếu tố đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, trong thời kỳ sự tồn tại của cơ chế lãi suất thỏa thuận nói trên nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ nổi. Hậu quả là sản xuất bị giảm sút, kéo theo tình trạng tiền đưa vào khu vực sản xuất nhưng không đem lại hiệu quả, làm trầm trọng thêm sự mất cân đồi giữa tiền và hàng. Do vậy, lạm phát liên tục tăng lên trong những năm tiếp theo là một tất yếu.
Năm 2009, Việt Nam lại chuyển sang cơ chế điều hành chính sách tiền tệ bằng cách sử dụng một trong những công cụ tiền tệ quan trọng nhất là lãi suất cơ bản. Nhờ vậy, lạm phát nhanh chóng được khống chế. Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2010, lạm phát lại có xu hướng tăng nhanh. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2010 so với cùng kỳ năm 2009 tăng 7,62%; so với tháng 12/2009 đã tăng 1,36%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2010 so với 2 tháng đầu năm 2009 tăng 8,04 %; bình quân quý I/2010 so với quý I/2009 tăng 8,51%; tháng 3/2010 so với tháng 2/2010 tăng 0,75%; tháng 2/2010 so với tháng 1/2010 tăng 1,96%. Như vậy, lo ngại về lạm phát có xu hướng lặp lại như giai đoạn trước là có sơ sở (dù theo công bố của Tổng cục Thống kê thì CPI tháng 4/2010 chỉ ở mức 0,14%).
Còn nhiều yếu tố khác cũng làm chúng ta phải lo ngại. Kinh tế thế giới tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dư âm của khủng hoảng tài chính thế giới nhưng sự hồi phục cũng đang bắt đầu. Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang tăng trưởng 3,1% vào năm 2010 sau khi đã suy giảm 1,1% năm 2009. Kinh tế thế giới tăng trưởng sẽ kéo theo sự tăng giá các mặt hàng thuộc nguyên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu, đặc biệt là giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ quyết định từ 1/5/2010 điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 650.000 VNĐ lên 730.000 VNĐ đối với cán bộ, công nhân viên thuộc khu vực Nhà nước… Trong tình hình hiện tại và triển vọng nền kinh tế như vậy thì chỉ cần một điều kiện chủ quan tác động không thuận lợi có thể sẽ khiến Việt Nam khó có thể khống chế lạm phát ở mức như Quốc hội đã đề ra.
Nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại về tình trạng tái lạm phát ở Việt Nam. Theo kinh tế gia trưởng vùng Đông Á-Thái bình dương của WB, ông Vikram Nehru, năm 2009 Việt Nam đã chống chọi với suy giảm kinh tế thành công thông qua các chương trình kích cầu tài chính. Kinh tế tăng trưởng 5,3% là ngoạn mục nhưng hiện nay Việt Nam đang chịu áp lực lớn về lạm phát.
Xuất phát từ những gì nêu trên, xem ra chúng ta cần phải có những biện pháp thật thận trọng trong việc áp dụng lãi suất thỏa thuận để tránh nguy cơ làm tăng lạm phát.
Lãi suất thỏa thuận và lãi suất huy động.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi cho vay theo thỏa thuận sẽ là yếu tố làm tăng lãi suất đầu vào - lãi huy động và khi lãi suất huy động tăng lên sẽ làm cho giá cả leo thang, lạm phát tái diễn nhanh chóng. Ở đây có một số vấn đề đáng lưu tâm là:
Thứ nhất, một trong những mục tiêu áp dụng lãi suất thỏa thuận là tiếp cận quy luật cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nhiều khi giá, đặc biệt là lãi suất cho vay, sẽ không được hình thành theo quy luật đó, bởi lẽ với mong muốn duy trì lãi suất huy động ở mức không làm tăng lạm phát, cung vốn cho thị trường tín dụng sẽ bị hạn chế. Chính yếu tố này tác động đến việc tăng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại, vì cầu vượt cung.
Thứ hai, việc kỳ vọng tìm một lãi suất hợp lý trên cơ sở cung- cầu vốn và thúc đẩy cho vay góp phần tăng trưởng kinh tế cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Lý do là nền kinh tế của chúng ta là “nền kinh tế tín dụng”, trong cơ cấu vốn hoạt động của doanh nghiệp thì vốn vay chiếm tỷ trọng không nhỏ và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Khi hoạt động kinh doanh có điều kiện phát triển, cung vốn trên thị trường thiếu, lãi suất tăng thì doanh nghiệp cũng vẫn phải vay vốn.
Như vậy, lãi suất cho vay theo thỏa thuận cũng khó bề khống chế ở mức hợp lý theo kỳ vọng trong mục tiêu cân bằng kinh tế vĩ mô mà trọng tâm là kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế này đã diễn ra trong năm 2008, khi lãi suất huy động trên thị trường được đẩy lên thì lãi suất cho vay ở một số ngân hàng đã vượt ngưỡng 20%. Tuy vậy, dư nợ cho vay trong nền kinh tế không giảm.
Thứ ba, qua một thời gian ngắn áp dụng lãi suất thỏa thuận, điều không bình thường đã phát sinh là lãi suất nhiều ngân hàng cho vay đã vượt xa tốc độ lạm phát trong nền kinh tế, làm cho lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực có mức chênh lệch khá lớn.
