Làm Chủ tịch, CEO lĩnh vực nào có thu nhập cao nhất?


Theo FiinGroup, bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và bảo hiểm là Top 3 ngành có thu nhập bình quân của CEO cao nhất năm 2023.

Thu nhập CEO bình quân ở mức 2,5 tỷ đồng/năm/người trong năm 2023. Ảnh Misa.
Thu nhập CEO bình quân ở mức 2,5 tỷ đồng/năm/người trong năm 2023. Ảnh Misa.

FiinGroup mới đây đã công bố báo cáo phân tích thu nhập Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các công ty đại chúng.

Dữ liệu kể trên được FiinGroup phân tích dựa trên công bố thông tin của 200 công ty đại chúng niêm yết trên HoSE, HNX và UPCoM, đại diện 85,6% vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối năm 2023, gồm 15/27 ngân hàng, 9/43 công ty chứng khoán, 3/14 công ty bảo hiểm và 173/1563 doanh nghiệp các ngành khác (phi tài chính).

Đáng chú ý, dữ liệu thu nhập này không bao gồm các phúc lợi từ cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu ESOP. Các lãnh đạo có thu nhập tượng trưng (như 1 USD/năm) hay không nhận thù lao, tiền lương, thưởng không được đưa vào dữ liệu phân tích.

Kết quả phân tích của FiinGroup cho thấy, thu nhập CEO bình quân ở mức 2,5 tỷ đồng/năm/người trong năm 2023. Trong đó, bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) và bảo hiểm là những ngành có thu nhập bình quân cho vị trí Tổng giám đốc cao nhất.

Đáng chú ý, trong số 15 doanh nghiệp niêm yết có thu nhập CEO cao nhất năm vừa qua, có tới 6 doanh nghiệp trả thu nhập trên 10 tỷ đồng cho vị trí nhân sự cấp cao này.

Mức thu nhập "khủng" này thuộc về CEO Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (HoSE: KBC). Người đảm nhiệm vai trò CEO KBC hiện tại là bà Nguyễn Thị Thu Hương.

Xếp sau là CEO Tập đoàn Masan với mức thu nhập 14,7 tỷ đồng và CEO Vinhomes với mức thu nhập 13,9 tỷ đồng năm 2023. Hiện tại, người giữ vai trò CEO Masan là ông Danny Le (bổ nhiệm từ tháng 6/2020) và CEO Vinhomes là bà Nguyễn Thu Hằng (bổ nhiệm từ tháng 5/2022).

3 doanh nghiệp khác có mức thu nhập CEO trên 10 tỷ đồng năm ngoái lần lượt là Nam Long (12,9 tỷ đồng); Vingroup (11,1 tỷ đồng) và Vincom Retail (10,3 tỷ đồng).

Thu nhập của Chủ tịch HĐQT

Trong khi đó, thu nhập của Chủ tịch HĐQT có mức bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Ngân hàng và dịch vụ tài chính (chủ yếu là CTCK) có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này. Ngược lại, công nghệ thông tin và bán lẻ có hiệu quả cao (ROE) cao nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT lại ở mức rất thấp.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước (nhà nước sở hữu từ 25% đến dưới 51% tổng vốn chủ sở hữu) có ROE cao nhất nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT (cũng như của CEO) cùng thấp hơn 16%-20% so với mức bình quân toàn thị trường.

Cụ thể, thu nhập của Chủ tịch HĐQT ở ngân hàng, dịch vụ tài chính (chủ yếu chứng khoán) và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại. FiinGroup cho rằng yếu tố này có thể do ngoài việc đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành thì vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.

Theo đó, các doanh nghiệp có nhân sự Chủ tịch HĐQT tham gia điều hành và có thu nhập cao nhất lần lượt là PNJ (8,8 tỷ đồng); Sacombank (8,6 tỷ đồng); Chứng khoán SSI (7 tỷ đồng); Vinhomes (6,4 tỷ đồng); TPBank (6,2 tỷ đồng); SeABank (6 tỷ đồng) hay HDBank (5,2 tỷ đồng)...

Với thu nhập của các Thành viên độc lập HĐQT, năm 2023, thu nhập bình quân của các nhân sự vị trí này là 600 triệu đồng/người. Trong đó, cao nhất là 3,5 tỷ đồng tại Sacombank, theo sau lần lượt là PNJ với 3,2 tỷ đồng và Vinamilk với 2 tỷ đồng.

Theo Khả Mộc/nhadautu.vn