Làm gì để đón đầu vận hội TPP?

TS. Võ Trí Thành

(Tài chính) Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ là một hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực siêu lớn bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, mà còn là sự liên kết kinh tế được xem là hình mẫu của thế kỷ 21. Các nước kỳ vọng đàm phán TPP có thể hoàn tất trong năm 2014 nhưng đồng thời cũng phát sinh những thách thức mới đối với các nền kinh tế.

Làm gì để đón đầu vận hội TPP?
Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP sẽ mang lại lợi ích đáng kể về công nghệ. Nguồn: internet

Tác động sâu rộng

Sau 27 năm đổi mới gắn cải cách định hướng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển rất có ý nghĩa, song hiện cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề: Chất lượng tăng trưởng thấp, phát triển thiếu bền vững, sức đề kháng trước các cú sốc nền kinh tế yếu…

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đang có những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống tài chính - ngân hàng, cùng hoàn thiện những nền tảng về thể chế, kết cấu hạ tầng và đào tạo giáo dục cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cách thức phát triển theo hướng thực sự có hiệu quả, bền vững và công bằng.

Với cam kết là một liên kết khu vực mở, phạm vi điều chỉnh của TPP có 4 đặc trưng cơ bản: (i) Loại bỏ các rào cản thông thương (thuế quan và hạn chế định lượng) trong một thời gian xác định tại tất cả thành viên.

(ii) Đề ra chính sách mới liên quan đến thương mại điện tử và sự phân khúc quá trình sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng hiện đại.

(iii) Duy trì sự liên kết giữa các nước phát triển và đang phát triển, tránh các biện pháp đối xử đặc biệt song tạo động lực để nền kinh tế thu nhập thấp tham gia.

(iiii) Đảm bảo chính sách và quy chế minh bạch và có khả năng dự đoán. Bên cạnh chuẩn mực giám sát và xử lý tranh chấp cùng tiêu chuẩn về lao động, môi trường, TPP còn cam kết về mua sắm chính phủ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ…

Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao sẽ mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý. Sự gia tăng vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần phát triển các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Điều quan trọng nhất, xét trong dài hạn, là việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài.

Những đòi hỏi của TPP cho thấy quá trình đàm phán không đơn giản, thậm chí rất căng thẳng, nhất là đàm phán về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, phán xử tranh chấp nhà đầu tư - nhà nước, tiêu chuẩn lao động.

Mua sắm chính phủ, nguyên tắc xuất xứ, nông nghiệp cũng là những vấn đề đầy thách thức đối với đàm phán. Khó khăn để ra đời một TPP cũng hàm nghĩa hiệp định có thể có những tác động đáng kể đến các nền kinh tế thành viên, cả với GDP và xuất khẩu. Ở đây có lập luận cho rằng sự chồng chéo nhiều FTA trong khu vực với mức độ tự do hóa khá cao về thương mại, nên nhiều đánh giá tác động là quá mức.

Tuy nhiên, nếu xét trung và dài hạn, gắn với cải cách thể chế kinh tế “sau đường biên giới” - những yêu cầu chủ yếu của TPP - và dịch chuyển dòng vốn đầu tư thì tác động thực tế vẫn có thể lớn hơn nhiều. Một thí dụ với Việt Nam là đa phần những nghiên cứu định lượng đều đánh giá thấp tác động của FTA Việt Nam - Hoa Kỳ.

Song TPP cũng có thể tác động chệnh hướng thương mại, gây bất lợi đối với một số nền kinh tế, trong đó có các nước ASEAN không phải là thành viên. Hàm ý ở đây là bên cạnh tự do hóa, rất cần sự tăng cường hợp tác trong phạm vi rộng, chẳng hạn giữa Hoa Kỳ và ASEAN và giữa các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

TPP kỳ vọng có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đánh giá tác động của TPP đối với GDP và xuất khẩu của các chuyên gia kinh tế thế giới, xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP (tính theo giá năm 2007).

Có 3 lý do chính đằng sau tác động tích cực này. Trước hết, TPP bao gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. Nhiều trong số các mặt hàng này có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.

Lấy thí dụ ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, thuế suất trung bình 17,3%, cao nhất 32% sẽ giảm xuống 0%, khi đó xuất khẩu có thể tăng rất mạnh. Tiếp nữa, đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng để tận dụng lợi thế mới do TPP đem lại.

Thách thức và ứng phó

Tính toán và lập luận này cho thấy tiềm năng và cơ hội to lớn do TPP có thể đem lại. Bài học sau 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết.

Tận dụng được cơ hội đó tùy thuộc vào việc Việt Nam có vượt qua được những thách thức cũng rất lớn trong thực thi cam kết hay không. Cải cách của Việt Nam hiện nay cũng không còn là tự thân như vào đầu những năm 1990, mà đã tương tác mạnh hơn nhiều với tiến trình hội nhập.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp. Nói vậy để thấy khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam không hề nhỏ. Cũng chính vì vậy, Việt Nam cần phải hết sức nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế (khung khổ pháp lý, chế tài thực thi) để có thể đáp ứng cam kết trong TPP.

Đặc biệt, trong thời gian trước mắt, Việt Nam cần khôi phục, tạo dựng lòng tin đối với thị trường, các nhà đầu tư. Điều đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị mà cả sự nhất quán trong kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và tính quyết liệt trong cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.

Rủi ro lớn nhất của hội nhập là không có sự phát triển song hành cùng thời đại. Song hội nhập mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ. Hội nhập đòi hỏi phải có chiến lược phát triển, gắn bó hữu cơ với tiến trình cải cách bên trong của đất nước. Theo nghĩa đó, TPP thực sự vừa là cơ hội to lớn, vừa là thử thách nghiêm túc đối với yêu cầu cải cách và phát triển của Việt Nam.
Tác động tổng thể TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn và do vậy cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản.

Giảm thiểu phí tổn điều chỉnh và những rủi ro xã hội trong quá trình hội nhập nói chung và thực hiện TPP nói riêng cũng là bài toán Việt Nam cần được quan tâm giải quyết.

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực thi các chương trình mục tiêu cụ thể và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội… là những giải pháp cần triển khai có hiệu quả để giảm sốc tác động tiêu cực khi gia nhập TPP.

Cải cách từ bên trong

Đối với các doanh nghiệp, ngành hàng, lợi ích cũng không tự thân đến. Ngay đối với những ngành hàng được xem có lợi thế khi gia nhập TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Thí dụ, dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, một tỷ lệ đầu vào kể từ sợi phải là từ các thành viên TPP để được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Hay như đối với hàng thủy sản, thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch có thể trở nên ngặt nghèo hơn.

Bản thân ngành hàng, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Phải nắm được tinh thần chung và những cam kết cụ thể, nhất là khi có liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình. Thời điểm hiện nay rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với các bộ, ngành và Chính phủ.

Thông tin không chỉ là về TPP, các FTA Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung, mà cả về những chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới. TPP là một hiệp định có rất nhiều đòi hỏi cao đối với các chính sách “sau đường biên giới” nên phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch…

Thế giới kinh doanh hiện nay là thế giới của mạng, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, là thế giới của những liên kết nghiên cứu triển khai - sản xuất - dịch vụ - thị trường trong không gian các mối quan hệ đối tác và xã hội. Thiếu kết nối ta không thể tương thích với sự dịch chuyển nhanh các nhân tố mới như công nghệ, lao động có kỹ thuật và hướng đến nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trong tiến trình hội nhập.