Thứ tư, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên lo lắng về việc ngân hàng thương mại sẽ đẩy lãi suất lên cao và chạy đua huy động vốn, đẩy lãi suất tiền gửi lên. Theo họ, trong điều kiện cạnh tranh, nếu ngân hàng nào cho vay lãi suất cao thì sẽ mất khách hàng. Tuy nhiên, trong thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, vấn đề không đơn giản như vậy. Thị trường tiền tệ năm 2008 là một minh chứng. Lãi suất ở nhiều ngân hàng đã vượt 20 % nhưng sự dịch chuyển luồng vốn như suy luận trên đã không xảy ra.
Thậm chí trong một thời gian ngắn (quý I/2010), lãi suất huy động bị khống chế “trần” nhưng lãi suất cho vay thông thường đã lên đến 17-18%, có ngân hàng cho vay xấp xỉ ở mức 20% /năm. Trong thực tiễn quan hệ tín dụng, lãi suất chỉ là một yếu tố trong cạnh tranh. Nếu chúng ta không có những nghiên cứu kỹ để có cách nhìn phù hợp với cuộc sống nhằm xây dựng các cơ chế quản lý hữu hiệu, e rằng “tự do hóa” lãi suất sẽ xảy ra hiện tượng độc quyền và khi đó lãi suất thỏa thuận sẽ mất vai trò và bản chất “thỏa thuận”.
Có hay không cuộc đua hạ lãi suất?
Hiện tại, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay. Động thái này xảy ra sau khi có cuộc họp giữa các NHTM với NHNN, qua đó các NHTM lớn đã thống nhất kéo lãi suất cho vay xuống. Nhiều người cho rằng, tới đây cuộc đua hạ lãi suất sẽ diễn ra. Về diễn biến này có nhiều câu hỏi đặt ra:
- Tại sao các NHTM lại nhanh chóng hạ lãi suất cho vay? Nếu không có cơ sở kinh tế và khoa học liệu các NHTM có thể duy trì lâu dài mức lãi suất thấp không? Chúng tôi cho rằng, nếu các NHTM hạ lãi suất trên cơ sở tiết kiệm chi phí theo chỉ đạo của NHNN là điều không thể, bởi thời gian quá ngắn để việc giảm chi phí trong ngân hàng có hiệu ứng. Nếu NHTM chỉ thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay ngoài ý muốn thì sẽ không có sự bền vững, vì vậy về lâu dài duy trì lãi suất ở mức thấp không phải là điều đơn giản.
- Lãi suất thỏa thuận mà NHNN cho áp dụng trong thời gian qua là chủ trương chung đối với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thực hiện, lãi suất cho vay ở một số ngân hàng đã lên đến mức xấp xỉ 20%. Các NHTM lớn cùng thống nhất kéo lãi suất xuống. Liệu việc làm này có đúng với tinh thần bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể khác nhau trong hệ thống và quyền lợi các ngân hàng nhỏ bị ảnh hưởng không? Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong huy động và cho vay. Đây là yếu tố không an toàn, ảnh hưởng đến an ninh đối với hệ thống.
- Có đại diện ngân hàng cho rằng, lãi suất đầu vào bình quân ở các ngân hàng chỉ từ 7-9%/năm nên việc hạ lãi suất cho vay sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Về vấn đề này, NHNN cần xem xét đánh giá lại mức chi phí đầu vào của các NHTM để có định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ.
- Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp vốn của thị trường khan hiếm, NHNN sẽ cung ứng tiền cho thị trường thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ. Liệu điều này có đi ngược lại với mục tiêu kiềm chế lạm phát không? Cần lưu ý rằng, công cụ của chính sách tiền tệ không tác dụng tức thời mà có độ trễ nhất định trong vận hành, trong khi đó giá cả thị trường có thể không có “phút, giây” chậm trể. Trong trường hợp đó chắc chắn điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn trong mục tiêu ngắn hạn.
Thay cho lời kết
Thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, các công cụ tiền tệ - đặc biệt là lãi suất và tỷ giá hối đoái là những công cụ tiền tệ cực kỳ nhạy cảm. Việc sử dụng các công cụ này - đặc biệt với công cụ lãi suất cần phải đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam. Điều mà mọi thành viên trong xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm hiện nay là liệu sức mua của VND có được giữ vững hay không, có nghĩa là đồng Việt Nam liệu có tiếp tục mất giá hay không, lạm phát liệu có tái diễn như thời 2002 – “tự do hóa” lãi suất hay không?
Rõ ràng, những gì mà NHNN Việt Nam đã thực hiện trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua, đặc biệt trong việc sử dụng "lãi suất cơ bản" trong năm 2009 đến nay là rất tốt, đã kìm chế và đẩy lùi lạm phát từ 19,89% trong năm 2008 xuống còn 6,8% trong năm 2009. Vì vậy, cần có những biện pháp có cơ sở khoa học và kinh tế trong việc áp dụng chế độ lãi suất thỏa thuận, để góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 mà Chính phủ đã đề ra. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô năm 2010 cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, việc bảo vệ an ninh cho hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn là nhiệm vụ không thể không tính đến trong việc áp dụng lãi suất thỏa thuận.