Lạm phát tại Tokyo tăng nhanh nhất trong 30 năm

Theo H.Hà/dangcongsan.vn

Ngày 4/10, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, giá năng lượng tăng và đồng yen yếu đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thủ đô Tokyo tăng lên 2,8% trong tháng 9, vượt mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ qua.

Tokyo ghi nhận lạm phát tăng nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ trong tháng 9/2022. Ảnh: Reuters.
Tokyo ghi nhận lạm phát tăng nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ trong tháng 9/2022. Ảnh: Reuters.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, CPI lõi của Tokyo, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã tăng trong tháng thứ 13 liên tiếp khi ghi nhận mức tăng 2,9%. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/1992. Chi phí sinh hoạt tăng cao đang gây sức ép lên người tiêu dùng tại Thành phố này.

Dữ liệu lạm phát ở thủ đô Tokyo được sử dụng làm chỉ số lạm phát hàng đầu trên toàn quốc và các nhà kinh tế dự đoán CPI lõi của nước này sẽ tăng 3% vào đầu tháng 9.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản(BoJ) từng khẳng định sẽ không điều chỉnh chính sách lãi suất cơ bản đang ở mức rất thấp hiện nay dựa trên lạm phát tăng do các yếu tố tạm thời. Hiện, BoJ vẫn duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 2%, cho đây là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. 

Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda đã cam kết giữ chính sách cực kỳ lỏng lẻo bất chấp sự gia tăng lạm phát gần đây. Bên cạnh đó, ông Kuroda cũng cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết đối với Nhật Bản vì nền kinh tế của nước này vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đối mặt với áp lực giảm do giá hàng hóa cao hơn.

Dữ liệu thống kê cho thấy, giá năng lượng và thực phẩm vẫn là nguyên nhân khiến lạm phát tại Tokyo trong tháng 9 tăng. Cụ thể, giá năng lượng đã tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thực phẩm, không bao gồm thực phẩm dễ hỏng, đã tăng 4,5% so với mức 3,8% trong tháng 8.

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng một gói kinh tế toàn diện vào cuối tháng 10, bao gồm các biện pháp giảm tác động của giá cả tăng đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Theo dự báo gần đây của BoJ, CPI lõi được dự báo sẽ đạt mức cao nhất 2% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2023, song có khả năng sẽ không đạt được mục tiêu 2% trong năm tài khóa 2023 và 2024.

Trước đó, ngày 20/9 vừa qua, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy, lạm phát CPI của nước này trong tháng 8 vừa qua đã tăng lên mức 2,8% - mức cao nhất trong vòng 8 năm qua trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao và đồng yen mất giá.

Theo báo cáo, nếu không tính các mặt hàng thực phẩm tươi sống có nhiều biến động, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản trên toàn quốc của Nhật Bản có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2014.

Chỉ CPI lõi, loại bỏ cả thực phẩm tươi sống và chi phí năng lượng, đã tăng 1,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 1,2% trong tháng 7, đánh dấu tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất kể từ năm 2015. CPI được BoJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo về mức độ áp lực lạm phát được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước.